Khách sạn VIBE ở ngay góc đường Goulburn và Elizabeth. Buổi sáng lúc tôi xuống phòng tiếp tân đẩy cánh cửa kính bước ra đường trời mưa lất phất và lạnh. Cái lạnh làm tôi khựng lại vài giây dưới mái hiên khách sạn. Tôi sực nhớ là mình không mặc đủ áo ấm. Thời tiết vùng này thật khó đoán. Đêm trước tôi ghé mắt nhìn màn ảnh máy vi tính đặt ở trong phòng tiếp tân của khách sạn đọc bản tiên đoán thời tiết ngày hôm sau: trời nhiều mây, nhiệt độ 12 độ C. Tôi làm một con tính nhẩm: 12 độ C tức khoảng trên 50 độ F. Đâu đến nỗi nào, sao mình thấy lạnh thế nhỉ? Như để trả lời tôi một cơn gió từ phía cảng lùa dọc con phố trước mặt khiến đám bộ hành cúi khom người rảo bước qua ngã tư. Thảo nào, trời lạnh vì gió!
Theo hướng cảng tôi đi rảo trên đường Elizabeth tìm quán café. Chiều hôm trước khi vợ chồng tôi tản bộ qua công viên Hyde Park của thành phố tôi đã để ý có một quán cà-phê Starbucks nằm trên đường này về hướng bắc cách khoảng hai ba khung phố.
Quán nằm ngay góc Elizabeth và Park day hai mặt đường Một bảng tròn màu xanh đề chữ STARBUCKS Coffee chìa ra khỏi quán. Qua hai mặt kính rộng từ phía ngoài nhìn vào có thể thấy những người trong quán ngồi đọc báo trên những chiếc ghế bành. Tôi đẩy cửa bước vào tiến về phía quầy gọi một ly cà-phê đen.
“Tall drip”. Tôi nói.
Một cô gái nhỏ bé người Á Đông rót cà-phê vào ly giấy đưa tôi. Tôi trả tiền, cầm ly tiến lại cái bàn thấp vớ một gói nhỏ đường nâu bóc bỏ vào ly, dùng que khoắng máy cái rồi đưa lên miệng nhấp thử, thấy còn đắng, tôi toan lấy thêm gói đường thứ hai, lại thôi. Tập uống ít đường đi thì vừa. Tôi nghĩ. Thiên hạ chết vì tiểu đường không ít. Tôi quay tìm bình sữa half & half (loại pha sẵn nửa kem nửa sữa) nhưng trên bàn chỉ có độc một bình sữa loại whole milk, tôi bảo cô gái Á Đông:
“Cô cho tôi bình sữa half & half”
Cô không nói gì chỉ ra hiệu tôi đưa ly cà-phê cho cô. Cô ta bỏ ít kem vào đó rồi trả lại tôi cái ly, nói:
“Ông chêm thêm ít sữa nữa thì thành half & half. Ở đây không ai uống loại sữa này nên chúng tôi không chế sẵn. Thường thì chỉ những du khách đến từ nước Mỹ mới hỏi sữa half & half thôi. Ông ở bên Mỹ phải không?”
“Đúng thế. Tôi đến từ thành phố Seattle, thủ đô của Starbucks”.
“Vậy hả?” Cô gái ngửng lên xoe mắt nhìn tôi.
Cầm ly cà-phê tôi tiến đến một cái bàn nhỏ ở ngoài cùng sát mặt kính. Tôi nhấp ngụm cà-phê đưa mắt nhìn quanh. Ở bàn bên cạnh một cô gái cúi xuống lấy từ trong xắc tay một cái ví da nhỏ, cô mở ví lấy một thỏi son thoa môi trong lúc cô ta đưa qua đưa lại trước mặt cái ví có gắn gương soi nhỏ. Lát sau một thanh niên đặt hai ly giấy trên bàn cô gái. Vừa ngồi xuống chiếc ghế cạnh tôi anh ta bất thần xoay hẳn người lại giơ bàn tay cho tôi bắt, nói:
“Ồ, thưa ông, đúng là một sự ngạc nhiên, chúng tôi cũng đến từ thành phố Seattle. Ông đến đây từ hồi nào vậy? Ông thấy sao về nước Úc?”
Nhận ra anh chàng Mỹ lúc nẫy đứng sau lưng tôi trước quầy hàng, tôi nói:
“Thế à? Trái đất quả là nhỏ. Tôi đến thành phố này cũng được mấy ngày. Tôi thấy nước Úc rất là ngược đời, ông ạ. Ở bên Seattle mình đang mùa hè nhiệt độ 90 độ F mà sang đây lại giữa mùa đông, lạnh muốn chết. Tôi ở Úc đã hơn tuần lễ mà vẫn chưa quen cái cảnh họ lái xe bên trái. Ngồi bên cạnh tài xế mà cứ giật mình thon thót, nhất là khi xe đến ngã tư họ turn right rồi lại keep lelf...”
Anh chàng chưa kịp trả lời tôi thì cô gái đã bỏ thỏi son vào ví nói chĩa sang:
“Tôi cũng vậy. Nếu tôi có xe tôi cũng không dám lái... Người ta nói ở xứ này trong một ngày mà có có đủ bốn mùa. Ra đường không biết làm sao mà mặc áo quần cho hợp”.
Chúng tôi trao đổi thêm mấy câu xã giao rồi anh chàng quay qua nói chuyện với vợ (hay bồ, tôi không biết) sau khi chúc tôi một chuyến đi vui. Tôi nhìn qua kính. Bên ngoài dưới làn mưa mỏng vỉa hè đã đông người. Giờ đi làm. Những người đàn ông trong bộ nỉ đen, cổ cà vạt, đầu mũ phớt; đàn bà váy xậm màu, áo lông xù, giầy cao gót, tay dương cao chiếc ô, tất cả rảo bước trên hè, đứng dồn cục ở ngã tư, rồi lại tất tả băng qua đường khi đèn báo hiệu cho phép. Sinh hoạt tấp nập của thành phố – phía bên kia mặt kính – lướt qua trước mắt tôi lặng lẽ như những hình nhân câm nín lầm lũi trong mưa.
Bên kia đường là công viên Hyde Park nằm ngay khu trung tâm thành phố. Màu xanh mát của công viên, màu của rừng cây khuynh diệp tôi thấy rất nhiều ở nước Úc, tương phản với màu xám của dẫy cao ốc phía bên này đường. Ngay sau cổng công viên có ba cây thật lớn hình dáng lại giống cây đa Việt Nam: lá màu xanh đậm và rậm rạp khác hẳn với cây khuynh diệp lá thưa và nhạt màu. Bỗng tôi chú ý nhìn kỹ. Xung quanh thân cây có những giây rễ nhỏ từ trên cao rủ xuống lưng chừng, nom giống những cây si già mà tôi đã từng thấy ở Hà Nội. Tôi liên tưởng ngay tới chuyến về Việt Nam mấy năm trước. Từ đầu phố Cầu Gỗ tôi đi dọc vỉa hè đường Lê Thái Tổ về phía Tràng Tiền. Bên kia đường Hồ Gươm lấp lánh ánh nắng sau những rặng cây. Bất chợt tôi lặng người dừng chân nhìn qua một cái hàng rào sắt: truớc mặt tôi một cây si thật lớn, lớn chưa từng thấy, lá phủ che rợp cả một tòa biệt thự hai từng ở bên cạnh. Tôi ngây người xúc động đứng nhìn cây si ấy lâu lắm. Hình ảnh cây si đánh thức tôi cả một thời ấu thơ của mình. Cây si cũng như cây bàng, cây sấu... là hình ảnh Hà Nội của một thời xưa, chúng ướp vào tuổi thơ tôi và dính chặt mãi trong ký ức tựa như những cánh hoa khô mà thuở nhỏ tôi đã ép giữa những trang sách. Vào Nam tôi tưởng là mình không bao giờ còn được nhìn thấy những cây ấy nữa; nào ngờ một hôm tình cờ đi bộ trên vỉa hè đường Lê Thánh Tôn Sài Gòn, tôi lặng người nhìn một cây si rất lớn nằm trong vườn hoa đối diện với Dinh Gia Long. Tôi nhớ là lòng tôi lúc ấy cũng nao nao cảm động như thế.
