Với chữ “chúng ta” ở đây, tôi chỉ giới hạn trong cộng đồng người Việt Nam ở hải ngoại. Nghe nói cộng đồng ấy đã lên đến trên dưới bốn triệu người sống rải rác trên khoảng một trăm quốc gia trên thế giới. Đó là một cộng đồng khá đa tạp, bao gồm nhiều thành phần khác nhau, những cách thức rời bỏ quê hương khác nhau, từ những người vượt biên và những cựu tù nhân chính trị được ra đi chính thức đến những người được thân nhân bảo lãnh, các cựu du học sinh và những người quyết định định cư ở nước ngoài chỉ vì lý do thuần tuý kinh tế.
Tuy đa tạp như vậy, nhưng tất cả đều có một số điểm chung. Chung ở hoàn cảnh: lưu vong. Chung ở tâm thế: tâm thế lưu vong. Theo các nhà Lưu vong học, tâm thế ấy bao gồm bốn điểm chính: Thứ nhất, tất cả đều chia sẻ một số ký ức tập thể chung liên quan đến nguồn cội. Thứ hai, tất cả, với những mức độ khác nhau, đều cảm thấy ít nhiều lạc lõng trên đất khách. Thứ ba, tất cả đều không nguôi nhớ về quê cũ, thi vị hoá quá khứ, đau đáu theo dõi từng diễn biến trong đời sống chính trị ở cái nơi mình đã bỏ ra đi. Cuối cùng, thứ tư, như là hệ quả của ba đặc điểm vừa nêu, tất cả đều sống trong trạng thái ở giữa: giữa quê cũ và quê mới, giữa quá khứ và hiện tại, giữa hoài niệm và hoài bão, giữa đây và đó.
Trong các đặc điểm vừa nêu, điều đáng chú ý nhất là những ám ảnh về quê cũ. Những ám ảnh ấy có nhiều biểu hiện khác nhau. Có người thấy thoả mãn với việc thỉnh thoảng bay về quê hương như một du khách. Có người thường xuyên theo dõi các biến chuyển ở quê hương một cách thụ động. Có người trăn trở muốn làm một cái gì đó để thay đổi tình hình đất nước. Chính với nhóm người sau cùng này, một câu hỏi thường được đặt ra: Liệu những nỗ lực của họ có thành hiện thực? Hay nói cách khác, rộng hơn, liệu những người đó có thể làm được gì cho đất nước?
Để trả lời câu hỏi ấy, không thể không nhìn lại kinh nghiệm của các cộng đồng lưu vong trên thế giới. Sau năm 1917, cả hàng triệu người Nga bỏ nước ra đi. Sau năm 1945, hàng triệu người Đông Âu bỏ nước ra đi. Họ, cũng giống chúng ta, không ngớt thao thức về đất nước, và một số khá đông cũng tìm mọi cách để dân chủ hoá đất nước của họ. Nhưng họ còn hơn chúng ta ở một điểm: Trong họ, có nhiều tài năng có tầm vóc thế giới, nhiều tên tuổi nổi tiếng trong nhiều lãnh vực khác nhau, từ khoa học đến văn học nghệ thuật. Cuối cùng, họ đã làm được gì cho đất nước của họ?
Câu trả lời khá buồn: hầu như không được gì cả. Từ đầu thập niên 1980 trở về trước, bất chấp những sự phê phán và phản kháng của các cộng đồng lưu vong ở nước ngoài, các chế độ cộng sản ở Nga và Đông Âu vẫn vững mạnh. Cuối thập niên 1980, các chế độ cộng sản ở những nơi ấy lần lượt sụp đổ vì những lý do khác chứ không hề từ những nỗ lực tranh đấu từ bên ngoài. Sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ, các cộng đồng lưu vong cũng không đóng góp được gì trong quá trình dân chủ hoá chế độ. Từ trước đến sau, các cộng đồng lưu vong đều là những kẻ ngoại cuộc, bất lực và vô vọng.
So với các cộng đồng lưu vong Nga và Đông Âu trước đây, cộng đồng lưu vong Việt Nam có gì khác?
Có.
Cái khác căn bản nhất là ở thời đại: Chúng ta, may mắn hơn, sống trong thời toàn cầu hoá, trong đó, các phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt là internet, phát triển vượt bậc khiến quan hệ trong và ngoài nước được dễ dàng và vô cùng nhanh chóng. Trước, những tiếng nói phản kháng của những người lưu vong, kể cả những người từng đoạt giải Nobel về văn chương, từ Aleksandr Solzhenitsyn (1918-2008) đến Joseph Brodsky (1940-1996), đều chỉ vang lên ở Tây phương chứ không vọng về được trong nước họ. Bây giờ, với chúng ta, tình hình khác hẳn. Bất cứ tiếng nói nào được cất lên ở hải ngoại, qua mạng lưới internet, được người trong nước nghe ngay tức khắc. Con đường ngược lại cũng tương tự: một tiếng kêu từ trong nước, trong vòng tích tắc, đã được tiếp nhận ở hải ngoại.
Với những quan hệ chặt chẽ giữa trong và ngoài nước như vậy, những nỗ lực tranh đấu của người Việt ở nước ngoài sẽ dễ có hiệu quả hơn. Hiệu quả ấy có thể thấy trên hai khía cạnh: Thứ nhất, người Việt ở hải ngoại đóng góp phần lớn vào tiến trình quốc tế hoá cuộc đấu tranh trong nước. Một trong những lý do chính làm cho các chính phủ Tây phương cũng như các tổ chức về nhân quyền trên thế giới biết đến những sự đàn áp thô bạo của chính quyền Việt Nam chính là nhờ các nỗ lực vận động của người Việt ở nước ngoài. Không có họ, các tiếng gào thét cất lên từ trong nước rất dễ tan biến vào hư không. Thứ hai, điều người Việt ở nước ngoài có thể đóng góp cho những người Việt tranh đấu ở trong nước là về phương diện lý luận. Người Việt ở trong nước có nhiều kinh nghiệm trực tiếp về sự độc tài và tàn ác của chế độ, nhưng điều họ thiếu là những kinh nghiệm về dân chủ cũng như tầm nhìn bao quát về địa chính trị vốn là mặt mạnh của những người Việt Nam ở hải ngoại.
Nói cách tóm tắt, qua các mạng truyền thông xã hội, người Việt trong và ngoài nước cùng bắt tay nhau trên con đường tranh đấu cho tự do và dân chủ. Mỗi bên đều có mặt mạnh và mặt yếu nhưng qua sự hợp tác, các mặt yếu sẽ được khắc phục và các mặt mạnh sẽ được phát huy. Tất cả sẽ góp phần hình thành nên một trận tuyến chung trong việc dân chủ hoá đất nước.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.