Đường dẫn truy cập

Các vụ án tham nhũng bộc lộ sự rạn nứt của phe phái chính trị ở VN


Từ trái: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Tổng bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang
Từ trái: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Tổng bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang
Trong vài tháng qua Việt Nam đã tiến hành một số phiên tòa để xét xử những vụ án tham nhũng lớn trong khuôn khổ của một chiến dịch chống tham nhũng. Chính phủ nói rằng họ đang dùng những biện pháp trừng phạt nghiêm khắc để ngăn ngừa tệ nạn tham ô. Thông tín viên VOA Marianne Brown tường thuật rằng những người chỉ trích nói những vụ xử này cũng là một phần của cuộc tranh giành quyền lực đang diễn ra trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao.

Tuần trước, nguyên chủ tịch đại công ty hàng hải quốc doanh Vinalines, ông Dương Chí Dũng, đã đưa ra một lời tố cáo gây sốc.

Phát biểu tại phiên tòa xử người em trai ông về tội giúp ông bỏ trốn ra nước ngoài, ông Dũng nói rằng ông đã hối lộ nửa triệu đôla cho Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ để tránh bị truy tố.

Việc phanh phui những vụ hối lộ như vậy là một ưu tiên của chiến dịch chống tham nhũng mà chính phủ đang thực hiện với cường độ mỗi ngày một tăng.
Ông Dương Chí Dũng, cựu chủ tịch đại công ty hàng hải quốc doanh Vinalines
Ông Dương Chí Dũng, cựu chủ tịch đại công ty hàng hải quốc doanh Vinalines

Những cuộc điều tra trong thời gian qua đã khiến cho mấy mươi quan chức chính phủ lãnh án tù và một số án tử hình, trong đó có ông Dương Chí Dũng, là người đã bỏ trốn sang Campuchia sau khi Vinalines suýt bị phá sản với khoản nợ khoảng 3 tỉ đôla.

Tiến sĩ Alexander Vuving, một nhà nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu An ninh Á châu Thái bình dương, cho biết những sự khó khăn của nền kinh tế Việt Nam đã thu hút sự chú ý của nhiều người tới vấn đề quản lý sai trái và hối lộ tại các công ty quốc doanh và Đảng Cộng Sản đương quyền hiểu rõ sự phẫn nộ của công chúng. Ông Vuving nói:

"Họ thật sự muốn làm một số việc để cho người dân trông thấy nhằm khôi phục sự chính danh của chế độ và cứu chế độ thoát khỏi nạn tham ô. Họ đang dùng những phiên tòa xử tham nhũng để ngăn chận những vụ tham nhũng trong tương lai. Họ cũng dùng những phiên tòa này như một công cụ tuyên truyền để phục hồi niềm tin của công chúng."

Tuy nhiên, một số những người chỉ trích nói rằng chiến dịch thanh trừng này có dính líu nhiều hơn tới một cuộc tranh giành quyền lực trong nội bộ đảng giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Ông Vuving cho rằng Thủ tướng Dũng là người thuộc phe “trục lợi”, những người lợi dụng chức vụ để làm giàu mà không mang lại lợi ích cho xã hội, và chống lại phe này là phe “chống tham nhũng” nằm dưới sự lãnh đạo của ông Trọng, là người đang cầm đầu chiến dịch trấn áp hiện nay. Ông nhận định:

"Tôi tin rằng trong hàng ngũ chóp bu của Đảng Cộng Sản Việt Nam có những người tương đối không bị hoen ố vì tham nhũng, nhưng cũng có những người dính líu hết sức nhiều tới các hành vi tham ô. Vì vậy, trong Bộ Chính trị có cả nước và lửa."

Chiến dịch chống tham nhũng đã truy tố một số quan chức và thương gia nổi tiếng và có liên hệ mật thiết với Thủ tướng Dũng.
Giáo sư Carl A. Thayer
Giáo sư Carl A. Thayer

Giáo sư Carl Thayer của Đại học New South Wales ở Australia cho rằng điều này cho thấy chiến dịch hiện nay dính líu tới sự hiềm khích chính trị nhiều hơn là tới mục tiêu cải thiện công tác điều hành việc nước. Giáo sư Thayer nhận định:

"Việc bài trừ tham nhũng thật ra là nhắm tới ông thủ tướng vì ông ấy chịu trách nhiệm và những người tay chân cùng với bạn bè của ông ấy chính là những người được hưởng lợi từ những vụ tham nhũng."

Tuy những phiên tòa xử tội tham nhũng đã được giới truyền thông tường thuật cặn kẽ, nhưng có ít dấu hiệu cho thấy việc này làm cho người dân tin là chính phủ thật sự muốn diệt trừ tham nhũng.

Ông Jairo Acuca-Alfaro, Cố vấn chính sách về cải cách hành chánh công và chống tham nhũng của Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam, nói rằng để làm cho dân chúng tin tưởng, giới hữu trách cần phải thay đổi cách hành xử của các quan chức cấp thấp, những người tiếp xúc hàng ngày với dân chúng. Ông nói:

"Tất cả những vụ án đang được bàn tới là những việc xa vời đối với người dân bình thường. Điều mà người dân Việt Nam mong muốn là có một guồng máy hành chánh trong sạch, không có tệ nạn lạm quyền, không có thái độ thiếu tôn trọng người dân. Để thực hiện được mục tiêu, có một số việc phải làm để giải quyết vấn đề tưởng lệ, để các quan chức chính phủ bàn thảo công khai và minh bạch về những sự tưởng lệ đó, về những gì họ sẽ nhận được từ khu vực công và sau đó họ sẽ chỉnh đốn công việc."
Nhà hoạt động chống tham nhũng Lê Hiền Đức (giữa) trong một cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội
Nhà hoạt động chống tham nhũng Lê Hiền Đức (giữa) trong một cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội

Bà Lê Hiền Đức, 82 tuổi, là một người tranh đấu chống tham nhũng nổi tiếng. Mỗi ngày bà nhận được hàng chục lá thư của những người xin giúp đỡ từ khắp nơi trong nước. Bà cho biết bà đang theo dõi sát vụ án Vinalines. Bà nói:

"Về luật thì tôi không biết là tội gì thì tử hình, tội gì thì 20 năm tù, 15 năm tù. Về luật thì tôi không nắm, tôi không quan tâm. Nhưng mà, tôi thì tôi nghĩ rằng làm hại cho đất nước không thể được.

Bà Đức nói thêm rằng không nên để cho những vụ án này che mờ mục tiêu lớn hơn là bài trừ tham nhũng tận gốc rễ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG