Một số trí thức bày tỏ trên mạng những ‘lời tâm huyết’ và bức xúc về cuộc tổng tuyển cử bầu Đại biểu Quốc hội khóa 14 và Đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 sẽ được tổ chức trên toàn quốc vào ngày mai (22/5).
Nhà thơ Bùi Chí Vinh vừa đăng trên trang cá nhân bài thơ mang tựa đề ‘Chúng tôi không bầu cho một thể chế xa dân’, trong đó có những câu:
Xin lỗi, tôi không trao cho ai quyền đại diện của tôi
Tôi là một “nhân dân nhỏ” giữa đồng bào “nhân dân lớn”
Tôi sống như cỏ cây giữa mưa chiều, nắng sớm
Không biết nói lời xảo ngôn, không thay màu đổi sắc tắc kè
Nhà thơ cho VOA Việt Ngữ biết từ trước tới nay ông không tham gia bầu cử, lý do là vì:
“Tôi không quan tâm đến chuyện này. Trước giờ vẫn không quan tâm, suốt cả chục năm nay rồi. Tôi chỉ quan tâm khi nào mà cuộc bầu cử mà người dân được quyền tự do bỏ phiếu, được quyền tự do chọn lựa người mình yêu mến, thì lúc đó tôi mới quan tâm. Còn cái này là hoàn toàn chỉ định, thành ra tôi không để ý”.
Chánh văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc hôm qua (20/5) cho biết sẽ có hơn 69 triệu cử tri Việt Nam trên toàn quốc tham gia cuộc tổng tuyển cử vào ngày mai, được chia ra gần 91.500 tổ bầu cử.
Báo chí chính thống trong nước ngày hôm nay đăng tải nhiều thông tin mang tính cổ vũ người dân đi bỏ phiếu cho ‘ngày hội lớn’ hay còn gọi là ‘ngày hội non sông’. Nhưng những nỗ lực trên dường như không khiến người dân quan tâm hơn đến bầu cử. Nhà thơ Bùi Chí Vinh cho biết:
“Tôi thấy hờ hững nhiều hơn. Tôi thấy trong lứa tuổi tôi trong giới văn nghệ, giới trí thức, giới cầm bút mà tôi tiếp xúc nhiều thì tôi thấy họ rất hờ hững với vấn đề này. Còn công nhân, nông dân thì tôi không tiếp xúc nhiều với họ, nhưng mà tôi biết rằng họ vẫn lo làm việc và sống. Nếu mà người ta đi bầu thì là chuyện cưỡng ép thôi, tức là tổ an ninh, tổ dân phố từ hệ thống phường, xã đến tận thôn, xóm, gần như là áp lực bắt người ta phải đến phòng đầu phiếu bầu cử. Còn người ta có gạch, hoặc xóa luôn, hoặc bỏ phiếu trắng thì đó là quyền của họ. Người ta làm điều đó vì để tránh hệ thống an ninh theo dõi họ thôi. Người dân người ta buộc phải làm như vậy”.
Trong khi đó, thông tin ‘lề trái’ từ công luận xuất hiện những lời kêu gọi ‘tẩy chay’ bầu cử hay ‘bầu cử là quyền, không phải là nghĩa vụ’, kêu gọi người dân hãy ý thức hơn về lá phiếu của mình.
Một số nhà hoạt động, vận động xã hội dân sự tại Việt Nam, cho biết họ đã được nhà chức trách mời làm việc trước khi ngày bầu cử diễn ra. Một trong số những người đó là anh Nguyễn Chí Tuyến ở Hà Nội. Anh Tuyến cho VOA biết:
“Tối hôm qua tôi nhận được giấy mời. Trong giấy mời, họ ghi lý do là làm việc về an ninh của cuộc bầu cử. Tôi bảo tôi chỉ là cử tri thôi và tôi có quyền đi bầu. Tôi đi hay không là quyền của tôi. Còn an ninh là chuyện của những người làm công tác giữ gìn trật tự an ninh mùa bầu cử. Đấy là việc của họ. Tôi chả có việc gì phải làm việc với họ và tôi từ chối tôi không đi (họp)”.
Anh Tuyến nói “Giấy mời” làm việc đã khiến anh phải thay đổi ý định đi tham gia bầu cử của mình vì những quan ngại về an ninh cá nhân.
“Thực ra, tôi định đi bầu để thực hiện cái quyền của mình và điều quan trọng là muốn ra quan sát xem việc người dân đi bầu cử như thế nào, có đúng, có nghiêm túc không, nhưng việc họ gửi giấy mời làm việc liên quan đến an ninh của việc bầu cử thì tôi lại nghĩ lại. Bởi vì gần đây Đài truyền hình Việt Nam và một số đài truyền hình khác họ đang tiến hành một chiến dịch bôi nhọ chúng tôi, lấy hình ảnh và tên tuổi chúng tôi, họ cáo buộc chúng tôi kích động thế nọ thế kia, chụp mũ những tội danh rất nặng nề. Thế thì ngược lại, tôi suy nghĩ là phía an ninh Việt Nam họ không quân tử như những người như chúng tôi được, mà họ có thể đang giăng bẫy, họ có thể tạo những cái cớ rất bất ngờ mà tôi không tưởng tượng nổi, nên tôi nghĩ rằng tốt nhất là tránh xa ra, không dây với hủi. Cho nên ngày mai tôi sẽ quyết định tẩy chay, tôi không đi bầu cử nữa”.
Các lực lượng chức năng được cho biết đã chuẩn bị kỹ lưỡng để giám sát chặt chẽ tình hình trật tự, an ninh được thắt chặt ở các khu vực biên giới và những vùng sâu vùng xa, nơi có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống nhằm ‘phòng chống âm mưu phá hoại cuộc bầu cử’. Những khu vực này đã được bố trí để tiến hành bầu cử sớm vào sáng sớm hôm nay.