Đường dẫn truy cập

Các tổ chức nhân quyền tiếp tục gây áp lực đối với Bắc Triều Tiên


Phúc trình của ủy ban điều tra LHQ ghi nhận một mạng lưới các nhà tù chính trị tại Bắc Triều Tiên, giam giữ 120.000 người, và một danh sách các hành vi tàn ác.
Phúc trình của ủy ban điều tra LHQ ghi nhận một mạng lưới các nhà tù chính trị tại Bắc Triều Tiên, giam giữ 120.000 người, và một danh sách các hành vi tàn ác.

Đầu tuần này, một nhà điều tra cao cấp của Liên hiệp quốc về nhân quyền đã họp với các nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên để bàn về một chuyến viếng thăm có thể được thực hiện để đánh giá tình hình nhân quyền của nước này. Cuộc thương thuyết diễn ra giữa lúc Bắc Triều Tiên tìm cách ngăn chận Liên hiệp quốc đưa vấn đề nhân quyền của nước này ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế. Thông tín viên Brian Padden của đài VOA ở Seoul có bài tường thuật về phản ứng của các tổ chức nhân quyền.

Các cuộc gặp gỡ trong tuần này giữa nhà điều tra nhân quyền Marzuki Darusman và các nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên diễn ra sau cuộc điều tra có tính cách đột phá của ông Darusman về tình hình nhân quyền tồi tệ của nước này.

Phúc trình của ủy ban điều tra Liên hiệp quốc, được công bố trước đây trong năm, ghi nhận một mạng lưới các nhà tù chính trị tại Bắc Triều Tiên, giam giữ 120.000 người, và một danh sách các hành vi tàn ác bao gồm “thủ tiêu, giết người, bắt làm nô lệ, tra tấn, bỏ tù, hiếp dâm, cưỡng bách phá thai và những bạo động tình dục khác.”

Bà Joanna Hosaniak, Phó giám đốc của tổ chức Liên minh Công dân vì Nhân quyền Bắc Triều Tiên, đã hợp tác với nhà điều tra Liên hiệp quốc để ghi lại những chi tiết của những vụ chà đạp nhân quyền ở Bắc Triều Tiên. Bà nói đây là một loại bạo hành có hệ thống và được đặt căn cứ trên mức độ trung thành đối với nhà cầm quyền tại Bình Nhưỡng.

Hàng ngàn người Bắc Triều Tiên có thể bị xem như thù nghịch vì những thân nhân trong gia đình họ trong quá khứ đã chống đối chế độ hay bị chế độ ruồng bỏ. Những người này bị đưa đến các trại lao động để làm việc từ 16 đến 18 giờ một ngày và được cấp những khẩu phần ít ỏi.

Bà Hosaniak nói: “Nhiều tù nhân chết trong vòng năm đầu tiên sau khi được đưa đến trại giam vì theo lời các tù nhân, cần phải có thời gian để cơ thể thích ứng với lao động nặng nhọc và mức dinh dưỡng họ được cung cấp. Thậm chí những thức ăn họ nhận được cũng chẳng có giá trị dinh dưỡng.”

Ông Phil Robertson, Phó giám đốc bộ phận châu Á của tổ chức Human Rights Watch nói phúc trình của ủy ban điều tra Liên hiệp quốc cho thấy một mức độ tàn ác chưa từng thấy kể từ thời các trại tập trung của Đức Quốc Xã trong Thế chiến Thứ hai, và điều này cần có sự đối phó thống nhất của quốc tế.

Ông Robertson nói: "Ủy ban điều tra đã nói rất rõ là những vụ vi phạm nhân quyền này không có gì có thể sánh bằng trong 30, 40 năm qua. Điều này cho thấy Liên hiệp quốc phải quay lại với mục đích ban đầu là ngăn ngừa những hành vi tàn ác hàng loạt.”

Các tổ chức nhân quyền ủng hộ những khuyến cáo của ủy ban là đưa các giới chức Bắc Triều Tiên, kể cả nhà việc đưa ông Kim Jong Un ra xét xử Tòa án Hình sự Quốc tế về những tội ác này.
Các tổ chức nhân quyền ủng hộ những khuyến cáo của ủy ban là đưa các giới chức Bắc Triều Tiên, kể cả nhà việc đưa ông Kim Jong Un ra xét xử Tòa án Hình sự Quốc tế về những tội ác này.

Các tổ chức nhân quyền đã mạnh mẽ ủng hộ những khuyến cáo của ủy ban là đưa các giới chức Bắc Triều Tiên, kể cả việc đưa nhà lãnh đạo Kim Jong Un, ra xét xử Tòa án Hình sự Quốc tế về những tội ác này.

Các nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên đã bác bỏ những tố cáo đó. Họ nói bản phúc trình của Liên hiệp quốc là sự tập hợp của những lời nói dối, bịa đặt và bôi nhọ.

Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc sẽ bỏ phiếu về vấn đề vào ngày 18 tháng 11. Ngay cả trong trường hợp đa số các nước bỏ phiếu truy tố các giới chức Bắc Triều Tiên, biện pháp này chắc chắn sẽ bị Trung Quốc hay Nga phủ quyết khi được chuyển lên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, bà Hosaniak nói phúc trình đã thành công trong việc làm cho thế giới chú ý đến những vi phạm nhân quyền tại Bắc Triều Tiên.

Và phúc trình này cũng làm cho Bắc Triều Tiên lo ngại và họ đang thảo luận về việc có thể cho phép một nhà điều tra nhân quyền Liên hiệp quốc nhập cảnh Bắc Triều Tiên lần đầu tiên, nếu Liên hiệp quốc từ bỏ ý định truy tố các giới chức Bình Nhưỡng.

Bà Hosaniak cho biết: "Đây là việc khiến cho họ phải hành động, họ rất lo ngại về quan điểm của toàn thể cộng đồng thế giới là họ có thể phải nhận lãnh trách nhiệm đối với những tội phạm này.”

Ông Robertson nói đây là bước đầu tiên, có kết quả tốt, nhưng còn nhiều việc cần phải làm.

“Khi có sức thúc ép thật sự, khi có mối nguy thật sự là các nhà lãnh đạo tại Bắc Triều Tiên phải nhận lãnh trách nhiệm, chính phủ sẽ phản ứng. Nhưng tôi không hề tin là chúng ta sẽ thấy được có sự cam kết đáng kể về việc cải cách để nhân quyền được thật sự tôn trọng.”

Các nhà hoạt động này nói đây chỉ là bước đầu của một chiến lược nhằm tiếp tục gia tăng áp lực đối với Bắc Triều Tiên để đòi họ phải thay đổi và đánh đi một tín hiệu là các giới chức dính líu tới những vụ vi phạm nhân quyền sẽ bị buộc phải chịu trách nhiệm.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG