Văn phòng Tổng Công tố của Nga đang thẩm xét lại tính hợp pháp của việc Hội đồng Nhà nước Liên bang Soviet cũ trao nền độc lập cho ba nước Lithuania, Latvia và Estonia vào năm 1991.
Quyết định được loan báo hôm thứ Ba đã khiến ba nước vùng Biển Baltic bất an và gây căng thẳng hơn nữa cho mối quan hệ vốn đang ngày càng căng thẳng với Moscow, kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào tháng 3 năm 2014 và ủng hộ phiến quân thân Nga ở miền đông Ukraine. Kể từ sự kiện ở Ukraine, cả ba nước đã gia tăng chi tiêu quân sự của mình.
Hai nhà lập pháp thuộc đảng Nước Nga Thống nhất chiếm đa số, từng do Tổng thống Vladimir Putin lãnh đạo, lập luận trong kiến nghị của họ gửi tới các công tố viên rằng việc trao nền độc lập cho Lithuania, Latvia và Estonia là bất hợp pháp.
Nhưng Tổng thống Lithuania Dalia Grybauskaite nói "nền độc lập của chúng tôi giành được bằng máu và sự hy sinh của người dân Lithuania. Không ai có quyền đe dọa. Chỉ có chúng tôi mới quyết định số phận của mình."
"Đề xuất kiểu này của những đại biểu Duma Quốc gia là hoàn toàn không thể chấp nhận được và phi lý," hãng thông tấn LETA của Latvia dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nước này nói.
"Toàn bộ vấn đề là phi lý về mặt luật pháp," Bộ trưởng Ngoại giao Estonia Keit Pentus-Rosimannus nói với hãng tin Reuters khi trả lời câu hỏi mà hãng tin này gửi qua email. "Đây là một ví dụ nữa của tư tưởng đế quốc đang trỗi dậy mà không may đang tồn tại ở Nga."
Điện Kremlin ngày thứ Tư phủ nhận không biết về việc thẩm xét này. Trả lời phóng viên ở Vienna, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói ông không biết gì về kiến nghị của các nhà lập pháp, và nói thêm rằng Nga có quan hệ ngoại giao và những hiệp ước quốc tế với các nước vùng Baltic.
Latvia, Lithuania và Estonia có sắc dân thiểu số nói tiếng Nga và đã hoang mang vì tuyên bố của Tổng thống Putin năm ngoái, nói rằng Moscow có quyền can thiệp quân sự nếu cần thiết để bảo vệ người nói tiếng Nga ở nước ngoài.