Đường dẫn truy cập

Blogger VN trao Tuyên bố phản đối điều luật 258 cho đại sứ quán Đức


Blogger Hiền Giang Phương Bích trao Tuyên bố 258 cho đại diện Đại sứ quán Đức ông Felix Schwarz và Jonas Koll
Blogger Hiền Giang Phương Bích trao Tuyên bố 258 cho đại diện Đại sứ quán Đức ông Felix Schwarz và Jonas Koll
please wait

No media source currently available

0:00 0:04:46 0:00
Tải xuống

Cuộc quốc tế vận phản đối điều luật 258 do Mạng lưới Blogger Việt Nam khởi xướng tiếp tục lan rộng với chặng dừng chân tại đại sứ quán Đức hôm nay.

Bất chấp các nỗ lực ngăn cản của an ninh, 5 đại diện của Mạng lưới Blogger Việt sáng ngày 28/8 có buổi gặp với giới chức tòa đại sứ Đức ở Hà Nội, trao Tuyên Bố 258 kêu gọi thế giới tăng cường áp lực buộc nhà nước Việt Nam hủy bỏ điều luật trong Bộ luật Hình sự quy định tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước”.
Ông Felix Schwarz, đại diện Đại sứ quán Đức và blogger Hư Vô
Ông Felix Schwarz, đại diện Đại sứ quán Đức và blogger Hư Vô

Cô Đào Trang Loan, tức blogger Hư Vô, một thành viên trong nhóm, nói với VOA Việt ngữ:

“Sáng nay khi chúng tôi tập trung đi đến đại sứ quán Đức, xung quanh đại sứ quán rất nhiều an ninh mật vụ rải rác ở công viên Trần Phú đối diện. Có một số blogger đã bị chặn ngay tại nhà. Blogger Nguyễn Đình Hà bị chặn ngay trước cổng không cho ra khỏi nhà và Nguyễn Chí Đức bị mời lên công an phường làm việc, mới được thả về khoảng 5 giờ chiều nay.”

Tin tức phổ biến trên các trang mạng xã hội nói cuộc gặp giữa các nữ blogger gồm Phương Bích, Sông Quê, Lan Lê, An Đổ Nguyễn, và Hư Vô với ông Felix Schwarz, tham tán chính trị, và ông Jonas Koll, Bí thư thứ nhất phụ trách văn hóa, báo chí, và chính trị của đại sứ quán Đức diễn ra trong hai giờ đồng hồ xoay quanh các mối quan ngại về tình hình vi phạm nhân quyền tại Việt Nam.

Blogger Hư Vô cho biết thêm chi tiết:

“Cuộc gặp diễn ra rất tốt đẹp. Đại sứ quán Đức hỏi thăm chúng tôi về nhân quyền Việt Nam. Điều 258 giống như một chiếc dây treo cổ mà chính quyền Việt Nam dùng để chụp mũ để bắt bớ bất cứ ai trong khi điều luật này rất mơ hồ. Năm blogger chúng tôi hôm nay tại đại sứ quán Đức trao đổi về vấn đề đó và có nói thêm về Nghị định 72, nhờ họ lên tiếng thêm giúp chúng tôi vì tiếng nói của người dân Việt Nam nhà cầm quyền không nghe. Vì vậy, chúng tôi phải nhờ đến đại sứ quán Đức để yêu cầu chính quyền Việt Nam xóa bỏ điều luật 258 này. Đại sứ quán Đức ủng hộ và nhận lời sẽ lên tiếng cho các blogger Việt Nam về điều này.”

Các blogger cho biết đại sứ quán Đức đánh giá cao cuộc quốc tế vận đầu tiên của giới blogger Việt Nam với bản Tuyên bố 258 và hứa hẹn sẽ giúp vận động đưa Tuyên bố này ra trước phiên họp của Liên hiệp quốc Đánh giá Định kỳ Phổ quát về Nhân quyền (gọi tắt là UPR) vào đầu năm sau tại Geneva.

Vẫn theo nguồn tin này, tòa đại sứ Đức nói sẽ hợp tác với Liên hiệp Châu Âu kêu gọi Việt Nam hủy bỏ điều luật 258 và các điều luật vi phạm nhân quyền của công dân.

Giới bảo vệ nhân quyền quốc tế tố cáo Việt Nam lạm dụng các điều luật có nội dung bao quát, mơ hồ như 258 để bắt bớ, giam cầm những ngòi bút chỉ trích nhà nước chỉ vì họ thực thi quyền tự do ngôn luận một cách ôn hòa.

Thời gian gần đây có 3 blogger bị bắt vì điều 258 gồm Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào, và Đinh Nhật Uy.

Cuộc vận động của Mạng lưới Blogger Việt Nam đã đưa Tuyên bố 258 tới các cơ quan bảo vệ nhân quyền trên thế giới trong đó có Cao ủy Nhân quyền Liên hiệp quốc, Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch, Uỷ ban Luật gia Quốc tế, Uỷ ban bảo vệ ký giả, Liên minh báo chí Đông Nam Á..v…vv.

Ngoài các sứ quán đã đến như Hoa Kỳ, Thụy Điển, Australia, và Đức, các blogger cho biết Tuyên bố 258 này sẽ tiếp tục được chuyển đến các nước có cơ quan ngoại giao tại Việt Nam.

Cuộc vận động đòi quyền tự do ngôn luận của giới blogger Việt Nam diễn ra trong lúc một luật lệ mới ban hành của Việt Nam về quản lý internet đang gặp chỉ trích mạnh mẽ từ quốc tế.

Liên minh về Quyền tự do Trên mạng, một tổ chức liên chính phủ gồm 21 quốc gia, đầu tuần này ra Bản Lên Tiếng bày tỏ quan ngại và chỉ trích Nghị định 72 của Việt Nam là hạn chế thông tin và giới hạn việc chia sẻ tin tức.

Bản Lên Tiếng chung của Liên minh nói Nghị định 72 không phù hợp với nghĩa vụ của Việt Nam đối với Công ước Quốc tế về Quyền chính trị và Dân sự cũng như các cam kết của Việt Nam với bản Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân quyền.

VOA Express

XS
SM
MD
LG