Đường dẫn truy cập

Cái Tết bây giờ sao lắm nỗi lo?


Ảnh minh họa: Mặt hàng trang trí Tết bày bán tại Hà Nội.
Ảnh minh họa: Mặt hàng trang trí Tết bày bán tại Hà Nội.

Hôm nay có người bạn nhắn tin cho tôi rằng Tết đến là lại thấy rầu. Tôi hỏi “Ở Việt Nam, Tết là lúc ông bà con cháu sum họp một nhà, sao mày lại chán? Ở hải ngoại, cực chẳng đã bà con chưa có điều kiện về, đành phải làm mâm cơm và mấy món ăn truyền thống để nhớ ngày Tết Việt, mày sống ở trên đất mẹ đất cha mà than thở về những ngày ấm cúng sum họp là sao?”

Không phải về quê ăn Tết là dễ đâu!

Đứa bạn tôi phân trần Tết nào mà Tết chẳng vui, nhưng Tết bây giờ nó khác với những cái Tết ngày xưa. Nhìn xung quanh, ai cũng hối hả, không chỉ Hà Nội mà còn ở Sài Gòn. Họ hối hả không phải vì tranh thủ làm cho xong vài ba việc còn thừa còn thiếu để về nhà với gia đình, mà họ hối hả vì phải tranh dành chật vật từng cái vé tàu, vé xe, thậm chí là từng món hàng giảm giá.

Cuộc sống phồn hoa đô thị của những thành phố lớn thu hút hàng triệu người lũ lượt kéo nhau về Hà Nội, Sài Gòn lập nghiệp, nuôi ước mơ làm giàu – thứ ước mơ trở thành hiện thực với lắm kẻ gặp may; nhưng đôi khi cũng trở thành hư vô với hàng triệu người cần lao mà cái nghèo vẫn đeo đuổi như những anh chàng si tình bám theo những cô gái đôi mươi.

Thật ra thì Sài Gòn, Hà Nội cũng chẳng phải vắng cái tình, cái nghĩa. Hàng chục ngàn vé xe, vé tàu giá rẻ, thậm chí là miễn phí cho những chị công nhân, những anh khuân vác, những sinh viên nghèo khó có cơ hội về nhà. Nhưng cái phần còn lại của xã hội chốn phồn hoa không phải là nhỏ. Ra đường bây giờ không thiếu cảnh người ta chen lấn, xô đẩy, thậm chí là chơi xấu nhau để kiếm những tấm vé nhàu nát với cái giá trên trời để có thể về quê kịp thời đón hoa đào, hoa mai bắt đầu bung cánh. Tết về, cái bon chen, bộn bề lại nhiều như lá trong rừng!

Đích thân ông Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã thẳng thắn quở trách “Có mỗi việc bán vé ở cả bến xe với ga Sài Gòn mà truyền hình đưa hơn một tuần nay. Phải vào kiểm tra đi, liệu có tiêu cực, có hết vé không hay có thể có 2 ngày hết còn ngày khác vẫn còn?”. Dù quyết liệt đến vậy nhưng giá vé tăng 200 – 300% vẫn cứ được rao bán nhan nhản ngoài đường, thậm chí trong các trạm xe, buộc dân bải bấm bụng bỏ tiền mua để về nhà khi ba mẹ, vợ chồng hay con cái đang nheo nhóc đợi chờ đồ Tết. Tốn kém là vậy, nhưng tình trạng nhồi nhét khách, chạy quá tốc độ, có khi các xe còn đua nhau để tranh đón khách. Mạng người treo lửng cành cây!

Không phải năm nay ông Đinh La Thăng nói riêng và lãnh đạo ngành giao thông vận tải nói chung mới đưa ra đề nghị toàn bộ lực lượng thanh tra phối hợp với công an trong dịp Tết, cố gắng làm sao giảm được nhồi nhét khách, tăng giá vé, cò vé để người dân đi lại thuận lợi, lên tàu lên xe thoải mái, không chen chúc nhau. Mà hầu như năm nào, các vị lãnh đạo cũng lên tiếng quyết liệt. Nhưng mọi thứ diễn ra trên thực tế: ngoài bến xe, trong bến tàu, trên những chuyến xe ngược xuôi xuôi ngược như chính số phận của không ít người dân... đều mang lại nỗi sợ, thậm chí được ví như những thách thức trường kỳ mà tất cả những ai muốn về quê ăn Tết đều phải trải qua.

‘Chặt chém’ và lạc hậu

Hiếm nơi nào mà như nhà mình, nạn chặt chém người du lịch hay du khách lại diễn ra bạo liệt, kéo dài suốt trong những năm qua. Giá thành các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đồng loạt tăng như thể là thông lệ. Đứa bạn tôi ở Hà Nội bảo “đi uống cafe mà gửi cái xe mất 30 ngàn đồng, còn đắt hơn cả tiền uống nước chè ngoài phố”. Người ta tận dụng tất cả mọi nơi, từ cái đường đi chung đến lề đường, vỉa hè, thậm chí là lòng lề đường để bày bán tất cả những gì người ta có thể bán với mức giá trên mây, và cười gật gù với nhau rằng như thế mới là không khí Tết.

Hôm Tết Tây vừa rồi, trước khi Việt Nam tổ chức bắn pháo hoa ở nhiều thành phố lớn trong đó có Hà Nội và Sài Gòn, tôi bảo trong bụng “thế nào báo chí cũng kéo nhau đưa tin rác nhiều như nêm sau khi chương trình pháo hoa mừng năm mới kết thúc”. Năm nào mà chả vậy, ấy nhưng năm nay còn có vẻ tệ hại hơn. Ngay cả các chậu hoa, thảm cỏ, các cây xanh hai bên vệ hồ Tây bị giẫm đạp nát không thương tiếc, những người qua đường nhìn lại mà chỉ biết lắc đầu cảm thông cho những người công nhân vệ sinh ngồi ngao ngán trước bãi chiến trường sau vài giờ “đón Tết”.

Nhưng cái nạn chặt chém, xả rác bừa bãi, không tôn trọng công trình công cộng dường như vẫn chưa phải là đề tài nóng so với những thủ tục lễ hội có phần bạo lực, bị truyền thông phản ánh và lên án dữ dội trong những năm gần đây. Năm 2014, 2015 đón Tết bằng hàng loạt các hủ tục “chặt chém” động vật hiểu theo đúng nghĩa đen, tôn sùng đó là hành động tạo phúc, dựng lộc cho cửa nhà. Mặc cho những người truyền gửi những thông điệp về nhân đạo “dù là con vật thì chết cũng phải đàng hoàng, việc hành quyết dã man không mang về ý nghĩa gì ngoài ý nghĩa bạo lực”; những người đồ tể vẫn giơ cao lưỡi dao chém tới tấp để cầu mong may mắn, an lành (!?).

Đó là chưa kể đến các tập tục liên qua đến “cướp” hay “giật”, vốn thu hút hàng ngàn người – quá sức kiểm soát của ban tổ chức. Số lượng “lộc trời cho” trong các chùa, đình thì hữu hạn, trong khi cuộc sống khó khăn, chật vật suốt một năm đã khiến lượng người mong năm mới đổi đời tăng đến mức chóng mặt. Hàng trăm, hàng ngàn người chen lấn, xô đẩy, đạp lên nhau và thậm chí dùng bạo lực như bạo động để tranh dành những mẫu vải, mẫu giấy đỏ vàng nhỏ xíu để mang về nhà. Dù thế nhưng báo chí đưa tin năm nay, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) hôm 19-1 cho biết vẫn tổ chức nghi lễ cướp hoa tre trong Lễ hội đền Gióng ở đền Sóc dịp Tết Bính Thân sắp tới song sẽ có biện pháp để đảm bảo “cướp an toàn”. Dư luận ai nấy cũng giật mình nhớ lại “Mùa lễ hội lần trước, vào sáng ngày 24-2-2015, tại Lễ hội đền Gióng, khi kiệu giò hoa tre vừa vào đền Thượng, hàng chục thanh niên lao đến giằng xé, xô đẩy nhau để cướp lộc tạo nên cảnh hỗn loạn trên sân đền. Có thông tin cho rằng một số thanh niên mặc lễ phục hộ tống đã cầm thanh tre vụt vào đám đông. Sự việc tạo hình ảnh phản cảm trong một sự kiện văn hóa lớn của Hà Nội”.

Tết là ngày sum họp gia đình, kể cho nhau nghe những câu chuyện một năm dài, truyền cho nhau lửa để tiếp tục một năm mới đầy sức khỏe và hạnh phúc. Nhưng cái Tết bây giờ, bên cạnh sự háo hức dường như có vẻ teo tóp dần, thì cái Tết sao mang lại lắm nỗi lo?

* Blog của Cao Huy Huân là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Cao Huy Huân

    Sinh trưởng ở Việt Nam và học tập tại Hoa Kỳ. Là một đại diện cho thế hệ sinh ra và lớn lên sau bước ngoặt lịch sử 1975. Luôn theo dõi sao sát những diễn biến xảy ra trong nước và nêu lên cảm nghĩ của một thế hệ hậu bối thông qua blog dưới một lăng kính trong vắt và đa chiều.

VOA Express

XS
SM
MD
LG