Đường dẫn truy cập

Có dấu hiệu hòa giải ở tiểu bang Rakhine của Myanmar


Người Rohingya people sống trong các trại tản cư tồi tàn ở Sittwe, Rakhine, ngày 4/8/2015.
Người Rohingya people sống trong các trại tản cư tồi tàn ở Sittwe, Rakhine, ngày 4/8/2015.

Những vụ bạo động giữa người theo đạo Phật và người theo đạo Hồi ở tiểu bang Rakhine của Myanmar năm 2012 đã khiến hàng vạn người, phần lớn là người Rohingya theo đạo Hồi, chạy tới các trại tản cư hoặc dùng thuyền bỏ trốn ra nước ngoài. Bạo động đã giảm bớt sau đó, nhưng vẫn còn hàng vạn người tiếp tục sinh sống tại các khu lều trại lụp xụp. Theo tường thuật của thông tín viên Ron Corben của đài VOA tại Bangkok, những dấu hiệu hòa giải mới đây đã xuất hiện ở Rakhine.

Từ năm 2012 tới nay, tiểu bang Rakhine đã đồng nghĩa với bạo động và thảm cảnh nhân đạo. Bạo động giữa các cộng đồng Hồi giáo và Phật giáo đã làm cho khoảng 140.000 người rời bỏ nhà cửa để đến tạm trú tại các khu vực do chính phủ kiểm soát và những lều trại do các tổ chức phi chính phủ lập ra.

Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc cho biết tình trạng ở các trại tạm cư này đã trở nên tệ hại hơn.

Tuy nhiên, hai nhà nghiên cứu Australia cho biết một cuộc khảo sát mới đây cho thấy có sự ủng hộ mỗi ngày một nhiều trong cả hai cộng đồng cho việc hòa giải.

Ông Anthony Ware và ông Ronan Lee của Đại học Deakin ở Melbourne đã phỏng vấn 600 người và các nhà lãnh đạo cộng đồng ở Rakhine trong cuộc khảo sát này. Giáo sư Lee cho biết họ phát giác những kết quả bất ngờ.

"Chúng tôi phát giác là có sự đồng cảm nhiều hơn của những người trong cộng đồng này đối với những người trong cộng đồng kia và sự thông cảm đối với tình cảnh của những người đó. Tôi nghĩ rằng có một mức độ linh động đáng ngạc nhiên tại cả hai cộng đồng về việc chấp nhận những người ở phía bên kia và chấp nhận những quyền lợi và vai trò của họ".

Người Rohingya không được thừa nhận là một sắc tộc thiểu số ở Myanmar và do đó họ không được cấp quốc tịch. Họ không được phép bầu cử và ứng cử trong cuộc tổng tuyển cử mới đây. Theo ước tính của Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc, hơn 800.000 người Rohingya ở tiểu bang Rakhine không có quốc tịch.

Chính phủ trung ương Myanmar và các cộng đồng người Phật giáo ở Rakhine chống lại việc sử dụng tên gọi “Rohingya”, một từ ngữ để chỉ khoảng 1,3 triệu người Hồi giáo sinh sống tại các khu vực trong tiểu bang Rakhine ở miền bắc.

Nhưng giáo sư Lee cho biết mặc dù những người thuộc cộng đồng Hồi giáo này vẫn muốn được gọi là Rohingya trong cách xác định căn cước chính thức, nhiều người có thái độ linh hoạt đối với vấn đề này, nhưng họ bác bỏ việc sử dụng từ ngữ “người Bengali” mà chính quyền đang dùng.

"Những gì đang thật sự xảy ra là có một sự khác biệt ý kiến đối với vấn đề nhóm người nào nên được cho phép dùng tên Rohingya. Nhưng khi quí vị hỏi một người theo đạo Hồi là phải chăng họ cảm thấy việc dùng chữ Rohingya để gọi họ là một việc thật sự quan trọng, thì thái độ của họ là “chúng tôi chỉ muốn có những quyền lợi của mình, muốn có quốc tịch, chúng tôi muốn là một phần của Myanmar, chúng tôi đã sống ở đây từ nhiều đời, chúng tôi có một di sản hàng trăm năm ở đây".

Một nhà hoạt động cầm ảnh lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi trong cuộc biểu tình đòi chấm dứt bạo lực chống lại người thiểu số Rohingya tại bang Rakhine, bên ngoài sứ quán Myanmar ở Jakarta, Indonesia, ngày 29/5/2015.
Một nhà hoạt động cầm ảnh lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi trong cuộc biểu tình đòi chấm dứt bạo lực chống lại người thiểu số Rohingya tại bang Rakhine, bên ngoài sứ quán Myanmar ở Jakarta, Indonesia, ngày 29/5/2015.

Bên cạnh vấn đề quốc tịch, các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy những điểm chung giữa người Hồi giáo và những người theo đạo Phật.

Các hai cộng đồng này đều chịu nhiều đau khổ vì bạo động, trong lúc tình hình kinh tế nói chung đã được cải thiện nhờ đầu tư nước ngoài và những hoạt động kinh tế được kích hoạt bởi sự cởi mở chính trị.

Giáo sư Lee cho biết cả hai cộng đồng này đều cảm thấy bị tụt hậu trong xu thế chấn hưng kinh tế, một phần vì các nhà đầu tư cảm thấy ngần ngại trước tình hình bất ổn trong khu vực.

Giáo sư Sean Turnell của Đại học Macquarie ở Sydney cho rằng những khám phá của hai nhà nghiên cứu này mang lại hy vọng cho tương lai của tiểu bang Rakhine.

"Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta nhìn thấy có những sự trợ giúp về kinh tế và sự trợ giúp đó được cung cấp với một cách thức minh bạch để không làm khơi ra những sự đố kỵ hoặc căng thẳng, thì điều đó sẽ mang lại khá nhiều hy vọng".

Vào lúc này, các cộng đồng ở Rakhine, cũng như phần còn lại của Myanmar, đang trông đợi những sự thay đổi mà bà Aung San Suu Kyi và Đảng Liên minh Dân chủ Toàn quốc của bà sẽ mang lại sau khi nắm quyền vào tháng Giêng tới đây. Bà Suu Kyi từng nói việc cấp quốc tịch cho người Rohingya không phải là một vấn đề ưu tiên của chính phủ của bà, nhưng những kế hoạch của bà về phát triển kinh tế có thể giúp cho cộng đồng bị chia rẽ này hàn gắn vết thương.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG