Giới hữu trách Mỹ đang tìm kiếm những manh mối để xác định hai hung thủ trong vụ tấn công khủng bố ở San Bernardino hồi tuần trước đã trở nên cực đoan hoá như thế nào. Theo tường thuật của thông tín viên Zlatica Hoke của đài VOA, cuộc tìm kiếm qua các vật dụng cá nhân, điện thoại di động và máy tính của Syed Farook và Tashfeen Malik không cho thấy liên hệ trực tiếp nào giữa cặp vợ chồng này với các nhóm khủng bố chính trên thế giới.
Các giới chức của Cơ quan Điều tra Liên bang (FBI) cho biết Syed Farook, sinh ra ở Mỹ, và người vợ Tashfeen Malik, sinh ra ở Pakistan, đã bị cực đoan hoá trong một thời gian khá lâu, nhưng họ chưa biết rõ nguồn gốc của sự cực đoan hoá này.
Ông David Bowdich, Phó giám đốc Văn phòng Los Angeles của FBI, cho biết như sau.
"Chúng tôi biết họ nói chuyện qua điện thoại với những người ở Mỹ. Tôi chưa biết tất cả những mối liên hệ ở nước ngoài. Chúng tôi đang làm việc với các đối tác nước ngoài về vấn đề này."
Bà Saira Khan, chị của Farook, cho biết tất cả những người bà con trong gia đình không ai nghi ngờ điều gì.
"Tôi cảm thấy giống như nó có một cuộc sống đôi. Tôi cảm thấy nó rất khéo trong việc giấu diếm mọi chuyện đối với mọi người trong gia đình.
Tại thị trấn Karor Lal Esan trong tỉnh Punjab ở miền nam Pakistan, quê của Malik, những người láng giềng của Malik không tin cô này là kẻ đã nổ súng giết người hàng loạt ở California. Họ cho biết gia đình Malik đã di cư sang Ả rập Xê út khá lâu rồi."
Malik sau đó đã trở về Pakistan để học dược tại Đại học Bauhaddin Zakarya, một trường đạo Hồi, tại thành phố Multan ở miền trung. Các giới chức nhà trường nói rằng Malik là sinh viên học giỏi và họ không biết cô có tham gia những hoạt động nào ngoài giờ học hay không. Ông Babar Haqan, Phó Giám đốc Giao tế của Đại học Bauhaddin Zakarya, nói rằng sinh viên của trường không ai dính líu tới khủng bố.
"Đây là một trường hợp ngoại lệ và thay mặt cho ban quản trị và ban giảng huấn nhà trường, chúng tôi lên án hành động này. Nếu có ai dính líu tới bất kỳ vụ việc nào như thế này, thì đó là điều không đáng khen mà đáng bị lên án."
Các nhà điều tra cũng đang xem xét tới vấn đề là Malik có thể đã bị cực đoan hoá trong lúc sinh sống ở Ả rập Xê út, nơi cô gặp Farook và đính hôn với người đàn ông sinh ra ở Mỹ này.
Bà Nada Bakos, cựu chuyên gia phân tích của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), cho biết như sau.
"Không có gì đáng ngạc nhiên về việc người vợ là người cực đoan hơn người chồng trong trường hợp này. Khủng bố không có phân biệt giới tính. Bạo động không có phân biệt giới tính."
Cặp vợ chồng này đã bị cảnh sát bắn chết không bao lâu sau khi xả súng giết người tại một trung tâm của sở xã hội, bỏ lại một đứa con gái 6 tháng tuổi. Gia đình của Farook đang tìm cách để được quyền nuôi dưỡng đứa bé hiện đang được chăm sóc bởi Cơ quan Bảo vệ Trẻ em ở San Bernadino.