Đường dẫn truy cập

Các công ty bán lẻ trên thế giới kiểm tra công xưởng ở Bangladesh


Công nhân sản xuất hàng dệt may tại một nhà máy ở ngoại ô Dhaka, Bangladesh.
Công nhân sản xuất hàng dệt may tại một nhà máy ở ngoại ô Dhaka, Bangladesh.
Hơn 70 công ty bán lẻ toàn cầu đang xúc tiến kế hoạch kiểm tra các xưởng may ở Bangladesh, vài tháng sau khi hơn 1.100 người thiệt mạng trong vụ sập xưởng ở Dhaka. Từ trung tâm tin tức Nam Á của đài VOA ở New Dehli, thông tín viên Aru Pande gởi về bài tường thuật sau đây.

Hơn 10 năm nay, bà Kalpona Akter đã không ngừng tranh đấu cho quyền lợi của 3 triệu rưỡi công nhân Bangladesh, những người phải làm việc nhiều giờ mỗi ngày ở những công xưởng chật chội và thường là thiếu an toàn để sản xuất quần áo và các mặt hàng dệt may khác cho những đại công ty thời trang trên khắp thế giới.

Từ khi xảy ra thảm họa hồi tháng tư, trong đó hàng trăm công nhân dệt may bị chôn vùi trong đống đổ nát của tòa nhà Rana Plaza, vị nữ giám đốc của Trung tâm Đoàn kết Công nhân Bangladesh đã tìm cách đòi bồi thường cho nạn nhân và gia đình của họ, trong lúc bà tiếp tục khuyến khích những người lao động gióng lên tiếng nói của mình.

Bà Kalpona nói: "Chúng tôi tiếp xúc với họ hàng ngày để biết tình trạng của công xưởng của họ ra sao, họ có cảm thấy an toàn hay không, hay có điều gì cần phải làm và để nói cho họ biết cách lên tiếng báo động khi họ trông thấy có vết nứt trong tòa nhà công xưởng."

Bà Akter cho biết công việc của bà hiện nay đã trở nên thuận lợi hơn nhờ vào sự chú ý và áp lực của các công ty bán lẻ toàn cầu kể từ khi tai nạn gây nhiều chết chóc nhất xảy ra cho công nghiệp dệt may 20 tỉ đô la của Bangladesh.

Hồi đầu tuần này, gần 70 đại công ty bán lẻ, phần lớn là các công ty ở Âu châu, đã ký một thỏa thuận 5 năm và loan báo những bước tiến kế tiếp để nâng cao tiêu chuẩn an toàn và phòng chống hỏa hoạn tại các công xưởng ở Bangladesh sản xuất quân áo cho họ.

Kế hoạch, nằm dưới sự lãnh đạo của các công đoàn toàn cầu IndustriALL và UNI, bao gồm việc kiểm tra tất cả các công xưởng trong vòng 9 tháng để xác định những mối nguy hiểm nghiêm trọng, công khai báo cáo kết quả kiểm tra và thực thi một kế hoạch bồi thường cho công nhân của những xưởng may phải đóng cửa để sửa chữa. Số tiền để cải thiện an toàn sẽ được cung cấp bởi các công ty bán lẻ ký kết thỏa thuận.

Giám đốc về Sức khỏe, An toàn và Bền vững của công đoàn IndustriALL, ông Brian Kohler, cho biết đây là lần đầu tiên các công ty bán lẻ ký kết loại hợp đồng có tính ràng buộc pháp lý để cải thiện tiêu chuẩn này.

Ông Kohler cho biết: "Tôi nghĩ rằng đây thật sự là một sự kiện xoay chuyển tình hình. Đây không phải chỉ là một thỏa thuận tự nguyện khác nữa. Nó cũng không phải là chương trình về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp mà chúng ta thường thấy. Đây là một thỏa thuận thật sự với những cam kết thật sự."

Nhà tranh đấu Kalpona Akter ở Bangladesh hoan nghênh kế hoạch này, nhưng bà cũng bày tỏ hy vọng là sẽ có thêm các công ty bán lẻ ở Mỹ tham gia ký kết.

Một số công ty, trong đó có đại công ty Walmart và công ty Gap, đã loan báo các kế hoạch riêng của họ nhằm cải thiện tiêu chuẩn an toàn và phòng chống hỏa hoạn tại các công xưởng ở Bangladesh. Nỗ lực này được lãnh đạo bởi hai nhà lập pháp nổi tiếng của Mỹ, nhưng ngững người chỉ trích nói rằng kế hoạch này không có được tính chất minh bạch và sự giám sát của kế hoạch do Âu châu dẫn đầu.

Về việc này bà Akter cho biết như sau: "Tôi nghĩ rằng các công ty bán lẻ của Mỹ, những công ty không ký kết thỏa thuận, thật sự không quan tâm gì tới những người lao động này. Họ vẫn chỉ nghĩ tới tiền lời của họ mà thôi. Vì vấn đề lợi nhuận mà họ không ký."

Tuy vậy, bà Akter cũng nói thêm rằng việc duy trì một môi trường làm việc an toàn cho công nhân dệt may ở Bangladesh không phải chỉ là trách nhiệm của các công ty bán lẻ toàn cầu mà còn là trách nhiệm của những người chủ công xưởng và giới hữu trách ở Dhaka.

Sau các cuộc đàm phán hồi đầu tuần này ở Geneve, Liên hiệp Âu châu và các giới chức Bangladesh đã loan báo một kế hoạch chung để chính phủ tăng cường quyền điều đình của công nhân và tuyển dụng thêm 200 nhân viên kiểm tra công xưởng.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG