Đường dẫn truy cập

Con Đã Biết 'Tâm Tình' Của Cha


Nhích đến gần tuổi “thất thập cổ lai hy”, nghĩ đến mẹ, nhớ đến cha, có lẽ ai cũng phải khắc khoải, ngậm ngùi trong cảm nhận thấm thía về chuyện đời “nước mắt chảy xuống”. Cha tôi mất đã được bảy năm, tôi chỉ tình cờ có được tập thơ “Tâm Tình” của cha cách đây chừng một năm, trong một dịp đi San Jose thăm mẹ và thắp hương trước bàn thờ của cha. Lướt qua từng trang một, tôi càng lúc càng thấy bàng hoàng. Và khi trở lại trang đầu tiên, đọc hai câu dẫn nhập nhẹ nhàng, đằm thắm của cha “Sắp chữ để nói tâm tình, Tai nghe êm ái - ấy mình làm thơ…” tôi thêm rung động trong cảm tưởng hình như mình đang khám phá ra cha dưới một nhân dạng khác mình chưa hề biết, hay không biết mấy. Như thế mà bao lâu nay tôi vẫn yên trí, chủ quan, nghĩ rằng trong số mười đứa con của cha, có lẽ tôi là người hiểu cha nhiều nhất, bởi vì lòng tự hào vô kể về cha mình, và vì cứ nghĩ rằng mình đã thể hiện được hết, lấy được hết những gì của cha – chưa nói đến chuyện mình vẫn được xem là có nét mặt giống cha nhất trong tất cả các anh chị em. Hóa ra cái nhân bản nhất ở cha mà nay tôi mới khám phá nhờ tập thơ này, tôi chưa với tới được, có lẽ vì chưa nghĩ tới đúng mức.

Tôi vẫn nghĩ mình thuộc nằm lòng cuộc đời có lúc trôi nổi, có lúc thử thách, được dệt bằng những kinh nghiệm phong phú của cha dưới bao nhiêu chế độ, bao nhiêu hoàn cảnh phải đấu tranh để tồn tại, dọc theo chiều dài lịch sử đầy phong ba, bão táp của đất nước. Ở nơi cha, một sự lựa chọn nổi bật là tư cách và nhân phẩm là những giá trị con người không thể thỏa hiệp được. Chính bởi vì nguyên tắc này, cha đã từng là “thầy phán” làm việc ở Tòa Khâm Sứ với tây rồi cũng bỏ, làm cán bộ thuế vụ cho Việt Minh rồi cũng đi, làm giám đốc Nha Thuế Vụ cao nguyên nam phần đóng ở Dalat rồi cũng thôi, làm việc một thời ở Quốc gia Nông tín cuộc rồi cũng về hưu sớm… Để bảo vệ sự “độc lập tự do” của mình, cha chẳng có một ngày nào ngồi không, không miệt mài, bận rộn trong công việc, vừa việc công sở ngày tám tiếng, vừa việc lãnh thêm về nhà làm như dịch phụ đề Việt ngữ cho các phim hay làm kế toán cho các công ty… Cha cũng dành nhiều thì giờ cho việc dọn nhà (thay đổi vị trí đồ đạc trong nhà như một “thú vui”) hay sửa nhà… Nhưng đáng nhớ hơn nữa là thì giờ ông dành cho con cái thuộc mọi lứa tuổi (dạy học cho mấy đứa lớn, đưa đón mấy đứa nhỏ đi học, đi chơi…). Tôi chẳng hiểu làm sao tôi có thể biết được tiếng Pháp nếu cha không có thói quen kết luận những điều ông muốn dạy dỗ, nhắc nhở chúng tôi bằng những câu ngạn ngữ tiếng Pháp (science sans conscience n’est que ruine de l’âme, chaque chose a sa place, l’homme qui veut voyager loin ménage sa monture, la fin justifie le moyen…). Và làm sao tôi có thể quên được những kỷ niệm riêng giữa cha với tôi, bao giờ cũng lớp lang trong những ngăn tủ của ký ức: chuyến đi Dalat theo cha nhận nhiệm sở năm 1955, bữa tiệc trên sân thượng lầu 9 của Hội Việt Mỹ nằm ở đường Mạc Đĩnh Chi cho những người thi đậu bằng proficiency năm 1963, lần cha đưa tôi lên Dalat năm 1964 khi tôi quyết định theo học Trường Chính trị Kinh doanh; lần cha lên quân trưòng Thủ Đức thăm tôi vào năm 1972; lần cha thăm tôi tại trại tập trung Xuân Lộc năm 1976 để khuyên tôi “học tập tốt, lao động tốt” để được sớm về…

