Đường dẫn truy cập

Bắc Đới Hà: Chọn lựa trỗi dậy hay sụp đổ


Từ trái: Thủ tướng Ôn Gia Bảo, Phó Chủ tịch Tập Cận Bình, và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào
Từ trái: Thủ tướng Ôn Gia Bảo, Phó Chủ tịch Tập Cận Bình, và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào
Cứ 5 năm một lần, vào mùa hè, Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc hiện gồm có 25 người lại họp một cuộc họp mở rộng tại khu nghỉ mát Bắc Đới Hà, bên bờ biển Bột Hải, trong tỉnh Hà Bắc để chuẩn bị cho cuộc Đại Hội đảng thường họp vào cuối năm.

Cuộc họp này đã thành nếp từ thời Mao Trạch Đông, cách nay vừa một nửa thế kỷ.

Bắc Đới Hà có bãi biển đẹp, cát trắng mịn, dài 10 km, bên bờ là rừng thông và rừng liễu, luôn mát mẻ, không khô lạnh như phía Bắc, không nóng ẩm như phía Nam. Tương truyền từ thời xưa, Tần Thủy Hoàng, Hán Vũ Đế, Tào Tháo …đã coi nơi này là khu nghỉ mát lý tưởng.

Nhà Thanh đã xây dựng khu du lịch Bắc Đới Hà tráng lệ hài hòa với thiên nhiên từ năm 1893.

Năm nay, từ ngày 2 và 3 tháng 8 các nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc lần lượt tụ tập tại đây, mở cuộc họp kéo dài hơn 1 tháng để bàn bạc công việc hệ trọng là chuẩn bị nội dung cho Đại hội đảng lần thứ XVIII, sẽ họp tại Bắc Kinh vào cuối tháng 10 tới.

Theo tin của Tân Hoa Xã, ngày 5/8 ông Giang Trạch Dân nguyên tổng bí thư kiêm chủ tịch nước, năm nay 85 tuổi và ông Lý Bằng nguyên thủ tướng, 83 tuổi đã có mặt. Một số trí thức tiêu biểu, nhà nghiên cứu, nhà kinh doanh, nhà du hành vũ trụ …được mời tham dự.

Hai nội dung sẽ được bàn bạc kỹ, một là vấn đề nhân sự, dự kiến những ai có thể sẽ vào ban chấp hành trung ương mới, và nhất là ai sẽ vào bộ chính trị hiện gồm 25 người, và quan trọng hơn nữa là ai sẽ vào ban thường vụ bộ chính trị hiện có 9 người. Hai là trao đổi về nội dung các văn kiện sẽ trình Đại Hội, quan trọng nhất là về đường lối chính trị - kinh tế - xã hội và đường lối đối ngoại cho 5 và 10 năm tới.

Về nhân sự ở trên cao nhất đã gần như chắc chắn là ông Tập Cận Bình hiện là phó chủ tịch nước sẽ thay ông Hồ Cẩm Đào trên cương vị tổng bí thư kiêm chủ tịch nước và ông Lý Khắc Cường hiện là phó thủ tướng sẽ thay ông Ôn Gia Bảo trên cương vị thủ tướng.

Những nhân vật sẽ có thể vào thường vụ bộ chính trị là Vương Kỳ Sơn hiện là phó thủ tướng, Du Chính Thanh hiện là bí thư thành ủy Thượng Hải, Trương Đức Giang hiện là bí thư thành ủy Trùng Khánh (thay cho Bạc Hy Lai bị mất chức do liên quan đến vụ giết chết tỷ phú người Anh), Lưu Vân Sơn trưởng ban tuyên truyền trung ương, Trương Cao Lệ hiện là bí thư thành ủy Thiên Tân, Lý Nguyên Triều phụ trách an ninh - chính trị và Uông Dương hiện là bí thư Quảng Đông.

