Trưởng quan Hành chánh Hồng Kông Lương Chấn Anh cho biết ông đang tìm cách để tiến hành cuộc đàm phán nhằm chấm dứt cuộc biểu tình đòi dân chủ đã bước sang tuần lễ thứ ba. Từ trụ sở Viện Lập pháp Hồng Kông, thông tín viên Ivan Broadhead của đài VOA cho biết cuộc đàm phán có thể diễn ra vào tuần sau.
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày hôm nay, ông Lương Chấn Anh cho biết ông không thể đề nghị bất kỳ sự nhượng bộ nào đối với quyết định ngày 31 tháng 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc, theo đó cuộc bầu cử trưởng quan hành chánh năm 2017 sẽ được thực hiện trên cơ sở mỗi người một phiếu nhưng các ứng cử viên phải có được sự chấp thuận của Bắc Kinh.
"Chính trị là nghệ thuật của sự có thể. Chúng ta phải vạch một lằn mức giữa sự có thể và sự không có thể. Chính quyền trung ương đã nói rõ là họ sẽ không rút lại quyết định ngày 31 tháng 8. Chúng tôi sẽ bàn thảo với các sinh viên để cho 5 triệu cử tri ở Hồng Kông có được cơ hội đầu tiên trong lịch sử Hồng Kông để bỏ phiếu chọn trưởng quan hành chánh vào năm 2017. Đó là một việc chưa từng có từ trước tới nay."
Cuộc họp báo của ông Lương Chấn Anh diễn ra một ngày sau khi một đoạn video chiếu trên truyền hình cho thấy những cảnh sát viên mặc thường phục đánh đập ông Ken Tsang, một nhân viên sở xã hội. Xế ngày hôm qua, ông Tsang đã cho báo chí thấy những vết sướt và vết bầm trên người của ông và nói rằng ông đang chuẩn bị để kiện các cảnh sát viên đánh ông.
Không lâu trước cuộc họp báo ngày hôm nay, cảnh sát Hồng Kông đã xịt hơi cay mắt để giải tán những người biểu tình khi những người này tìm cách ngăn chận một con đường gần khu trụ sở chính phủ. Chính phủ xem những vụ xuống đường biểu tình này là bất hợp pháp.
Đứng bên cạnh ông Lương Chấn Anh tại cuộc họp báo là ông Raymond Tam, người phụ trách các vấn đề liên quan tới hiến pháp và Hoa Lục. Ông Tam nói rằng một số nước trên thế giới áp dụng chế độ đề cử dân sự cho chức vụ nguyên thủ quốc gia. Ông nói rằng nếu không có được tiến bộ trong nay mai để thực thi một thủ tục cho cuộc bầu cử năm 2017, thì có lẽ sẽ không có đủ thời giờ để tiến hành cuộc bầu cử mỗi người một phiếu. Ông Tam nói thêm như sau.
"Có rất nhiều năm trước mắt các sinh viên học sinh trẻ tuổi của chúng ta. Họ không nên tập trung tất cả mọi thứ vào năm 2017. Nếu họ có thể nhìn xa hơn năm 2017 một chút, có thể những khát vọng của họ sẽ đạt được. 2017 không phải là điểm đến cuối cùng. Đó là phần đầu của một chương mới của nền dân chủ Hồng Kông và tôi hy vọng các sinh viên sẽ nhận thức được điều đó khi chúng tôi bắt đầu cuộc đối thoại vào tuần sau."
Ông Lương Chấn Anh cho biết ông hy vọng cuộc thương lượng với Liên đoàn Sinh viên Học sinh Hồng Kông và “những giới khác” có thể bắt đầu vào tuần tới.
Tuy nhiên, cuộc họp báo đã không làm giảm thiểu sự tức giận của công chúng đối với hành động thô bạo của cảnh sát nhắm vào người biểu tình đòi dân chủ. Những cảnh sát viên đó đã được thuyên chuyển công tác và nhà chức trách hứa tiến hành điều tra. Tuy nhiên các tổ chức nhân quyền nói rằng những hành động đó không đủ.
Nghị viên James To cho biết 10 nghị viên đã dọa rút khỏi ủy ban an ninh để phản đối vụ này.
"Đây là một vụ hành hung trắng trợn, nghiêm trọng, nếu không muốn nói là một hnahd tra tấn, rất đỗi nghiêm trọng. Nhưng cho tới giờ này chưa có vụ bắt giữ nào. Nhưng đây là một vấn đề rất đơn giản. Quí vị hãy hỏi nạn nhân 'ông có bị đánh đập hay không?' Nếu có thì đó là lý do để tiến hành bắt giữ."
Ông Lau Siu Kai, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Hồng Kông-Ma Cao – một tổ chức nghiên cứu có nhiều ảnh hưởng của Trung Quốc, cho biết cho dù căng thẳng có giảm bớt đi nữa thì ông vẫn cảm thấy lo ngại về sự ổn định của chính phủ Hồng Kông trong tương lai.
"Tôi dự kiến chính phủ sẽ có nhiều khó khăn hơn trong việc cai trị Hồng Kông. Sau khi Phong trào Chiếm Trung chấm dứt, có thể chúng ta sẽ thấy tình trạng đối đầu gia tăng ở Viện Lập pháp. Và nếu như vậy thì chính phủ, vốn không có nhiều quyền hạn, sẽ khó có thể thật sự thúc đẩy cho các chính sách dài hạn hay tranh thủ được sự ủng hộ của người dân."
Trong khi đó, Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố người dân nước Anh nên ủng hộ cho các quyền của người dân ở Hồng Kông. Ông nói rằng dân chủ phải có nghĩa là dân chúng ở cựu thuộc địa Anh này có được quyền lựa chọn thật sự. Tại Washington, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Jen Psaki cho biết chính phủ Mỹ tiếp tục giữ mối liên lạc chặt chẽ với giới hữu trách ở Hồng Kông và Trung Quốc.
Tình hình trên các đường phố Hồng Kông giờ đây tương đối yên tĩnh trong lúc các nhà tranh đấu dân chủ đang xem xét tới những cách thức để có được một giải pháp thông qua thương thuyết cho vụ phản kháng hiện nay.