Cho dù thực sự tôi chỉ sống với cha mẹ cho đến khi lập gia đình khi mới 23, tôi vẫn có may mắn được lui tới với cha mẹ thưòng xuyên, chỉ gián đoạn một vài khúc ngắn, và những kỷ niệm biến chuyển, đổi đời vừa đẹp đẽ vừa kịch tính trong đời sống với cha với mẹ từ khi cha tôi rời hàng ngũ kháng chiến, từ vùng rừng núi bưng biền trở về với gia đình năm 1952 vẫn đầy ắp trong ký ức bộn bề của tôi. Và tôi vẫn nghĩ chẳng có gì trong di sản văn hóa và tinh thần của cha mà tôi đã không hưởng thụ, từ sự tự lệ thuộc cuộc sống mọi mặt của cha vào mẹ tôi và niềm hạnh phúc có khi hoang tưởng của cha đối với từng đứa con một đến ý chí học tập phấn đấu không ngừng của cha, đến mức khi hơn 50 tuổi, ông vẫn còn để thì giờ cắp cặp đến Hội Quản trị Xí nghiệp trên đường Nguyễn Huệ để theo học những lớp về kế toán, hạch toán kinh doanh kiểu Mỹ. Một ý chí có thể hun đúc từ lòng đam mê mở rộng kiến thức, nâng cao trình độ, cho nên ham mê tin tức, sách báo và thời sự, và ngày đêm chỉ có một ám ảnh bất tận về những điều mình suy nghĩ miên man không ngừng, những gì mình muốn viết về sự nghiệp “dang dở’ của mình.

Thế nhưng tập thơ “Tâm Tình” anh tôi đã in ra cho cha từ năm 1997, mà tôi đến hơn mười năm sau mới biết đầy đủ, đã cho thấy những thiếu sót, lầm lạc của tâm trí của mình, của thì giờ của mình đối với cha, nặng nề đến như là nghiệp chướng. Nhờ tập thơ này, tôi mới hiểu sâu sắc hơn cha tôi, cuộc sống và ý nghĩ của cha trong tuổi xế chiều, với những thử thách riêng của tuổi già: những năm bất an dưới thời Cộng Sản mới vào; những năm chờ đợi đến được với cuộc sống mới; những năm tháng ngày càng trống vắng trên đất khách, quê người, nhớ quê cha đất tổ, nhớ bạn nhớ bè, thương yêu và ngọt ngào với vợ, với con; nhìn thế sự thăng trầm khắp nơi trên trái đất tưởng như xem dược “bức tranh vân cẩu vẽ màu tang thương”, và mong chờ sự giải thoát tâm hồn nơi tôn giáo… Tập thơ cho thấy cha đã âm thầm chuyển qua cuộc sống nội tâm, tìm đến với Phật, với tăng, với kinh kệ trong tuổi già, khi đã gần 70, tưởng rằng có thể muộn, hóa ra chẳng bao giờ muộn cả. Vào tuổi đó, cha vẫn đủ sức đạp xe lên chùa Già Lam trong Gia Định của thầy Trí Thủ, hay Thanh Minh Thiển Viện của Thượng tọa Thích Minh Châu ở Phú Nhuận, vừa đọc sách Phật giáo, vừa tập Thiền.

