Lời tác giả: Việc dạy tiếng Việt như một ngôn ngữ thứ hai (cho trẻ em Việt Nam ở hải ngoại cũng như cho người ngoại quốc ở Việt Nam và hải ngoại) đang phát triển mạnh mẽ. Điều này gợi ra nhiều vấn đề liên quan đến phương pháp giảng dạy vốn còn rất mới với người Việt Nam. Bài viết này chỉ nhắm đến mục đích nêu lên một số cái khó để mọi người cùng quan tâm. Vì bài viết khá dài, tôi xin chia làm bốn phần:
1. Dạy ngôn ngữ thứ hai bao giờ cũng khó
2. Khi ngôn ngữ thứ hai là một ngôn ngữ cộng đồng lại càng khó.
3. Bản thân tiếng Việt rất khó (1)
4. Bản thân tiếng Việt rất khó (2)
NHQ
***
Tính ngữ cảnh cao (high-context)
Có lần, trong một lớp tu nghiệp cho giáo viên, tôi đố học viên dịch câu này sang tiếng Việt:
He goes to Saigon.
Mọi người cười ồ. Có lẽ họ cho là tôi đùa. Nhưng tôi đố thật. Một người vọt miệng nói "Ông ấy đi Sài Gòn". Tôi cho họ dịch lại. Họ cũng dịch y như vậy. Lúc ấy, tôi thú thực là, nếu không biết gì về ngữ cảnh của câu ấy, tôi không thể dịch được. Có hai lý do chính: Thứ nhất, "he" không nhất thiết phải là "ông ấy". Lỡ đó là câu của một người con nói về cha mình, một người cha nói về con mình, một người vợ nói về chồng mình, hay một người anh nói về em mình... thì sao? Nhưng nếu cứ cho "he" là "ông ấy" thì chúng ta cũng không thể vội vã dịch động từ "to go" là đi. Trong tiếng Việt, đi, tùy theo địa điểm xuất phát, người ta có thể nói một trong bốn cách khác nhau:
Ông ấy vào Sài Gòn
Ông ấy ra Sài Gòn
Ông ấy lên Sài Gòn
Ông ấy xuống Sài Gòn
Cách nào cũng đúng cả. Nhưng tùy theo phương hướng.
Mà không phải chỉ có các động từ lên/xuống/vào/ra, ngay cả các danh từ chỉ vị trí như trong hay ngoài, trên hay dưới cũng đều như thế. Trong hầu hết các ngôn ngữ Tây phương, trên là trên, dưới là dưới, trong là trong, ngoài là ngoài. Không có sự lẫn lộn. Tiếng Việt thì khác. Xin nêu vài trường hợp làm ví dụ:
- Ông ấy ở ngoài vườn / Ông ấy ở trong vườn.
- Chị ấy ngồi trên sàn nhà / Chị ấy ngồi dưới sàn nhà.
- Xe chạy trên đường / Xe chạy dưới đường.
Xin lưu ý là cách dùng các chữ ngoài/trong, trên/dưới ở các câu trên đều đúng. Nhưng chỉ đúng với một điều kiện: Tùy tình thái và quan hệ.
Nhà nhân chủng học Edward T. Hall, trong cuốn Beyond culture (Anchor Books, 1997), chia văn hóa giao tiếp thành hai loại: loại có tính ngữ cảnh cao (high-context) và loại có tính ngữ cảnh thấp (low-context). Giữa hai loại văn hóa này có nhiều khác biệt, chẳng hạn, văn hóa có tính ngữ cảnh thấp đề cao óc luận lý, tuyến tính, tinh thần cá nhân chủ nghĩa, sự cạnh tranh và tính hiệu quả của hành động, trong khi văn hóa có tính ngữ cảnh cao lại đề cao trực giác, quan hệ, tinh thần tập thể, sự hợp tác và sự trầm tư. Trong lãnh vực giao tiếp, trong văn hóa có tính ngữ cảnh thấp, người ta thích nói thẳng, trực tiếp và rõ ràng, căn cứ chủ yếu trên sự kiện và nhằm giải quyết vấn đề càng nhanh càng tốt; trong văn hóa có tính ngữ cảnh cao, ngược lại, người ta thường xem trọng quan hệ liên cá nhân (interpersonal realtionship), trong đó, quan trọng nhất là sự tín nhiệm và tin cậy, do đó, bên cạnh ngôn ngữ bằng lời, người ta hay sử dụng loại ngôn ngữ thân thể, từ giọng nói đến sắc mặt, điệu bộ, cử chỉ, và cả những yếu tố ngoài ngôn ngữ như gia thế hay sự quen biết. Nói cách khác, trong văn hóa có tính ngữ cảnh cao, về phương diện ngôn ngữ, ý nghĩa và ngữ cảnh gắn liền chặt chẽ với nhau. Hiếm có ý nghĩa nào tồn tại độc lập ngoài ngữ cảnh để có thể được diễn dịch giống nhau bất kể lúc nào và ở đâu. Có thể nói, hai đặc điểm nổi bật nhất của ngôn ngữ giao tiếp ở loại văn hóa này là tính tình thái (situational) và tính liên hệ (relational).
Hiện tượng chữ “he” có thể được dịch theo nhiều cách khác nhau cũng như hiện tượng những chữ như trong và ngoài, trên và dưới có thể hoán chuyển cho nhau thể hiện rõ nét tính tình thái và tính liên hệ ấy. Trong các ngôn ngữ Tây phương, như tiếng Anh hay tiếng Pháp, chẳng hạn, các đại từ xưng hô hầu như lúc nào cũng cố định, phân biệt theo vị thế phát ngôn: người nói (ngôi thứ nhất, lúc nào cũng là I hay Je), người nghe (you hay tu/vous) và người được nhắc đến (he/she hay il/elle). Không thay đổi. Trong tiếng Việt, tất cả đều tùy liên hệ giữa người nói và người nghe. Quan hệ ấy có thể thay đổi theo cảm xúc và thái độ (tình thái). Các danh từ chỉ vị trí cũng vậy. Câu “Ông ấy ở ngoài vườn” đúng nếu người nói đang ở trong nhà; ngược lại, nếu người nói đang ở ngoài đường, ông ấy lại biến thành “ở trong vườn”. Bình thường, người ta ngồi trên sàn nhà. Nhưng nếu so sánh với một người khác đang ngồi trên ghế, cái người ngồi trên sàn nhà tự nhiên biến thành người ngồi dưới sàn nhà. Đứng trên lề đường, chúng ta thấy “xe chạy trên đường”, nhưng giả dụ đang đứng trên lầu cao nhìn xuống, chúng ta lại sẽ thấy “xe chạy dưới đường”.
Chính vì thay đổi theo tình thái và liên hệ như thế, một bộ phận khá lớn trong tiếng Việt trở thành khó hiểu đối với người đi học và khó giải thích đối với người đi dạy.
Nhiều phương ngữ
Phương ngữ được xem là các biến thể của một ngôn ngữ. Nhưng biến thể đến mức nào thì được gọi là phương ngữ? Trước hết, nó phải lớn hơn phạm vi một cá nhân (trong thuật ngữ ngôn ngữ học, những biến thể trong cách sử dụng ngôn ngữ của một cá nhân được gọi là idiolect, không phải là phương ngữ, dialect). Thường, có hai phạm vi: xã hội (từ đó, nảy ra phương ngữ xã hội, social dialect hay sociolect) và địa lý (từ đó, nảy ra phương ngữ vùng miền, regional dialect hay regiolect), trong đó, phạm vi thứ hai thường được chú ý, trở thành trung tâm của khái niệm phương ngữ nói chung. Nhưng về phương diện địa lý, ranh giới giữa phương ngữ và ngôn ngữ cũng không thật rõ ràng. Ở đây có khá nhiều sự can thiệp của các yếu tố chính trị. Sự khác nhau giữa các thứ tiếng Đan Mạch, Na Uy và Thụy Điển cũng như giữa các thứ tiếng Hindi ở Ấn Độ và Urdu ở Pakistan không lớn hơn những khác biệt trong tiếng Anh ở Mỹ và tiếng Anh ở Úc nhưng trong khi các thứ tiếng trên được xem là ngôn ngữ, tiếng Anh ở Mỹ, Úc hay Tân Tây Lan, Canada… lại chỉ là những phương ngữ của tiếng Anh.[1] Lý do là ở các quốc gia ở trên, người ta muốn khẳng định sự độc lập của mình, kể cả trên phương diện ngôn ngữ. Một cực khác, ngược lại, ở Trung Quốc, sự khác biệt giữa tiếng Quảng Đông và Quan Thoại rất lớn: ngoài chữ viết, người ta không thể hiểu nhau được. Vậy mà tiếng Quảng Đông - cũng như tất cả các thứ tiếng khác ở Trung Quốc - chỉ được xem là một phương ngữ. Lý do? Trung Quốc muốn khẳng định sự thống nhất của nước họ. Chính vì vậy, khái niệm phương ngữ vẫn khá mơ hồ.
Ngoài lý do chính trị kể trên, sự mơ hồ này còn đến từ sự thay đổi không ngừng xảy ra trong quá trình giao lưu ngôn ngữ và biến động xã hội trong từng nước. Một số yếu tố vốn thuộc phương ngữ, một lúc nào đó, vì một lý do nào đó, có thể được toàn dân hóa và do đó, sẽ không còn là phương ngữ nữa.
Có một điểm cần được lưu ý là thành kiến xem phương ngữ như một cái gì lệch chuẩn, thậm chí, sai lầm, là không đúng. Trong tiếng Anh, trước đây, người ta phân biệt một thứ tiếng Anh chuẩn (standard English, ví dụ tiếng Anh của người Anh) và những thứ tiếng Anh lệch chuẩn, tức các phương ngữ (substandard, ví dụ tiếng Anh ở Mỹ, Úc, Canada, Tân Tây Lan và một số nước khác). Sau này, quan niệm về một thứ trung tâm và chuẩn mực của tiếng Anh càng lúc càng bị lung lay. Dần dần người ta xem ngay chính cái gọi là tiếng Anh chuẩn ấy cũng chỉ là một phương ngữ của tiếng Anh.[2] Nếu ứng dụng quan điểm ấy vào Việt Nam, chúng ta có thể nói: ở Việt Nam, thứ tiếng Việt được nói ở mỗi miền đều là các phương ngữ. Như vậy, tiếng Việt ở miền Bắc cũng là một phương ngữ: phương ngữ miền Bắc. Việc nhìn nhận như thế vừa sát và hợp với thực tế vừa tránh được ảo tưởng là có một số người nào đó đang sử dụng thứ tiếng Việt toàn dân trong khi ở những người khác thì chỉ là các phương ngữ.
Theo cách phân chia thông thường, ở Việt Nam có ba phương ngữ chính: miền Bắc, miền Trung và miền Nam.
Cái gọi là phương ngữ miền Bắc lại được chia thành ba nhóm nhỏ hơn: phương ngữ ở vùng biên giới gần Trung Quốc, phương ngữ ở Hà Nội và một số vùng lân cận (như Hà Bắc, Vĩnh Phú, Hải Hưng, Hải Phòng), và phương ngữ ở hạ lưu sông Hồng và ven biển (Thái Bình, Hà Nam Ninh, Quảng Ninh).
Phương ngữ miền Trung cũng được chia thành bốn nhóm nhỏ: phương ngữ Thanh Hóa, phương ngữ Nghệ Tĩnh, phương ngữ Bình Trị Thiên và phương ngữ Quảng Nam - Quảng Ngãi.
Phương ngữ miền Nam thường được chia thành hai nhóm: một nhóm từ Qui Nhơn vào Sài Gòn, và một nhóm bao gồm các tỉnh thường được gọi là miền Tây hoặc Nam Bộ.
Như vậy, tiếng Việt gồm nhiều phương ngữ. Trong mỗi phương ngữ lại có các nhóm phương ngữ khác nhỏ hơn với những biến thể nhất định. Nhưng chưa hết. Ở một số nhóm phương ngữ nhỏ ấy lại có nhiều biến thể khác nữa thường được gọi là thổ ngữ. Trong cuốn Phương ngữ Bình Trị Thiên, Võ Xuân Trang nhận xét:
"Bình Trị Thiên là một trong những vùng có nhiều thổ ngữ. Sự khác nhau về thổ ngữ ở Bình Trị Thiên không chỉ tìm thấy giữa xã này và xã khác mà có khi tìm thấy giữa làng này và làng khác ngay trong cùng một xã. Hiện tượng một xã có nhiều thổ ngữ không phải là hiện tượng hiếm ở Bình Trị Thiên. Trong dân gian ở đây đã có nhiều câu đúc kết sự khác nhau giữa các thổ ngữ của các làng. Chẳng hạn, ba làng Trung Thuần, Tô Xá, Đồng Dương ở sát nhau thuộc các xã Quảng Lưu, Quảng Phương huyện Quảng Trạch tỉnh Quảng Bình được nhân dân quanh vùng phân biệt tiếng nói của ba làng như sau: "Trung Thuần nói kha khá; Tô Xá nói dễ nghe, Đồng Dương nói trẹt bè loe như cái dĩa."
Xin lưu ý là giữa các phương ngữ hay thổ ngữ, không phải chỉ có những khác biệt về ngữ âm mà còn cả về từ vựng.
Về ngữ âm, sự khác biệt xuất hiện hầu như ở mọi góc độ, từ thanh điệu đến phụ âm đầu, nguyên âm và phụ âm cuối. Thậm chí, khác cả cách lên giọng xuống giọng trong câu nói (intonation).
