Tổ chức Bảo vệ Ký giả (CPJ) vừa viết thư kêu gọi Tổng thống Mỹ Barack Obama đặt ưu tiên về vấn đề tự do báo chí trong các cuộc gặp với các giới chức lãnh đạo Việt Nam trong chuyến thăm sẽ diễn ra vào đầu tuần tới.
Trong thư, CPJ kêu gọi ông Obama hãy ‘nhấn mạnh rằng quan hệ ngoại giao và kinh tế gần gũi hơn với Hoa Kỳ phải đi kèm với việc tôn trọng tự do báo chí hơn tại Việt Nam’.
Tổ chức này nói chính quyền độc đảng tại Việt Nam đã cấm ngặt việc tư nhân hóa truyền thông, khiến cho Việt Nam trở thành một trong những quốc gia bị kiểm duyệt nhiều nhất trên thế giới. CPJ cũng đề cập đến nhiều trường hợp các blogger và các nhà báo tự do tại Việt Nam sau khi đăng tải những bài viết thể hiện quan điểm đã bị đàn áp bằng nhiều cách thức, cấp độ khác nhau từ hành hung, bắt giữ đến bỏ tù. Chỉ tính từ đầu tháng 12 năm ngoái đến nay, đã có tới 6 nhà báo bị tuyên án về tội ‘chống phá nhà nước’ và bị bỏ tù vì các bài viết của mình.
CPJ cũng nhắc đến trường hợp của ông Trần Huỳnh Duy Thức, người tuyên bố sẽ bắt đầu tuyệt thực trong nhà tù ở Nghệ An ‘cho đến chết mới thôi’, bắt đầu từ ngày 24/5.
Trong khi đó tại Việt Nam, nhiều người dân cho biết trang mạng Facebook, nơi phổ biến thông tin ‘lề trái’ nhất hiện nay, đã bị chặn trong những thời điểm được xem là ‘nhạy cảm’, đặc biệt là vào cuối tuần qua, khi nhiều người dân tổ chức biểu tình ở các thành phố lớn để yêu cầu nhà chức trách giải thích nguyên nhân gây ra thảm họa cá chết hàng loạt tại các vùng biển miền Trung.
Anh Nguyễn Chí Tuyến từ Hà Nội cho VOA biết: “Đúng là Facebook bị chặn rất dữ dội. Mọi người không thể truy cập vào được. Chuyện chặn ấy là có thật”.
Đáp lại những chỉ trích về tự do báo chí hay thành tích nhân quyền, phía Việt Nam từ trước tới nay luôn khẳng định Việt Nam có tự do báo chí, tự do ngôn luận và tôn trọng nhân quyền, chỉ có ‘những khác biệt’ trong quan điểm mà thôi.
Tuy nhiên, theo nhận xét về tình Nhà thơ Bùi Chí Vinh, tình hình tự do báo chí trong những năm gần đây ‘không hề cải thiện’.
“Không hề cải thiện. Còn chuyện vận động tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do tư tưởng thì người ta vẫn tiếp tục vận động, còn sự cải thiện thì không hề có. Còn Tổng thống Obama có nhận được thông điệp đó và có hỗ trợ được những người đang đòi hỏi quyền này hay không thì cái đó là bản lĩnh chính trị của tổng thống, nhất là ông cũng sắp hết nhiệm kỳ rồi, thành ra đây là cơ hội cuối cùng để ông Obama có một ý chí thép, một quyết định hoàn toàn cứng rắn, hoàn toàn khác hẳn với lộ trình mình đi trong suốt thời gian dài mà ông làm tổng thống. Tức là ông phải có sự dứt khoát đối với cái ác, cái xấu, và ông phải chứng tỏ ông có quyền lực thực sự để ông can thiệp, giúp đỡ không chỉ người dân Mỹ mà cả người dân trên toàn thế giới, trong đó có người dân Việt Nam”.
Trong mấy ngày vừa qua, nhiều người dân cho biết các từ khóa như ‘cá chết’, ‘Formosa’, và đặc biệt là từ ‘bầu cử’ đã bị chặn trên mạng khiến họ không thể tìm kiếm được thông tin.
Báo Tuổi Trẻ ngày hôm qua trích lời Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Việt Nam Trương Minh Tuấn cho biết sẽ ‘kiểm tra ngay’ các nhà mạng chặn từ ‘bầu cử’ và cho biết ‘đến thời điểm này, chúng tôi chưa có thông tin về việc các nhà mạng chặn tin nhắn’.
Tổ chức Bảo vệ Ký giả cho rằng bất cứ hành động nào mà phía Mỹ định làm cho Việt Nam trong chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Obama, bao gồm việc dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, đều là quá sớm vì tình hình nhân quyền của Việt Nam còn tồi tệ.