Đường dẫn truy cập

Chuyến thăm Cuba của tổng thống Mỹ đã được chờ đợi gần một thế kỷ


Tổng thống Barack Obama (phải) và Chủ tịch Raul Castro bắt tay nhau trước cuộc họp của LHQ tại New York, ngày 29/9/2015.
Tổng thống Barack Obama (phải) và Chủ tịch Raul Castro bắt tay nhau trước cuộc họp của LHQ tại New York, ngày 29/9/2015.

Chỉ 14 tháng sau khi ra lệnh nối lại các quan hệ ngoại giao với Cuba, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama sẽ trở thành tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên du hành tới La Havana trong gần 90 năm.

Phó Cố vấn An ninh Tòa Bạch Ốc Ben Rhodes nói với các nhà báo hôm thứ Năm:

“Chúng tôi coi đây là một cách để thúc đẩy tiến trình bình thường hóa bang giao này, và tìm cách mở rộng hơn nữa giữa Hoa Kỳ và Cuba về mặt thương mại, nhưng mặt khác, cũng để hỗ trợ và thăng tiến các giá trị mà chúng ta quan tâm”.

Tổng thống Obama sẽ nêu bật các giá trị phổ quát này trong chuyến đi ngày 21 và 22/3, ông Rhodes cho biết, khi ông gặp gỡ các nhân vật bất đồng chính kiến Cuba, các thành viên xã hội dân sự và chính quyền Cuba.

Tòa Bạch Ốc nói ông Obama sẽ đặc biệt nêu lên với các giới chức Cuba việc giam cầm và sách nhiễu những người muốn bày tỏ các quyền căn bản của họ.

Nhưng tại sao Tổng thống Obama lại thực hiện chuyến đi lịch sử trong lúc này, giữa lúc vẫn còn nhiều quan tâm về nhân quyền?

Ông Rhodes nêu nhận định: “Không đi thăm và cô lập hóa Cuba không giúp ích gì để đẩy mạnh các vấn đề đó, và chúng ta sẽ ở trong vị thế tốt hơn để ủng hộ nhân quyền và hỗ trợ nhân dân Cuba có một đời sống tốt đẹp hơn bằng cách chủ động giao tiếp với họ và trực tiếp nêu lên các vấn đề đó”.

Tổng thống Obama, cùng đi với đệ nhất phu nhân, sẽ mở các cuộc đàm phán song phương với Tổng thống Cuba Raul Castro, nhưng không có kế hoạch gặp bào huynh của ông, là Fidel Castro, nhà lãnh đạo cách mạng đã lên nắm quyền ở Cuba hơn nửa thế kỷ qua, nhưng giờ đã rút lui ra khỏi chính trường vì những lý do sức khỏe.

Tổng thống Mỹ đã gặp vị tương nhiệm Cuba hai lần rồi, lần đầu bên lề hội nghị thượng đỉnh các nước châu Mỹ hồi tháng Tư năm ngoái, và lần thứ nhì tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc vào tháng 9 năm ngoái.

Trong một tin nhắn trên trang mạng Twitter, ông Obama nói chuyến đi của ông có mục đích thúc đẩy tiến bộ trong bang giao giữa hai quốc gia và “các nỗ lực có thể cải thiện đời sống của nhân dân Cuba”.

Nhà phân tích cấp cao và cũng là tác giả của cuốn sách “Back Channel to Cuba” Peter Kornbluh nói thời điểm của chuyến đi lịch sử của ông Obama là thiết yếu cho việc củng cố chính sách giao tiếp với Cuba.

Ông nhận định: “Làm cho tình hình không thể nào bị đảo ngược, như thế nào để ngay cả nếu người được bầu làm tổng thống kế tiếp của nước Mỹ có là Marco Rubio, Ted Cruz hay là Jeb Bush đi chăng nữa, thì những đầu tư của các công ty Mỹ, của xã hội Mỹ vào việc cải thiện các quan hệ với Cuba vẫn trường tồn”.

Từ khi quyết định lịch sử tan băng các quan hệ bang giao với Cuba được loan báo vào tháng 12/2014, Tổng thống Obama đã đạt được những tiến bộ liên tục nhằm phá đổ các rào cản ngoại giao với cựu thù thời Chiến tranh Lạnh.

Các thành quả gồm việc tái lập quan hệ ngoại giao và mở lại các đại sứ quán ở thủ đô của mỗi nước.

Hoa Kỳ đã rút tên Cuba ra khỏi danh sách các nước bảo trợ cho khủng bố.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG