Đường dẫn truy cập

Bầu cử Đài Loan trắc nghiệm quan hệ với TQ


Ông Ko Wen-je, ứng cử vào chức thị trưởng Đài Bắc, nói chuyện trước cuộc bầu cử, 27/11/14
Ông Ko Wen-je, ứng cử vào chức thị trưởng Đài Bắc, nói chuyện trước cuộc bầu cử, 27/11/14

Cử tri Đài Loan sẽ chọn các nhà lãnh đạo thành phố và huyện trong cuộc bầu cử vào thứ Bảy tuần này. Nếu Quốc Dân Đảng đương quyền bị mất ghế, điều đó có thể là dấu hiệu cho thấy người dân Đài Loan muốn có thay đổi, kể cả việc duyệt lại nỗ lực cải thiện quan hệ với Trung Quốc mà Quốc Dân Đảng theo đuổi trong nhiều năm qua.

Cử tri Đài Loan thứ Bảy tuần này sẽ chọn các vị thị trưởng và huyện trưởng trong cuộc bầu cử được xem là phong vũ biểu của sự ủng hộ đối với Quốc Dân Đảng, là đảng đương quyền đã ký kết nhiều hiệp định thương mại với Trung Quốc. Sự thất bại của Quốc Dân Đảng trong cuộc bầu cử này sẽ giúp cho đảng đối lập chính được dễ dàng hơn để giành phần thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2016 và gây rủi ro cho mối quan hệ với Trung Quốc.

Ông Ross Feingold, cố vấn cấp cao ở Đài Bắc của công ty tư vấn rủi ro chính trị DC International Advisory, cho biết chính sách về Trung Quốc là một yếu tố trong các cuộc bầu cử ở Đài Loan, kể cả những cuộc bầu cử cấp địa phương. Ông nói:

"Thông thường thì chúng ta thấy những cuộc bầu cử địa phương dính líu tới vấn đề chính trị địa phương, nhưng ở Đài Loan thì các cuộc bầu cử địa phương từ trước tới nay lúc nào cũng liên quan tới những vấn đề có tính chất rộng lớn hơn ở cấp quốc gia hay những vấn đề về các mối quan hệ xuyên eo biển."

Sau hơn 50 năm có thái độ thù nghịch đối với Đài Loan, Trung Quốc đã bắt đầu thương thuyết các hiệp định về thương mại, đầu tư và vận tải với Tổng thống Mã Anh Cửu từ năm 2008 trong lúc Quốc Dân Đảng của ông muốn tăng cường sự giao tiếp với Hoa Lục.

Cuộc đối thoại đó đã thế chỗ cho sự theo đuổi mục tiêu độc lập về pháp lý.
Bắc Kinh xem đảo quốc tự trị Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình kể từ khi cuộc nội chiến Quốc-Cộng kết thúc năm 1949. Kinh tế Đài Loan cũng được tăng cường đáng kể nhờ vào 21 hiệp định kinh tế đã ký kết với Hoa Lục từ đó tới nay.

Quốc Dân Đảng đang chật vật tranh đua tại chín huyện và thành phố với Đảng Dân Tiến. Đảng đối lập này lâu nay vẫn có những quan điểm dè dặt về mối quan hệ với Trung Quốc, và trong thời gian nắm quyền từ năm 2000 đến năm 2008, họ đã làm cho Bắc Kinh tức giận qua việc hô hào cho Đài Loan có được sự độc lập pháp lý, chính thức tách khỏi Trung Quốc.

Những khẩu hiệu vận động bầu cử phát đi từ loa phóng thanh trên xe tải nhỏ là những âm thanh mà người dân Đài Loan đã nghe hầu như suốt ngày trong tháng này, khi có tới 19.762 người ghi danh làm ứng cử viên.

Bà Lôi Tình, người đứng đầu tổ chức nghiên cứu có tên Trung Hoa Thế Kỷ 21, cho biết Quốc Dân Đảng phải thắng trong cuộc bầu cử này mới có thể có được sự tự tin trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Bà cũng nói rằng Trung Quốc hiện nay không nghiêng về đảng nào:

"Nếu Quốc Dân Đảng thua, họ sẽ tiến vào cuộc bầu cử năm 2016 trong bối cảnh của một guồng máy hành chính thật sự yếu kém, tinh thần bị suy sụp và không có đủ sự hậu thuẫn ở địa phương; và do đó, năm 2016 sẽ rất khó khăn cho Quốc Dân Đảng. Tôi nghĩ rằng Hoa Lục đã dần dần hiểu được là cách tốt nhất để họ quyết định về vấn đề nên giao tiếp với phe nào là đợi cho đến khi nào cử tri ở Đài Loan đã quyết định xong."

Quốc Dân Đảng đang đối mặt với những thách thức lớn, trong đó có tỉ lệ ủng hộ dành cho Tổng thống Mã Anh Cửu ở mức thấp và tâm lý chống chính phủ còn sót lại từ những cuộc biểu tình phản kháng qui mô lớn hồi tháng Ba và tháng Tư. Khi đó, hàng ngàn người đã xông vào chiếm trụ sở quốc hội và ngăn chận đường sá ở Đài Bắc để phản đối việc chính phủ Quốc Dân Đảng ký kết những hiệp định thương mại với Trung Quốc. Tổng thống Mã Anh Cửu nói rằng nhờ những hiệp định đó mà thương mại của Đài Loan được tăng cường, đầu tư nước ngoài gia tăng, dân chúng có thêm công ăn việc làm, và số du khách đến Đài Loan mỗi ngày một nhiều.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG