Đường dẫn truy cập

Chính trị gia ủng hộ độc lập cho Đài Loan thăm Trung Quốc


Ông Tạ Trường Đình, giới chức cấp cao nhất của Đảng Dân tiến Ðài Loan(DPP)
Ông Tạ Trường Đình, giới chức cấp cao nhất của Đảng Dân tiến Ðài Loan(DPP)
Ông Tạ Trường Đình, cựu chủ tịch đảng ủng hộ độc lập cho Đài Loan đến thăm Trung Quốc trong chuyến công du mà ông nói là nhằm mục đích củng cố lòng tin giữa hai bên.

Ông Tạ là giới chức cấp cao nhất của Đảng Dân tiến (DPP) tới thăm Trung Quốc. Ông đang cố gắng tìm cách tạo điều kiện thuận lợi cho mối quan hệ giữa đảng của ông với đại lục sau khi bị thất bại trong cuộc tuyển cử trước ứng viên đương nhiệm thân Bắc Kinh.

Theo tin của các cơ quan truyền thông địa phương, trước khi rời Đài Loan, ông Tạ nói rằng ông hy vọng dấu chân của ông ngày hôm nay sẽ trở thành đường đi cho các du khách trong tương lai.

Ông Tạ cùng các chính trị gia DPP khác đang tìm cách tránh xa các phe nhóm có tư tưởng ủng hộ độc lập cực đoan hơn, sau khi các cử tri Đài Loan khẳng định sự hậu thuẫn của họ dành cho ông Mã Anh Cửu, người tranh đấu cho một lập trường mang tính hòa giải đối với đại lục.

Dù ông Tạ nói rằng chuyến thăm của ông được thực hiện ‘với tư cách cá nhân’ và rằng ông sẽ không gặp các giới chức Trung Quốc, nhiều người coi chuyến công du đó là nỗ lực xoa dịu chính sách đối với Trung Quốc của đảng ông.

Ông Giả Khánh Quốc, giáo sư môn khoa học chính trị tại Đại học Bắc Kinh, nhận định.

Ông Giả nói: “Đảng Dân tiến đang đối mặt với một thách thức rất lớn. Nếu quan hệ đôi bờ eo biển tiếp tục phát triển như hiện nay, người dân Đài Loan sẽ được hưởng lợi từ điều đó, và vì thế họ sẽ không còn ủng hộ lập trường đòi độc lập nữa.”

Ông Giả nói đó là suy nghĩ của ông Tạ khi ông tới Trung Quốc.

Bắc Kinh coi Đài Loan là một tỉnh ly khai và đã theo đuổi chính sách hợp tác kinh tế cấp tiến với mục tiêu luôn luôn rõ ràng là thống nhất đất nước.

Ông Hồ Cẩm Đào, giới chức mà nhiệm kỳ làm Chủ tịch và người đứng đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ kết thúc vào tháng tới khi Đại hội đảng họp để bầu các tân lãnh đạo, đã tán thành cách tiếp cận này.

Dưới nhiệm kỳ của ông Hồ và với sự giúp sức của Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu, Đài Loan và đại lục đã đàm phán các thỏa thuận thương mại chưa từng có nhằm cắt giảm hàng rào thuế quan và được cho là đã mang lại rất nhiều lợi ích cho phía Đài Loan.

Ông Hoàng Tĩnh là giám đốc Trung Tâm châu Á và Toàn cầu tại Đại học chính sách công Lý Quang Diệu có trụ sở ở Singapore nói rằng quan hệ kinh tế giữa đại lục và Đài Loan hiện chỉ chiếm 4% trong toàn bộ hoạt động thông thương của Trung Quốc, và hiện có ưu thế trong các cuộc đàm phán với Đài Loan.

Ông Hoàng nói ít nhất một nửa hoạt động thương mại quốc tế của Đài Loan là với Trung Quốc. Thương mại với Trung Quốc được coi là đóng góp đáng kể trong nền kinh tế của Đài Loan, nên họ không thể loại trừ điều này.

Kể từ năm 1949, khi phe theo chủ nghĩa dân tộc rút về Đài Loan, Mao Trạch Đông và các nhà lãnh đạo hàng đầu của Đảng Cộng sản kế nhiệm ông đã duy trì một lập trường cứng rắn nhằm tái thống nhất đất nước mà ông Hoàng tin rằng ông Hồ Cẩm Đào đã sửa đổi.

Ông Hoàng cho biết: “Nếu không thể đạt được việc tái thống nhất, ít ra là đóng lại việc độc lập của Đài Loan. Đó là ý nghĩa toàn bộ chính sách của ông Hồ Cẩm Đào.”

Cả ông Giả Khánh Quốc lẫn ông Hoàng Tĩnh đều tin rằng nhà lãnh đạo sắp mãn nhiệm Hồ Cẩm Đào đã tạo ra một mô hình chính sách thành công trong mối quan hệ với Đài Loan, và điều đó sẽ được các nhà lãnh đạo kế tiếp của Trung Quốc tiếp nối.

Ông Hoàng nói rằng có một câu ngạn ngữ nói đại ý rằng “nếu không sai thì tại sao lại sửa.” Ông nói thêm rằng bằng cách gia tăng ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc đối với Đài Loan, thế hệ lãnh đạo mới có thể làm suy yếu triển vọng độc lập của hòn đảo, và vì thế sẽ đặt nền tảng cho việc tái thống nhất đất nước trong tương lai.

Ông Hoàng thừa nhận rằng có thể có các yếu tố gây bất ổn.

Việc Đài Loan liên minh với Hoa Kỳ không những là một sự đảm bảo về quân sự mà còn là một mối nguy tiềm năng nếu các tranh chấp lãnh hải với Nhật Bản leo thang thành một cuộc xung đột quân sự. Nền kinh tế tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc có thể ảnh hưởng tiêu cực tới Đài Loan, và tinh thần dân tộc ngày càng mạnh ở đại lục có thể buộc các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải hành động một cách thúc ép hơn trong mối quan hệ giữa đôi bờ eo biển.

Đó là lý do tại sao, ông Hoàng cho rằng việc duy trì nguyên trạng là một ưu tiên cho cả hai chính phủ.

Ông Hoàng nói: “Bất kỳ nỗ lực chưa chín muồi nào từ phía Trung Quốc nhằm mưu tìm sự thống nhất hoặc bất kỳ nỗ lực chưa chín muồi nào từ phía Đài Loan nhằm đòi độc lập sẽ mang tính phản tác dụng và nguy hiểm không chỉ cho Trung Quốc và Đài Loan mà còn cho nền hòa bình của toàn bộ khu vực.”

Chặng dừng chân đầu tiên của ông Tạ là tỉnh Phúc Kiến ở đông nam trung Quốc, nơi ông sẽ tới thăm thành phố biển Hạ Môn, và cũng là quê cha đất tổ của ông. Tại Bắc Kinh, ông sẽ tham quan sân vận động Olympic, tham dự một cuộc thi pha cocktail quốc tế, và gặp gỡ với các học giả từ các trung tâm nghiên cứu khác nhau của Đài Loan.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG