Liên Hiệp Quốc đang kêu gọi quốc tế có hành động kéo chậm tình hình hỗn loạn tại Libya, và nói rằng cuộc chiến ở đó có thể gây mất ổn định cho toàn khu vực.
Các phần tử chủ chiến ủng hộ Nhà nước Hồi giáo chỉ là một phần trong cuộc khủng hoảng an ninh của Libya. Nhưng trong khi Liên Hiệp Quốc vận động hướng tới các cuộc hòa đàm giữa các chính phủ đối nghịch và các toán dân quân, đặc sứ Liên Hiệp Quốc Bernadino Leon nói các cuộc đàm phán này sẽ không phải là một phần của giải pháp.
“Đương nhiên việc này phải được thực hiện qua sự tham gia của tất cả các nhóm vũ trang, ngoại trừ các nhóm đã bị công bố là tổ chức khủng bố.”
Hồi cuối tuần qua, giao tranh đã đình chỉ hoạt động tại hai trong số các cảng dầu lớn nhất của Libya. Giữa tình trạng hỗn loạn, các giới chức nói các phần tử chủ chiến ủng hộ IS đã lập những trại huấn luyện.
Trưởng ban quản trị của công ty tham vấn an ninh Country Risk Solutions, ông Daniel Wagner, nói chống lại các phần tử chủ chiến Hồi giáo ở Libya là điều cấp thiết cho an ninh khu vực, nhưng ông cho rằng Ansar al-Sharia, một nhóm chủ chiến Libya đã cam kết trung thành với Nhà nước Hồi giáo là một phần của một vấn đề rộng lớn hơn.
Theo ông, trong thập niên vừa qua, con số các nhóm thánh chiến bạo động trên thế giới đã tăng gần gấp đôi lên tới 41 nhóm.
“Đó là con số các tổ chức cực đoan hiện hữu trên thế giới ngày nay. Lý thuyết cơ bản là, trái với điều chúng ta ở phương tây muốn tin, lập luận của tôi là chính các nhóm này định ra nghị trình làm việc của chúng ta, và chúng ta đang phản ứng lại. Thay vì chúng ta nói với họ đại loại là: ‘Mọi thứ sẽ như thế này.’”
Ông nói các cường quốc Tây phương bị bó tay vì cử tri chán ngấy chiến tranh và không tin là họ bị đặt trong tình thế nguy hiểm sắp xảy ra.
Ông Wagner nói gần như không thể nào phỏng đoán được các hậu quả nếu các nhóm nắm được quyền lực ở khắp châu Phi và Trung Đông phối hợp tốt hơn hay kết nối lực lượng với nhau.
“Nếu có sự kết hợp các mục tiêu và chiến thuật và phương pháp hoạt động của các nhóm này, tôi có thể nói rằng chúng ta sẽ nhìn lại và xem tình hình chúng ta như thế nào, như món khai vị trong một bữa ăn rất lớn.”
Ông nói thêm rằng kể từ khi Nhà nước Hồi giáo chiếm đất ở Syria và Iraq, và khét tiếng về những vụ sát hại các nhân vật nổi tiếng, và một chiến dịch truyền thông ồ ạt, nhóm này đã trở thành một “ngọn cờ tập hợp chung” cho các tổ chức Hồi giáo.
Trong khi phương Tây bị hạn chế trong các cuộc không kích và cung cấp sự yểm trợ cho quân đội bị bao vây của Iraq, và các nhóm nổi dậy ở Syria, các nước khác chống lại Nhà nước Hồi giáo cảm nhận hậu quả từ phía các ủng hộ viên trong nước.
Ông Giorgio Cafiero, người sáng lập tổ chức Gulf State Analytics, nhận định:
“Dường như có một tình hình ở một số nước vùng Vịnh đang gây quan ngại về các vụ tấn công đơn độc, nhất là của những cá nhân chưa từng đến Iraq hay Syria, nhưng có cảm tình với tổ chức.”
Ông Cafiero nói những người ủng hộ IS có thể cuối cùng sẽ nhận mệnh lệnh của nhóm này, và tại các nước như Ả Rập Xê-út, căng thẳng phe phái đã tăng cao.
“Mối đe dọa thực sự là các cá nhân ở vương quốc này sẽ bắt đầu hành động nhân danh tổ chức một cách hoàn toàn độc lập. Và mối nguy hiểm là rất khó đối phó với hình thức đe dọa này. Gần như nhà chức trách không thể làm gì để ngăn chặn được.”
Ông Cafiero nói thêm rằng các nước khác đang chống lại IS có thể phải đối mặt với hậu quả dội lại từ các nhóm ở Libya. Tháng trước, các vụ đánh bom xe ở Libya đã xảy ra gần các đại sứ quán của Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Ai Cập.
Nhưng ông Cafiero và các nhà phân tích khác nói cuộc chiến chống lại các phần tử chủ chiến ở Libya là thiết yếu cho việc ngăn chặn, nếu không phải là tiêu diệt, Nhà nước Hồi giáo.