Có 2 vấn đề cần giải quyết về nguyên tắc. Một là ban thường vụ vẫn gồm 9 người hay giảm xuống còn 7, như trước năm 2002. Hai là tổng bí thư kiêm chủ tịch nước sẽ thôi hẳn mọi chức sau đại hội, hay vẫn còn giữ chức Bí thư Quân ủy trung ương trong 2 năm nữa rồi mới giao lại cho tổng bí thư kiêm chủ tịch nước mới.

Năm nay, theo nhận định của một số blogger tự do ở Hồng Kông và Đài Loan cũng như của một số chiến sỹ dân chủ Trung Quốc sống tại Hoa Kỳ, cuộc họp ở Bắc Đới Hà có một số nét khác thường. Cuối tháng 7, một cơn bão lớn tràn qua đây, tàn phá một số nhà cửa và làm đổ nhiều vạt rừng thông và rừng liễu đẹp. Cảnh hoang tàn đổ nát nay vẫn còn dấu vết chưa kịp khắc phục. Phải chăng đây là dấu hiệu xấu, là điềm gở cho đảng Cộng sản Trung Quốc khi chuẩn bị cho Đại Hội 18?

Sự kiện Bạc Hy Lai, bà vợ Cốc Khai Lai và con trai Bạc Qua Qua trong một vụ án tàn bạo giết nhà tỷ phú Anh Neil Heywood từng là bạn thân của gia đình phơi bày sự thối nát kinh hoàng tiêu biểu cho cả một tầng lớp lãnh đạo ở thượng tầng, làm giàu và hưởng lạc vô độ, tiêu biểu cho một bộ máy công an và hành chính cộng sản cực kỳ vô đạo, chống ma túy về danh nghĩa lại buôn ma túy quy mô lớn, chống xã hội đen trên danh nghĩa lại liên minh với xã hội đen, miệng tụng cách mạng mà chuyên làm chuyện vô luân, trong đó tên trùm công an Vương Lập Quân là một tên trùm lưu manh thực sự, từng là cánh tay phải của cặp Bạc Hy Lai - Cốc Khai Lai.

Các nhà dân chủ cho rằng thật là kinh khủng khi vụ án này hoàn toàn có khả năng bị ém nhẹm, nếu như giữa Bạc Hy Lai và Vương Lập Quân không phát sinh mâu thuẫn dậm dọa nhau, để Quân phải nghĩ cách thoát thân đến lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Thành Đô xin tỵ nạn, để từ đó vụ án bị vỡ lở không sao bịt kín được.

Thật là kinh khủng khi nghĩ rằng nếu vụ án không bị phát hiện, Bạc Hy Lai chắc chắn còn lên cao nữa, vào thường vụ bộ chính trị gồm 9 người có quyền lực vô hạn vào tháng 10 tới, và bà lớn Cốc Khai Lai và cậu quý tử Bạc Qua Qua sẽ còn tha hồ vùng vẫy ăn chơi trác táng, phá của và phá phách xã hội Trung Quốc đến mức nào nữa.

Một sự kiện xuất bản rất bất ngờ và lý thú đang được giới học giả Trung Quốc bàn tán sôi nổi nhân dịp cuộc họp Bắc Đới Hà năm nay. Đó là sự xuất hiện cuốn sách «Trung Quốc Mộng » - Giấc Mơ Trung Quốc, do giáo sư Lưu Minh Phúc sáng tác. Dưới tên sách trên đây là hàng chữ «Hậu Mỹ Quốc Thời Đại đích» - có nghĩa là Thời đại Sau của nước Mỹ. Theo lời giới thiệu mở đầu, cuốn sách có mục đích định vị, xác định vị trí chiến lược của các nước sau khi thời đại nước Mỹ hiện nay kết thúc.

Tác giả là nhà học giả Lưu Minh Phúc, giảng viên chính trị của trường Đại học Quốc phòng Trung Quốc ở Bắc Kinh, nguyên là Giám đốc Viện Ngiên cứu Xây dựng Quân đội của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa.