Về phương diện từ vựng, sự khác biệt cũng rất nhiều. Nhiều đến độ, nói chuyện với nhau, chính người Việt cũng đâm ra ngơ ngác. Ví dụ, trong cuốn Phương ngữ Bình Trị Thiên, Võ Xuân Trang đã dành 55 trang để liệt kê gần 1500 từ địa phương đặc biệt ở vùng Bình Trị Thiên. Qua đó, chúng ta biết, cái sân, ở Bình Trị Thiên gọi là cái cươi; cái nón gọi là cái lịp; ăn nhờ, ăn đậu được gọi là ăn khín; ăn vả, tức ăn thức ăn không chứ không ăn kèm theo cơm được gọi là ăn nể; ăn vụng được gọi là ăn phúng. Trẻ ăn bị nôn mửa, ở Bình Trị Thiên gọi là ẩu, như trong câu: ăn vô ẩu ra hết. Bãm, ở Bình Trị Thiên có nghĩa là nhiều: bãm ăn là phàm ăn, là ăn nhiều một cách thô tục; lúa tốt bãm nghĩa là lúa tốt lắm. Thay cho chữ "chúng tôi", ở Bình Trị Thiên, người ta gọi là bầy choa; và thay cho chữ chúng nó, họ sẽ gọi là bầy quân. Vú được gọi là bụ; vui vẻ được gọi là bui bẻ. Con gái được gọi là con gấy. Con muỗi được gọi là con ho; tiếng muỗi kêu được gọi là tiếng ho kêu. Đàn bà, ở Bình Trị Thiên, người ta nói là: nền bà, nình bà, đình bà hoặc lình bà. Đàn ông, cũng vậy, được gọi là: nền ông, hay nình ông, hay đình ông, hay lình ông. Một người đàn ông goá vợ được gọi là lão lợ. Mẹ vợ hoặc mẹ chồng được gọi là mụ gia. Em được gọi là tam; ngủ được gọi là théc; ngủ ngon được gọi là muồi, do đó, có câu ca: "Ru tam, tam théc cho muồi", nghĩa là: ru em, em ngủ cho ngoan. Đang mưa bỗng tạnh ráo, ở Bình Trị Thiên người ta sẽ nói là: mưa xởng. Xởng tức là tạnh. Ở những nơi khác gọi là hoa; ở Bình Trị Thiên, người ta gọi là ba, như trong câu ca dao:
Tau đi đường ni có bông có ba
Mi đi đường nớ có ma chận đường.
Trong bài "Thổ ngữ của tiếng Huế" đăng trên tạp chí Làng Văn tại Canada vào tháng 6 năm 1999, Phan Thịnh có dẫn ra cả một câu nói dài đặc giọng Huế như sau:
"Thưa cụ mự, bọ tui vô rú rút mây về đươn trẹt, bọ tui chộ con cọt, rứa mà nỏ biết ra răng, con cọt lủi, lủi năng lắm, bọ tui mờng rứa thê! Chừ mạ tui cúng con gà, cụ mự qua chút chò bui".[3]
Và đây là lời tâm tình của một cô gái với bạn mình:
"Tau noái với mi ni rì, en còn ở dôn, rứa mà bữa tê tề, en chộ tau phơi ló ngoài cươi, en kêu tau vô, bồn tau lên chờn. Mi quai chướng khôn?"[4]
Trong cuốn Từ điển đối chiếu từ địa phương xuất bản năm 1999, Nguyễn Như Ý và một số cộng tác viên sưu tập được khoảng 15.000 từ địa phương khác nhau. Đọc cuốn từ điển ấy, tôi gặp khá nhiều từ, thú thực, chưa từng nghe hay thấy ở đâu bao giờ. Nếu không đọc lời giải thích, chắc cũng khá lúng túng. Là người Việt nói tiếng Việt như ngôn ngữ thứ nhất mà còn vậy, huống gì những người học tiếng Việt như một ngôn ngữ thứ hai.
Tất cả những cái khó kể trên đều trở thành gánh nặng đối với những người đi dạy tiếng Việt.
Bởi vậy, không thể nói dạy tiếng Việt như một ngôn ngữ thứ hai là dễ.
Nó không dễ chút nào cả.
[1] Victoria Fromkin, Robert Rodman & Nina Hyams (2011), An Introduction to Language (ấn bản lần thứ 9), Boston: Wadsworth, tr. 431.
[2] Adrian Akmajian, Richard A. Demers, Ann K. Farmer và Robert M. Harnish (2010), Linguistics: An Introduction to Language and Communication, Cambridge: The MIT Press, tr. 274.
[3] Nghĩa là: "Thưa cậu mợ, bố con vào rừng rút mây về đan nia, bố con thấy con cọp, vậy mà chẳng biết sao, con cọp chạy trốn, chạy lẹ lắm; bố con mừng quá. Giờ mẹ con đang cúng con gà, cậu mợ qua chút xíu cho vui."
[4] Nghĩa là: Tao nói với mày như vầy, ảnh còn ở rể, vậy mà hôm kia kìa, tao đang phơi lúa ngoài sân, ảnh kêu tao vào, bồng tao lên giường... Mày coi có kỳ không?"
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.