Chuyên gia phụ trách giải đáp mục Hỏi Đáp Y Học kỳ này là bác sĩ Hồ văn Hiền, chuyên khoa nhi và y khoa tổng quát, có phòng mạch và đang làm việc cho các bệnh viện ở Bắc Virginia.
Cô Diệu Hoa ở Trà Vinh có nêu thắc mắc và được bác sĩ Hồ văn Hiền trả lời:
Eustachian tube dysfunction
Rối loạn Cơ năng ống Eustach
Viêm tai giữa thanh dịch (serous otitis media)
Nữ thính giả khó chịu một bên tai từ bốn tháng nay. Có lúc không nghe, cảm giác tai bít một bên, vỗ vào tai thì nghe được. Từng định bịnh là viêm tai giữa, nhưng bs tây y chữa không bớt. Uống thuốc Truyền thống Trung Quốc thì chóng mặt, trào ngược thức ăn lên thực quản (gastroesophageal reflux, GERD), mất ngủ. Bịnh nhân không biết mình bịnh gì.
Cơ thể học: Tai gồm tai ngoài (vành tai), vào sâu hơn thì đến tai giữa (middle ear), là một phòng nhỏ nằm sau màng nhĩ (tympanic membrane), trong đó có ba cái xương nhỏ truyền dẫn các sóng âm thanh vào tai trong. Tai trong (inner ear) biến sóng âm thanh thành dòng điện đi vào não bộ, vai trò tựa như cái microphone. Có một cái ống gọi là ống Eustach,nối liền họng với tai giữa, đem không khí vào tai giữa và giữ áp suất trong tai giữa quân bình với áp suất bên ngoài cơ thể. Thường thì ống này đóng, lúc nuốt ngáp thì ống mở ra. Nếu ống này hoạt động không bình thường (Eustachian tube dysfunction), không khí trong tai giữa bị hấp thụ và mất đi, không khí bên ngoài không vào tai giữa, áp suất trong tai giữa giảm xuống. Bịnh nhân thấy nặng trong tai, khả năng nghe (thính giác) có thể giảm ít hoặc nhiều. Nếu ống Eustach chỉ nghẹt một phần thôi, lúc bịnh nhân nuốt hoặc ngáp, có thể nghe tiếng lụp bụp, hoặc răng rắc (popping or crackling sound).
Lúc bị cảm cúm, ống Eustach cũng có thể bị nghẽn, nhất là ở trẻ em, ống này ngắn và nằm ngang, có thể gây tràn dịch trong tai giữa, trong đó virus hoặc vi khuẩn nhiễm trùng cấp tính, có mủ, thì gọi là viêm tai giữa cấp tính (acute otitis media). Nếu chữa nhiễm trùng đã khỏi mà dịch trong tai giữa vẫn kéo dài tháng này qua tháng khác vì ống Eustach bị nghẽn, thì ta có viêm tai giữa thanh dịch (serous otitis).
Chữa trị:
1. Thuốc uống hoặc nhỏ mũi cho giảm sưng (giảm xung huyết): pseudoephedrine (Sudafed)( viên 30mg, 60 mg uống, cần hỏi bác sĩ), oxymetazoline nhỏ mũi 2-3 lần/ ngày. Kèm với ; "Tự thổi vào tai" (autoinsufflation): ngậm miệng, bóp mũi, thở mạnh ra để thổi hơi vào ống Eustach (đừng làm nếu nhiễm trùng mũi vì có khả năng đem vi trùng qua tai)
2. Thuốc corticoid xịt mũi chống dị ứng, vd beclomethasone dipropionate (Beconase Aq, Vancenase Aq), xịt hai cái vào mỗi bên mũi, 2 lần/ngày, 2-6 tuần.
3. Một số trường hợp, bs có thể dùng corticoid uống.
4. Nếu viêm tai thanh dịch (serous otitis media) dai dẵng, bs có thể đặt ống nhỏ vào màng nhĩ (tympanostomy, “ear tube”) để mở cửa sổ thông hơi cho phòng tai giữa.
5. Tràn dịch thực quản (gastroesophageal reflux): hay ợ chua, rát phía sau xương ức do acid từ bao tử trào lên thực quản, lên họng, có thể ảnh hưởng đến cơ năng ống Eustach, gây lung bùng tai, nhiễm trùng tai.
6. Bịnh GERD tùy theo nhiều yếu tố như tình trạng co thắt của cơ tròn giữa thực quản và bao tử, khả năng thực quản dùng nhu động để đẩy dịch bao tử xuống, khả năng tiết nước miếng để trung hoà acid trong thực quản, khả năng bao tử sản xuất ra acid, khả năng đẩy thức ăn qua ruột nhanh hay chậm... cho nên chữa thuốc có thể thành công nhiều hoặc ít, tái lại hay không.
Thường bs khuyên bịnh nhân GERD thay đổi nếp sống như:
1. Tránh đồ ăn chua (chanh, thơm/dứa), ăn lượng thức ăn ít hơn (để bao tử đừng quá căng), những thức gây trào dịch: mỡ, chocolat, peppermint, rượu, hút thuốc lá)
2. Không ăn uống 3 giờ trước khi đi ngủ
3. Kê đầu giường lên cao 15 cm để thức ăn trong bao tử khó đi ngược lại
4. Cố gắng sụt cân nếu quá mập
5. Uống thuốc chống axit như Maalox, Calcium (Tums), ranitidine (Zantac), Omeprazole (Prilosec), Prevacid.
Chúc bịnh nhân may mắn.
Cảm ơn bác sĩ Hồ văn Hiền.
Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi Đáp Y Học này.
Chúng tôi vẫn dành đường dây điện thoại miễn phí để tiếp nhận các thắc mắc khác của quý thính giả về sức khỏe và y học thường thức. Số điện thoại miễn phí dành cho mục Hỏi Đáp Y Học là 202-205-7890, xin nhắc lại, 202-205-7890, ngày giờ nhận câu hỏi là thứ ba và thứ năm mỗi tuần, từ 8 giờ 30 đến 9 giờ 30 tối, giờ Việt Nam. Chúng tôi sẽ chuyển các thắc mắc của quý vị cho các bác sĩ chuyên khoa phân tích và giải thích và sẽ thông báo ngày giờ giải đáp để quý vị tiện theo dõi.