Trong cuộc sống của ông, dường như không học, không đọc, ông chịu không nổi. Và một người hiếu học, ham đọc, và phần nào dấn thân vào cuộc sống tất nhiên là người thích viết. Lúc tôi còn học đệ ngũ năm 1960, anh chị em chúng tôi đã thấy được tập tài liệu nghiên cứu mà cha là tác giả, “Canh cải Thuế khóa” (mẹ tôi vẫn nói đùa hồi đó, mà nay 92 tuổi bà vẫn còn nhớ: thuế khóa mà sao nấu thành canh cải được). Rỗi rãnh trong tuổi già, cha cũng có viết lên một vài suy nghĩ về tôn giáo, về thiền, về cách sống tuổi già. Tôi vẫn còn giữ một tập hồi ký ngắn cha kể lại mối “lương duyên” của cha với mẹ, khi cha 23 và mẹ mới 15 - gặp nhau tại nhà ga xe lửa ở Huế. Chị cả của tôi ra đời khi mẹ mới 16! Ông viết về quá khứ với sự thích thú, nâng niu, nồng nàn, ít khi thấy ở ngưòi già. Ông rất muốn viết một tác phẩm lớn, một đại hồi ký. Ông không hoàn thành được, đúng là mưu sự tại nhơn, thành sự tại thiên! Tôi cũng biết cha thỉnh thoảng có làm thơ, nhưng chẳng tưởng nhiều đến thế, chất chứa đến thế để trở thành một tập thơ. Rõ rệt, càng chìm trong nội tâm của tuổi già với dư giả thời gian suy gẫm cả chiều dài cuộc đời chứng kiển cảnh “thế gian biến đổi vũng nên đồi”, ông càng có nhiều điều chất chứa, tích lũy trong lòng muốn chia sẻ, và tìm thấy ở thơ như một phương tiện thông đạt hay bày tỏ đơn giản, ngắn gọn, dễ dàng mà trước đây ông không mấy quan tâm.

Chẳng phải là người nghiên cứu thơ, cũng chẳng phải là người làm thơ, nhưng qua những gì đã học được từ thời trung học, tôi vẫn nghĩ thơ là một thể loại ngôn ngữ có âm điệu để chuyên chở, diễn đạt những gì chìm lắng, cô đọng, phong phú nhất trong ý nghĩ của con người.


Thơ phức tạp … với người làm thơ, chẳng phải là chuyện cho một người không làm thơ bàn đến, nhưng không khó với người chịu học, chịu đọc, và thơ còn dễ nhớ, dễ được nhắc đến trong nói trong viết. Có lẽ đó chính là một trong số ít những lý do cha đến với thơ, trong những lý do đó cũng chẳng thể không kể cha là rể của ông ngoại tôi, bác sĩ Phan Văn Hy, là nhà thơ Kỉnh Chỉ nổi tiếng một thời ít nhất là ở Huế và Quảng Trị. (Ông từng là giám đốc bệnh viện Quảng Trị, bộ trưởng Bộ Cựu chiến binh cho chính phủ Nguyển Văn Tâm và một trong 17 thành viên của Thượng Hội Đồng Quốc Gia, vào năm 1964 bị Nguyễn Khánh hốt hết đem nhốt trên Pleiku). Cha không mấy bận tâm với sự phức tạp của thơ. Đó là chuyện của những người “chuyên nghiệp”. Đối với cha, thơ là một phương tiện chuyên chở tiện lợi, nhanh chóng, dễ dàng, tự nhiên, không phải loanh quanh. Ông có quan niệm về thơ rất giản dị, “thơ đến với mỗi người trong chúng ta từ khi chúng ta còn nằm trong nôi, bởi vì lời mẹ ru con chính là những bài thơ đầu tiên đến với mỗi đời người…. những lời ru nhờ âm thanh trầm bỗng đã dỗ giấc ngủ cho tôi, chấp nhận chúng như những bài thơ khai tâm”.

Ông không muốn là thi sĩ, nhưng cần có cách nói lên những gì chất chứa trong lòng mà ông muốn nói ra, muốn mọi người chia sẻ. Trong lời mở đầu “trần tình”, ông viết: “Làm những bài thơ để trang trải tâm tình, tưởng nhớ đất đai quê hương và tổ tiên thì tuyệt nhiên không phải là chuyện không ai làm nổi, khi người ấy có được sự chân thành, trước hết với chính mình. Tôi tự coi mình nằm trong số những ngưòi làm thơ sau (vì mục đích như thế), chọn in ra một ít bài gần gũi nhất với cuộc sống trước tiên là gia đình, kế đó là xã hội, với mục đích duy nhất là lưu lại cho con cháu, ít ra là như một kỷ niệm. Sau này, nếu như trong cuộc sống tất bật, trong số con cháu xa gần ấy có ai tìm ra được một vài phút rảnh rỗi, bỗng tò mò muốn biết ngày xưa ông cha mình sống và nghĩ như thế nào, tập thơ nhỏ này biết đâu sẽ may mắn có phần đóng góp của nó?” Và tôi không thể có lời nào nói thay cho cha, khi ông đã kết luận: “Với tâm tình, sự chia sẻ nào cũng là điều đẹp đẽ, nhất là sự chia sẻ giữa những thế hê khác nhau. Bởi thế tập thơ nhỏ này, trước tiên, là một tập thơ gia đình”.

Tập thơ bắt đầu bằng bài có tựa “Thơ ba, thơ bạn, thơ mình”, nói lên không những ý hướng đơn giản của ông khi đến với thơ, mà còn những nguồn cảm hứng và quan hệ thông đạt mà ông mong ước. “Thơ ba” là thơ của nhạc phụ. Thơ là cách bày tỏ sự quí hóa những người mình quí hóa trong cuộc sống. Ông viết:

Thơ ba, thơ bạn, thơ mình
Thơ nào cũng tỏ cái tình tương thân
Dù cho thế hệ xa gần
Có thơ mới rõ trăm lần thương nhau

Trong bài tâm tình nhắn gởi cho con, viết năm ông 70, bảy năm sau khi Cộng Sản cầm quyền, con cái trong nước xất bất xang bang, con cái ở bên ngoài thì khắp nơi mỗi đứa một ngã hai ba đứa ở Pháp, ở Ý, đứa ở Mỹ, đứa ở đảo, đứa ở Đan Mạch… ông than thở:

Tâm tình trao đổi đề khuây khoa
Chia sẻ cho con lúc tuổi già
Xa cách lâu ngày thêm chán nản
Còn bao tuổỉ nữa mãi bôn ba
Thời cuộc ngày càng thêm phức tạp
Đt nước tương lai chẳng đoán ra
Khi say khi tỉnh tâm bất tịnh
Vui buồn tiếp diễn, khổ lòng cha

Những lời lẽ ngọt ngào, phần nào mang tính hài hước cố hữu nơi cha, ông dành cho mẹ, như bài nhân dịp mẹ được bảy mươi vào năm 1990:

Sinh nhật ngày này đúng bảy mươi
Nhìn em vẫn đẹp một nụ cười
Canh Thân Nhâm Tý luôn hòa hợp
Hạnh phúc gia đình mãi tốt tươi
Em đã góp nhiều cho thành quả
Anh lo gìn giữ để tô bồi
Thấp thập cổ lai là hiếm có
Thượng thọ rốt rồi sẽ đến nơi

Trong tập thơ có một số bài tỏ cái tình với quê hương nơi mình đã sinh ra và lớn lên, tình cảm quyến luyến với bạn bè, nhưng đặc biệt có “Nhớ cố hương” cho thấy cái nặng tình đó:

Đất khách ngồi mơ cành cố hương
Quên quên, nhớ nhớ, đề rồi thương
Sông còn uốn khúc nơi Chợ Sãi
Ruộng vẫn mất mùa ở Tài Lương
Vùn vụt gió Nam lay xóm trúc
Chập chùng sóng động gợn Hiến Lương
Nhớ ai vác cuốc ra đồng áng
Khiến ta thao thức suốt canh trường

