Đường dẫn truy cập

Luật cải thiện điều kiện lao động tại xưởng may ở Bangladesh


Ông Akramul Qader, Đại sứ Bangladesh tại Hoa Kỳ
Ông Akramul Qader, Đại sứ Bangladesh tại Hoa Kỳ
Chính phủ Bangladesh và các công ty bán lẻ của nước ngoài đang có những biện pháp cải thiện điều kiện lao động tại các nhà máy dệt may sau nhiều tai nạn trong ngành này. Hôm 15 tháng 7, Quốc hội Bangladesh thông qua luật tăng thêm quyền cho công nhân và cải tiến mức an toàn tại các nhà máy. Còn các công ty bán lẻ của nước ngoài có hai kế hoạch riêng biệt để tăng cường sự an toàn của các nhà máy.

Hơn 1.100 công nhân Bangladesh thiệt mạng hồi tháng Tư khi nhà máy dệt may Rana Plaza đổ sập. Trước sự phẫn nộ của cộng đồng quốc tế, chính quyền Bangladesh đã tìm cách thay đổi luật lao động.

Ông Akramul Qader, đại sứ Bangladesh tại Mỹ nói rằng luật lao động đổi mới sẽ củng cố các quyền của 4 triệu lao động trong ngành dệt may của Bangladesh, phần lớn là phụ nữ. Ông nói:

“Luật mới sẽ cho người lao động quyền lập công đoàn, tiền nghỉ hưu và các quyền lợi khác.”

Bà Kimberly Elliott, chuyên viên Mỹ về thương mại quốc tế nói rằng việc thay đổi luật này có thể tránh được một vụ đổ sập nhà máy khác:

"Sự thay đổi này quả thực tạo ra các bước để cải tổ luật lệ xây dựng các tòa nhà an toàn. Rồi đây, nhà thầu xây dựng sẽ khó lòng kiếm được giấy phép để xây thêm từng cho các tòa nhà. Vấn đề xây thêm từng lầu mà không có giấy phép là vấn đề chính gây ra vụ sụp đổ nhà máy dệt may Rana.”

Đại sứ Qader nói rằng một lý do quan trọng khiến nhà máy Rana sập là vì Banglsdesh không có đủ thanh tra xây dựng, nhất là khi Bangladesh có đến ít nhất 5.000 nhà máy dệt may và chính quyền không nắm vững hết địa điểm các nhà máy này đang ở đâu. Đại sứ Qader nói:

“Các thanh tra xây dựng của chúng tôi không thể đi kiểm tra hết tất cả các nhà máy. Vì thế cho nên bây giờ chúng tôi sẽ có các biện pháp để đảm bảo có đủ thanh tra để họ có thể đi hết các nhà máy và nạp báo cáo, sau đó chính quyền sẽ có hành động.”

Luật mới sửa đổi cũng có những quy định như cấm phân biệt đối xử dựa trên giới tính, tuổi tác, sức khỏe hay có khuyết tật; và luật cũng quy định nguyên tắc cùng làm một công việc thì cùng hưởng mức lương như nhau.

Các nhà máy phải dành ra 5% lơi nhuận để đưa vào một quỹ gọi là Quỹ Phúc Lợi cho công nhân.

Bà Elliott nói rằng một điều khoản quan trong khác, là công nhân không cần phải xin phép chủ nhân để lập công đoàn. Bà cho biết:

“Điều khoản mới có mục đích tránh một vấn đề lớn trước đây, qua đó Bộ Lao động thường chia sẻ thông tin với các chủ nhân nhà máy về những công nhân có lập trường ủng hộ thành lập công đoàn.

Các chủ nhân hay dùng thông tin này để sa thải các công nhân đó, hoặc chuyển họ sang một nhà máy khác. Vấn đề này bây giờ đã tránh được.”

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng luật mới vẫn cho phép các chủ nhân nhà máy gây khó khăn cho việc lập công đoàn, và chính quyền có quyền chấm dứt các cuộc đình công.

Các công ty bán lẻ quần áo của châu Âu mới đây đã có kế hoạch chấp nhận trách nhiệm pháp lý về mặt an toàn và đang tiến hành các cuộc kiểm tra các nhà máy của họ ở Bangladesh.

Còn các công ty bán lẻ quần áo của Mỹ loan báo kế hoạch an toàn riêng biệt, không buộc họ phải chịu trách nhiệm về an toàn.

Nhưng bà Elliott cho biết nói cho cùng thì chính phủ Bangladesh là người phải chịu trách nhiệm sau hết để có những cải tiến nhằm tránh một thảm họa tương tự tại nhà máy dệt may Rana. Bà nói:

“Tôi cho rằng vấn đề lớn nhất ở đây là liệu chính quyền Bangladesh có quyết tâm muốn làm hay không. Thái độ quyết tâm này trước đây chưa được rõ ràng. Nếu quả thực chính quyền Bangladesh có quyết tâm thì sẽ có thay đổi to lớn.”

Bangladesh là nước xuất khẩu hàng dệt may đứng thứ nhì thế giới, sau Trung Quốc. Ngành dệt may mang về ngoại tệ nhiều nhất cho Bangladesh.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG