Thời gian qua, việc Ủy ban Nhân dân Quận 1 thuộc Thành phố Hồ Chí Minh công bố lên kế hoạch dùng khoảng 1.000 tỉ đồng để lát đá hoa cương (granite) vỉa hè ở 134 tuyến đường khu vực trung tâm thành phố đang tạo nhiều tranh luận trái chiều. Có ý kiến quan ngại đây là hoạt động hình thức, hoang phí, gây hao tốn ngân sách, trong khi nhiều ý kiến khác lại cho rằng đáng đầu tư.
Bản thân tôi cũng từng đi qua nhiều tuyến đường trung tâm tại Sài Gòn. Quả thật đúng như báo chí cũng như chính quyền Sài Gòn thời gian qua nhận xét, nhiều tuyến đường trung tâm Sài Gòn chưa được trùng tu và đã xuống cấp trầm trọng. Chưa tận tay sờ vào các nền gạch hiện nay, nhưng các chùm ảnh trên báo chí phần nào phản ánh sự xuống cấp và thiếu phù hợp với một trung tâm kinh tế - tài chính lớn của đất nước.
Chưa kể Sài Gòn còn là một nơi thu hút đông đảo khách du lịch, không chỉ vì nơi này có nhiều bảo tàng, khu du lịch sinh thái lẫn nhân tạo, các trung tâm mua sắm, các trường học trọng điểm của cả nước... mà Sài Gòn còn là vùng đệm quan trọng để du khách đến Đà Lạt, Đồng bằng Sông Cửu Long hay các khu, các vùng du lịch khác của miền Nam Việt Nam.
Các tuyến đường trung tâm của Sài Gòn còn là nơi tiến hành rất nhiều sự kiện lớn, lễ hội truyền thống của quốc gia. Đường hoa Nguyễn Huệ, đường Sách, các hội thảo quốc tế, hội nghị xúc tiến thương mại, các chương trình thể thao khu vực,... cũng thường chọn Sài Gòn là cái tên thân thuộc, ưa thích.
Về mặt kinh tế, tuy các khu công nghiệp có xu hướng dịch chuyển ra các vùng ngoại biên Sài Gòn, sang Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh... nhưng Sài Gòn vẫn là nơi thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài số một của Việt Nam. Nơi này có đông đảo doanh nghiệp nước ngoài, các nhà đầu tư quá khứ, hiện tại lẫn các nhà đầu tư tiềm năng. Dù chọn tỉnh nào thuộc khu vực miền Nam, thì Sài Gòn vẫn là nơi họ khảo sát vì đây là một trong những đầu ra cho sản phẩm, đầu vào vận chuyển nguyên liệu ngoại nhập quan trọng.
Nói như vậy để chúng ta thấy rằng, việc đầu tư cho hình ảnh một Sài Gòn sạch đẹp, văn minh, thậm chí là giầu có thì không hề quá đáng. Việc lát đá hoa cương, về mặt cân đối ngân sách thu chi của Thành phố, cũng không phải là không chấp nhận được. Hàng năm Sài Gòn đóng góp cho ngân sách Nhà nước đến hàng trăm ngàn tỷ đồng, vậy nên 1.000 tỷ đồng không được xem là xa xỉ nếu nó mang lại một hiệu ứng tốt cho các nhà đầu tư, du khách, doanh nghiệp nước ngoài, lẫn cái nhìn thiện cảm hơn của bạn bè quốc tế.
Vấn đề thứ hai quan trọng không kém chính là việc xây dựng, trùng tu hay lát đá hoa cương cho các tuyến đường chính tại trung tâm thành phố cũng là một động lực để chính quyền Sài Gòn có thể quyết liệt hơn trong công tác quy hoạch đô thị. Tôi nhấn mạnh lại rằng, nạn chiếm lòng lề đường, xả rác bừa bãi, hay như buôn bán hàng rong vô tội vô vạ vẫn còn là vấn nạn đang chờ dàn lãnh đạo của Thành phố giải quyết trong nhiệm kỳ mới này. Một chừng mực nào đó, việc lát đá hoa cương có thể giải quyết phần nào.
Một số bạn của tôi kể rằng, các tuyến đường đi bộ Nguyễn Huệ từ ngày được quy hoạch khang trang, chỉnh chu và sạch sẽ, thì khu vực này cũng trở nên văn minh hơn, hành vi con người được điều chỉnh rõ rệt: không còn tiểu tiện ngoài đường, vứt rác bừa bãi... Những tuyến đường mới với đá hoa cương sẽ ít nhiều tác động đến tâm lý của người dân, dù chỉ là võ đoán của bản thân, nhưng tôi tin rằng người dân sẽ nhìn lại mình trước khi hành động khi dưới chân họ là những đoạn đường sang trọng hơn, sạch đẹp hơn, đáng tự hào hơn.
Về phần mình, chính quyền đô thị phải ra sức quản lý với những quy định mới về quản lý đô thị được siết chặt. Một tuyến đường mới sạch đẹp, khang trang sẽ cho phép họ đề ra những quy định chặt chẽ, mạnh tay hơn về bảo vệ môi trường, nếp sống văn minh đô thị trong đó có sự đồng thuận chính trị mạnh mẽ hơn từ phía người dân. Điều này làm tôi nghĩ đến Singapore, nơi các tuyến đường được trang trí rất đẹp và được bảo vệ bởi những luật định khắc nghiệt, dần dần tạo thành một thói quen, một nếp sống có văn hóa mà không cần đến sự điều chỉnh của luật hay nhắc nhở của nhà cầm quyền.
Tuy nhiên, dù là ủng hộ biện pháp cải tạo vỉa hè, nhưng có một vài vấn đề cần phải lưu ý. Một là, công tác đánh giá tác động, triển khai dự án phải hết sức chặt chẽ, minh bạch và đảm bảo không có bất kỳ sự quan liêu nào về vấn đề trách nhiệm lẫn tài chính. Điều này ở bất kỳ nước nào cũng cần, và Việt Nam phải nhắc mạnh mẽ hơn vì vấn đề quản lý, phân tích đánh giá, thẩm định, chọn nhà thầu... còn khá hạn chế. Những dự án thất bại của Việt Nam trong nhiều năm qua là những minh chứng và bài học thấm thía.
Thứ hai, đúng như các chuyên gia đánh giá trên báo chí Việt Nam, không nên lót toàn bộ các vỉa hè bằng đá hoa cương (granite), chỉ nên sử dụng loại đá này cho một số tuyến đường tập trung tại các trung tâm mua sắm lớn, tuyến đường có đông người đi bộ và một số tuyến có nhiều khách du lịch lui tới. Ngòa ra cần chú ý rằng, để làm đẹp vỉa hè, không chỉ tập trung vào sự hào nhoáng của vật liệu lót mặt đường mà còn phải quan tâm đến nhiều thứ khác như việc quy hoạch, kiến trúc cũ và mới, vấn đề cây xanh, vệ sinh sạch đẹp, không gian vỉa hè không bị xâm phạm.
* Blog của Cao Huy Huân là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.