Việt Nam đã chuyển đổi nền kinh tế tập trung của mình để trở thành một trong những nước phát triển nhanh nhất trên thế giới. Dù những cải cách này vẫn chưa hoàn chỉnh, những tập đoàn đa quốc gia nhìn thấy một tương lai có lợi nhuận ở Việt Nam và đã bỏ ra những khoản đầu tư lớn. Thông tín viên Jim Randle tường trình.
Giao thông tấp nập ở Việt Nam cho thấy rất nhiều hoạt động kinh tế đang diễn ra ở đất nước với hơn 90 triệu dân này, và là một dấu hiệu của một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới.
Cải cách kinh tế có nghĩa là bớt chỉ đạo của chính phủ và thêm những quyết định được định hướng bởi thị trường, theo lời Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim.
"Những thành tựu phát triển của Việt Nam trong 25 năm qua là hết sức đáng ghi nhận. Trong giai đoạn này, cuộc sống của người dân Việt Nam đã thay đổi rất nhiều."
Trong một hội thảo tại Hà Nội hồi tháng 2, ông Jim Yong Kim nói với các quan chức rằng Việt Nam vẫn cần phải cải thiện lực lượng lao động, bảo vệ môi trường, và quản trị một cách minh bạch hơn. Tuy nhiên, ông nói nhiều năm tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ là một bài học cho phần còn lại của thế giới:
"Việt Nam đã giảm tỉ lệ nghèo túng cùng cực từ 50 phần trăm chỉ 25 năm trước đây xuống còn ba phần trăm ngày hôm nay."
Cơ quan Đánh giá Tín dụng Toàn cầu S&P cho biết Việt Nam có tiềm năng phát triển mạnh mẽ và đang cải thiện điều kiện cho những doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, nhà phân tích Kim Eng Tan của cơ quan này cho biết vẫn còn có những vấn đề về tình trạng tham nhũng và cơ sở hạ tầng yếu kém:
"Cơ sở hạ tầng ở Việt Nam vẫn đứng sau nhiều nước đang phát triển khác, và vẫn còn rất nhiều việc phải làm nếu bạn nhìn vào những sân bay, những con đường và đặc biệt là đường sắt."
General Electric là một trong số những tập đoàn đa quốc gia đang đầu tư vào Việt Nam để bán sản phẩm tại thị trường trong nước đang phát triển và ở những nơi khác. 900 nhân viên của họ đang làm ra những thiết bị chăm sóc y tế công nghệ cao, động cơ phản lực, và những sản phẩm khác, và đang mở rộng hoạt động của mình, theo lời ông Wouter Van Wersch, giám đốc phụ trách hoạt động của General Electric ở các nước ASEAN:
"Những cơ hội chính mà chúng tôi nhìn thấy từ phía chúng tôi là sản xuất điện năng, cả than lẫn khí thiên nhiên. Và rất nhiều năng lượng tái tạo được, năng lượng gió đang phát triển mạnh, và thủy điện luôn rất mạnh ở Việt Nam. Tất nhiên cũng cần phải cải thiện việc truyền tải điện năng và chúng tôi có những giải pháp trong lĩnh vực này."
Một chuyên gia về sự phát triển của Việt Nam nói rằng môi trường chính trị ổn định tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các công ty hoạt động so với ở một số thị trường mới nổi khác. Nhưng có thể phải mất một thập niên để kiểm soát tham nhũng, điều gây hại cho những công ty, đặc biệt là những công ty nhỏ, theo lời giáo sư Trần Ngọc Anh giảng dạy tại Đại học Indiana ở Mỹ.
"Chính phủ đang thử nghiệm những cách khác nhau để đối phó với điều đó. Tôi nghĩ rằng cuối cùng Việt Nam sẽ có thể giảm thiểu đáng kể tham nhũng, nhưng quá trình này sẽ mất khá nhiều thời gian."
Giáo sư Trần Ngọc Anh nói thêm rằng Việt Nam có thể thu hút thêm đầu tư, và công ăn việc làm, nếu người lao động được đào tạo tốt hơn cho những công việc mang tính kỹ thuật.