Một tờ báo địa phương ở trong nước đã cho đăng bài viết có tựa đề “26 năm sau vụ thảm sát Thiên An Môn: Những hồi ức bị cấm đoán”, trong khi hàng trăm tờ báo khác đồng loạt im tiếng.
Bài trên trang web của báo Nghệ An viết rằng “ngày 4/6/2015 đánh dấu 26 năm kể từ vụ trấn áp tàn bạo của Trung Quốc tại Thiên An Môn nhưng các du khách tới thăm quảng trường này sẽ khó có thể tìm thấy các biển chỉ dẫn hay đài tưởng niệm ghi dấu một cuộc nổi loạn với đông đảo sự tham gia của dân chúng từng diễn ra tại nơi đây".
"Chính phủ Trung Quốc đã không ngừng nỗ lực trong suốt hơn ¼ thế kỷ qua nhằm cấm đoán các hoạt động tưởng niệm và tuần hành của dân chúng để tưởng nhớ hàng chục nghìn người đã thiệt mạng trong sự kiện lịch sử này”, tờ báo viết tiếp.
“Các cuộc tuần hành đông đảo đòi cải cách dân chủ đã được sinh viên Trung Quốc khởi xướng tại quảng trường này từ tháng 4/1989, sau cái chết của một thành viên theo chủ nghĩa tự do trong Đảng Cộng sản, ông Hồ Diệu Bang, vốn ủng hộ mạnh mẽ các cải cách”.
“Các sinh viên này đã tụ tập tại quảng trường và ở đó trong 3 ngày sau khi Hồ Diệu Bang qua đời. Đám đông lớn dần và lên đến 100.000 người tham gia đám tang cấp nhà nước của nhà lãnh đạo này,” báo Nghệ An viết.
Tờ báo còn cho đăng bức ảnh một người biểu tình đứng chặn đoàn xe tăng của quân đội Trung Quốc, vốn đã trở thành biểu tượng của cuộc thảm sát Thiên An Môn.
Theo các nhà báo ở trong nước, truyền thông Việt Nam bấy lâu nay vẫn coi vụ Thiên An Môn là một đề tài nhạy cảm, và thường phải tự kiểm duyệt về đề tài này.
Năm ngoái, một số tờ báo Việt Nam đã cho đăng các bài về vụ Thiên An Môn mà các tờ này nói là “vụ thảm sát” và “bi kịch đẫm máu”, nhưng sau đó đã phải rút xuống mà không cho biết lý do.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng cấm thảo luận và đề cập tới cuộc đàn áp Thiên An Môn, và các vấn đề này thường bị kiểm duyệt trên mạng của quốc gia đông dân nhất thế giới.
Các nhà quan sát nhận định rằng trong hai năm trở lại đây, báo chí Việt Nam dường như đã được bật đèn xanh để chỉ trích Trung Quốc vì những hành động lấn lướt trên biển Đông của nước láng giềng này.
Năm ngoái, trong chuyến thăm Việt Nam, một nhân vật cấp cao của Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh muốn “thúc đẩy mối quan hệ Việt - Trung đi đúng hướng”.