Bên ngoài trời bỗng nổi cơn mưa rào. Trời đất tối sầm lại. Lề đường bỗng vắng tanh không bóng một bộ hành qua lại. Những chiếc xe hơi đèn bật sáng nối đuôi nhau chạy trong làn mưa xối xả. Sau tấm kính dưới tấm bảng hiệu Starbucks một cô gái Úc đứng trú mưa dưới mái hiên. Cô ta đứng co người lại vì lạnh, hai tay thu trước ngực, thỉnh thoảng cô lại giơ một tay lên vuốt vuốt mái tóc ướt nhẹp. Em không phải đợi lâu đâu... Tôi nói thầm với cô ta. Thời tiết ở đây bất thường lắm, mưa to thế này nhưng tạnh ngay ấy mà... Tôi nhìn cô gái từ phía sau. Người cao và mảnh dẻ. Đàn bà Úc giống như đàn bà Âu Châu, trông thon thả chứ không đẫy đà như đa số đàn bà bên Mỹ. Rồi tôi thấy cô gái Úc trông có nét gì hao hao giống một người tôi đã từng gặp trong quá khứ...
Christina! Tôi thốt lên. Cô gái Úc tôi đã gặp ở Hà Nội trên một chuyến xe buýt đi du ngoạn ở Ninh Bình và Phát Diệm, chuyến gặp gỡ lý thú tôi đã viết trong hồi ký lấy tên Cây Bàng Lá Đỏ. Tôi tính nhẩm. Thế mà đã gần mười năm rồi đấy... Sau lần gặp đó lúc trở về Mỹ tôi tìm mảnh giấy có ghi địa chỉ e-mail của cô ta thì mảnh giấy đã rớt đâu mất. Tôi ân hận mãi vì không có dịp gửi cho cô ta bài viết của tôi mà sau này tôi đã nhờ người dịch ra Anh Ngữ (Red Leaf Talisay Tree). Tôi nhớ trong lần gặp ấy trước khi chia tay tôi có nói với Christina là cũng như cô, vợ chồng tôi rất thích đi du lịch thế giới và đề nghị khi nào cô có dịp ghé nơi chúng tôi ở thì tôi sẽ làm hướng dẫn viên đưa cô đi thăm thành phố Seattle và cô cũng sẽ làm như thế khi chúng tôi có dịp đến thăm Sydney, thành phố yêu dấu của cô.
Xoay tròn ly giấy trên tay cúi nhìn ly cà-phê đã bắt đầu nguội trí tôi miên man suy nghĩ về những chuyện trong quá khứ. Khi tôi ngửng lên nhìn ra ngoài thì cơn mưa đã dứt, đợt nắng đầu ngày phủ vàng dẫy cây khuynh diệp trong công viên. Khách bộ hành lại tấp nập rảo bước trên hè. Dưới mái hiên cô gái Úc trú mưa không còn ở đó nữa.
Tôi chợt ý thức mình đang ngồi trong quán cà-phê Starbucks, nơi góc đường Park và Elizabeth và mơ màng nhìn sang công viên Hyde Park của thành phố Sydney.[NTT]
Liên quan
Đường dẫn liên quan
Đọc nhiều nhất
1
Pháp thúc giục EU cứng rắn hơn với các bình luận chính trị của Musk
2Cơ quan Y tế nói virus gây viêm phổi ở Trung Quốc đã có ở Việt Nam, kêu gọi người dân không hoang mang
3Hai cựu quan chức Quốc hội Việt Nam đối diện mức án tù nhiều năm
4Sao Hollywood nằm trong số hàng chục ngàn người sơ tán cháy rừng ở Los Angeles
VOA có ứng dụng mới
Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.
Tải ứng dụng VOA trên App Store và Google Play!