Đường dẫn truy cập

Bộ luật mới làm gia tăng căng thẳng giữa Việt Nam, Trung Quốc


Hải quân Việt Nam tuần tra trên quần đảo Trường Sa
Hải quân Việt Nam tuần tra trên quần đảo Trường Sa
Luật Biển của Việt Nam, thông qua tuần trước, đã châm ngòi cho một đợt căng thẳng nữa với Trung Quốc có liên quan đến lãnh hải đang có tranh chấp ở Biển Ðông. Từ Hà Nội, thông tín viên VOA Marianne Brown gởi về bài tường thuật sau đây.

Khi Quốc Hội Việt Nam thông qua Luật biển vào ngày 21 tháng này, Trung Quốc đã có phản ứng tức thời và quyết liệt.

Bộ luật xác nhận những khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, vùng đất được cho là giàu trữ lượng khoáng chất và dầu hỏa, mà lân quốc lớn hơn cũng đòi chủ quyền. Bắc Kinh nói luật này là bất hợp pháp và đã triệu tập đại sứ Việt Nam Nguyễn văn Thơ đến để phản đối.

Các chuyên gia phân tích nói rằng hành động này hướng nhiều vào việc thu hút công luận Việt Nam hơn là vào gây khó chịu cho Trung Quốc. Năm ngoái, hàng trăm người biểu tình đã xuống đường trong nhiều tuần lễ trong những cuộc phản đối hiếm khi xảy ra tại Việt Nam, để chống lại thái độ hung hăng của Trung Quốc nhắm vào các tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam.

Ông Nguyễn Quang Thạch, một cư dân Hà Nội, đã tham dự các cuộc biểu tình năm ngoái. Ông nói ông hoan nghênh bộ luật mới.

Ông Thạch cho biết: “Tôi rất hài lòng bởi vì chúng ta biết được sự phân định lãnh hải và đó là một cách tốt để gửi một thông điệp cho các nước khác là chúng ta có luật pháp và luật lệ.”

Vụ đối đầu với Trung Quốc đã mau chóng leo thang. Cùng ngày Việt Nam thông qua Luật Biển, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo đã tăng mức độ quản trị trên ba nhóm đảo trong vùng Biển Ðông lên cấp quận, đặt dưới sự kiểm soát của thành phố Tam Sa.

Trụ sở chính quyền sẽ ở trên đảo Woody, thuộc quân đảo Hoàng Sa, một khu vực mà Trung Quốc đã chiếm từ tay của chính quyền lúc đó là Nam Việt Nam vào năm 1974.

Thành phố Tam Sa đã được hình thành một thời gian, theo bà Jennifer Richmond, giám đốc ở Trung Quốc của công ty chuyên gia an ninh Stratfor, một cách để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa ra phản ứng về bộ luật mới của Việt Nam.

Bà Richmond nói: “Thành phố Tam Sa không phải là một khái niệm mới. Thực ra theo tôi họ đã bắt đầu nghĩ tới việc này từ hồi thập niên 1950 và 1960. Như vậy điều họ làm là họ đã luôn có một khu vực hành chính cấp quận. Ðiều họ đang tìm cách thực hiện lúc này là biến nó thành một cơ quan hành chính cấp quận kèm theo việc đòi chủ quyền.”

Bà Richmond nói thông cáo được đưa ra như một phản ứng đối với bộ luật mới, nhưng không hướng hoàn toàn vào Việt Nam. Thay vì thế, bà nói một phần đó là một hành động ngoại giao nhắm vào công chúng Trung Quốc vào lúc nước này đang chuẩn bị cho một cuộc chuyển tiếp lãnh đạo.

Phó chủ tịch Tập Cận Bình dự trù sẽ tiếp quản chức vụ lãnh đạo đảng Cộng Sản của ông Hồ Cẩm Ðào vào cuối năm nay. Trong khi đó, mối quan tâm chính của chính phủ là duy trì sức mạnh và được coi như là thống nhất để bảo đảmg công cuộc chuyển tiếp được càng êm thắm càng tốt. Bà Richmond nói sách lược này không phải chỉ Trung Quốc mới có.

Bà Richmond cho biết: “Việt Nam, Philippines và Trung Quốc, nhất là Việt Nam và Trung Quốc, là bậc thầy trong việc làm như thế. Khi họ có những vấn đề trong nước đè nặng lên họ, nhiều khi họ sẽ tạo ra những tình huống quốc tế để làm nguôi ngoai cho nhà nước.”

Bà nói có nhiều phần chắc sẽ xảy ra thêm các vụ xung đột với Trung Quốc về lãnh hải. Tuy nhiên, bà Richmond nói có phần chắc các xung đột này mang tính nhất thời hơn là thực tế.

Ngay sau thông báo về luật mới của Việt Nam đã xảy ra một vụ xung đột nữa. Hôm thứ bảy, công ty Quốc doanh Dầu khí của Trung Quốc, tức CNOOC, đã mời các công ty nước ngoài đấu thầu về một cuộc thăm dò năng lượng trong 3 lô ở ngoài khơi Việt Nam.

Bộ Ngoại giao Việt Nam gọi động thái này là bất hợp pháp và nói các lô mà Trung Quốc dành ra hoàn toàn nằm trong đặc khu kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam, do Luật Biển của Liên Hiệp Quốc quy định.

Bà Richmond nói các hành động đã gây thêm căng thẳng, nhưng nằm trong một khuôn thức quá quen thuộc của những lời hăm dọa qua lại và nâng cao mức độ tranh cãi.

VOA Express

XS
SM
MD
LG