Người viết tựa cho cuốn sách là Trung tướng Lưu Á Châu, một nhân vật nổi tiếng của giới nghiên cứu chính trị - quốc phòng - quốc tế Trung Quốc, hiện là chính ủy Học viện quân sự cao cấp Trung Quốc, được chú ý bởi nhiều ý kiến độc đáo, bởi nhiều cuộc nói chuyện và bài báo hấp dẫn công chúng, đặc biệt là giới trẻ quan tâm đến thời sự đất nước. Cuốn sách được xuất bản lưu hành từ năm 2011, tái bản năm 2012, được các báo Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Đức, Pháp, Nhật tóm tắt, trích dẫn, giới thiệu rộng rãi.

Một số mạng internet quốc tế cho rằng đây là cuốn sách rất công phu và độc đáo, nên tìm đọc, rất cần đọc và phải tìm đọc - must read - bởi tất cả các nhà hoạt động chính trị trên thế giới.

Các nhà dân chủ Trung Quốc cho rằng với cuốn «Trung Quốc Mộng», tác giả Lưu Minh Phúc và người viết tựa Lưu Á Châu thật ra và trước hết muốn gửi những lời tâm huyết phản biện cho tập thể những người lãnh đạo trong cuộc họp Bắc Đới Hà năm nay, đông thời gửi đến cả tầng lớp trí thức và tuổi trẻ trong cả nước.

Nghiên cứu quá trình trỗi dậy và trụt xuống của các cường quốc bá chủ thế giới trong 5, 6 thế kỷ nay, tác giả cho thế kỷ XVI là thế kỷ Bồ Đào Nha, thế kỷ XVII là thế kỷ Hà Lan, thế kỷ XVIII và thế kỷ XIX là thế kỷ nước Anh và thế kỷ XX là thế kỷ Hoa Kỳ.
Hiện nay đang là thời kỳ quá độ cạnh tranh nhau để lên ngôi bá chủ thế giới, trong đó nổi bật nhất là Trung Quốc đang vươn dậy, trỗi dậy về mọi mặt, từ chính trị, quân sự, kinh tế, tài chính đến văn hóa, khoa học kỹ thuật.

Tác giả cho rằng nuôi tham vọng trỗi dậy làm nước bá chủ đứng đầu thế giới không có gì là sai trái, đáng hổ thẹn, trái lại là một mục tiêu cao đẹp, dẫn đầu cả nền văn minh của nhân loại trong thời đại mới.

Nhưng, đây mới là vấn đề then chốt. Đó là trỗi dậy theo hướng nào, bằng con đường nào, con đường chính trị - kinh tế - quân sự - văn hóa hiện nay của đảng CS Trung Quốc có khả thi hay không, có triển vọng thành đạt hay không? Tất cả vấn đề là ở chỗ mấu chốt này.

Tác giả điểm lại sự trỗi dậy của Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh quốc…đều giống nhau ở sự trỗi dậy trên biển, hướng ra nước ngoài, dựa vào sức mạnh của hải quân đi chiếm thuộc địa, mang tính chất bành trướng, thực dân và chiến tranh, đó là kiểu trỗi dậy hung hãn theo luật rừng.
Do đó sức hấp dẫn không lâu bền, ngày càng lộ thế yếu và sụp đổ là tất yếu.

Tác giả khuyến cáo lãnh đạo hãy suy tính thật kỹ càng, thận trọng, trong cuộc đọ sức của thế kỷ này để giành ngôi quốc gia quán quân. Cần nhận rõ đây là cuộc cạnh tranh giữa các nền văn minh trong thời đại toàn cầu hóa.