Và ở một bài khác, ông nhắc cho con cháu hiểu cái khó trong lòng ở chuyện đi hay ở:

Con ơi có rõ tình lưu luyến
Quả hái xong rồi nhớ đến cây

Từ năm 70 ông chuyển nhiều qua cuộc sống đạo tu tập, viết kinh, đọc kinh, đi chùa, ngồi thiển, theo mẹ đi xây dựng cả một tủ sách nghiên cứu Phật giáo mà ông rất tự hào, nhưng vẫn không thích ăn chay. Ông nhìn cuộc sống này cũng đơn giản:

Không ham không muốn chẳng cao cường
Tránh dữ theo lành giữ kỷ cương
Không thù không oán đều thân thiện
Gần gũi người lành tránh bất lương
Phạm lỗi, hối ngay rồi từ bỏ
Thấy người thọ khổ động lòng thương
Ai ơi tu Phật thì nên nhớ
Thức tỉnh nguyện cầu đến tây phương

Tập thơ 62 trang, chất chứa đầy những tâm sự, tình cảm của một người già, sống một cuộc đời đầy đủ và hạnh phúc giữa vợ và các con dâu rễ ở nơi đất khách quê người, nhưng vẫn không quên những ngày xưa, không quên quê cha đất tổ, không quên bà con hay đồng bào còn cơ cực, không quên bạn bè người còn kẻ mất đang trôi giạt trong những hoàn cảnh khác nhau, và cũng không thiếu những nhận xét vế sự biến đổi vô thường của tình thế khắp nơi, để cảm nhận sự phù du hư ảo của cuộc đời, được đó mất đó, có đó, không đó, và từ đó đi vào hướng đến với đời sống tôn giáo, như một hành trình cuối đời, mà trong cuộc hành trình này, cha vẫn thấy cần có mẹ bên cạnh.

Tôi tin ở sự luân hồi, ở đời sau, ở kiếp khác, ở thế giới bên kia. Bởi thế tôi viết lên những lời này. Không phải để giới thiệu với mọi người tập thơ “Tâm Tình” của ông Hoàng Ngọc Viên, pháp danh Nguyên Ngộ, mà chỉ đề nói với cha: “Ba ơi, con đã đọc ‘Tâm Tình’ của ba. Những gì ba đã viết, đã dệt lên thành những bài thơ, làm con rất đổi tự hào. Và một phần nào đó hiểu được tại sao cho đến giờ con vẫn còn ngồi hàng ngày gõ trên keyboard của máy vi tính”. Tôi ước gì có thể viết những lời này sớm hơn, mươi, mười lăm năm trước. Hay ít nhất bảy tám năm. Chắc ba đã có thể vui hơn. Đã có thể nói chuyện với tôi nhiều hơn. Đã có thể làm nhiều thơ hơn để nhìn sâu hơn vào những tâm sự của mình. Đã có thể không ngại làm vướng bận con cái vì những chuyện của mình. Biết đâu cha còn sống đến cả trăm tuổi. Và tôi đã có thể không bị ân hận, dằn vặt mãi mãi như thế này. Đã có thể trở thành người hạnh phúc nhất thế gian này. Nhưng muộn còn hơn không. Và nghĩ đến cha, tôi cũng nghĩ đến những người khác ở tuổi già, cũng cô đơn, cũng nhung nhớ, cũng rụt rè, cũng thấy gần gũi những người thương yêu hơn bao giờ hết, nhưng cũng xa hơn bao giờ hết. Cũng đánh mất hoàn toàn quá khứ trong sự tuyệt vọng. Cũng thấy hiện tại trong hư ảo. Cũng nhìn tương lai đang rút ngắn trước mắt. Nhưng họ không chia sẻ được, bày tỏ được tâm tình của mình. Và tuổi già vì thế càng thêm trống vắng trong cuộc sống tạm bợ.[HNN]
XS
SM
MD
LG