Tác giả khẳng định con đường trỗi dậy đúng đắn, có hiểu quả phải là con đường giương cao ngọn cờ Hòa bình, Phát triển và Hợp tác, xây dựng thế giới hài hòa, làm cho các giá trị do Trung Quốc đề xướng đi ra, lan rộng toàn thế giới. Tác giả cũng nhấn mạnh Văn hóa Trung Quốc phải là văn hóa bảo vệ lục địa, hấp dẫn, vẫy gọi và dắt dẫn thế giới, đó là tư tưởng văn hóa phòng ngự, không mang tư tưởng vũ lực tiến công giành quyền trên biển, kiểu các cường quốc phương Tây trước đây đem luật rừng ra thế giới. Tác giả cho rằng đó phải là nội dung ganh đua, cạnh tranh quan yếu nhất giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ để mở ra thời đại mới trong lịch sử thế giới. Ngọn đuốc văn minh do ai nắm và giương cao. Đây chính là lỗ hổng đáng quan ngại nhất trong các dự thảo văn kiện chuẩn bị cho Đại hội XVIII sắp tới rồi.

Về xây dựng xã hội Trung Quốc tiên tiến và xây dựng đảng CS Trung Quốc tiền phong trong sạch, tác giả tỏ ra rất bi quan. Ông yêu cầu một cách nhìn dũng cảm trong sáng dù cho có đau lòng, vì đây là vấn đề quyết định nhất trong cuộc trỗi dậy của đất nước, lại là vấn đề gay gắt nhất.

Ông dẫn ra kết quả điều tra và thông kê của báo Quân Giải Phóng rất đáng tin cậy: hiện Trung Quốc có viên chức tham nhũng tỷ lệ nhiều nhất thế giới, chi phí hành chính cao nhất thế giới, chi phí công quỹ lãng phí ít hiệu quả nhất thế giới, số người chết vì mọi loại tai nạn cũng có tỷ lệ cao nhất, các vụ làm ăn dối trá, lừa gạt, hàng giả hàng nhái cũng nhiều nhất thế giới. Không khắc phục nhanh, có hiệu quả những cố tật ấy của xã hội và nhất là của đảng thì trổi dậy chỉ là giấc mơ phù phiếm, hão huyền. Ông cảnh báo: nếu không tỉnh ngộ, không thay đổi mạnh mẽ thì từ ý muốn trỗi dậy đến nguy cơ sụp đổ chỉ cách nhau có một bước!

Ý kiến cuối cùng của nhà nghiên cứu Lưu Minh Phúc có vẻ như muốn nói thẳng với giới lãnh đạo hiện đang tề tựu ở Bắc Đới Hà về vấn đề nhân sự. Ông cho rằng việc tuyển lựa nhân tài cho bộ máy lãnh đạo đất nước rất yếu kém, không ngang tầm tình thế đòi hỏi, hiện nay «giới tinh anh chính trị tài cán tầm thường, chỉ lo đặc quyền đặc lợi, tài sản không minh bạch», đó là tai họa gốc phá hoại sự trỗi dậy mạnh mẽ của đất nước.

Cuốn sách «Trung Quốc Mộng» mang chất phản biện và cảnh báo xuất hiện rất đúng lúc. Cuộc sống gần đây cung cấp thêm vô vàn dẫn chứng hùng hồn cho lập luận của tác giả. Trong đó sự kiện Bạc Hy Lai phơi bày sự thối nát tiêu biểu của giới cầm quyền cao nhất trong đảng cộng sản, và cuộc phiêu lưu xấu xa mang bản chất bành trướng theo luật rừng ở Biển Đông là 2 sự kiện có ý nghĩa nhất. Trỗi dậy như thế chỉ dẫn đến mau sụp đổ.

Để xem cuộc chóp bu ở Bắc Đới Hà, giới lãnh đạo Trung Quốc có còn khả năng lắng nghe những tiếng nói lành mạnh ngay thật của giới trí thức nước mình hay không.

* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
  • 16x9 Image

    Bùi Tín

    Nhà báo Bùi Tín hiện sống tự do ở Pháp, là một nhà báo chuyên nghiệp, một nhà bình luận thời sự quốc tế, và là cộng tác viên thường xuyên của đài VOA. Ðối tượng chính của nhà báo Bùi Tín là giới trí thức trong và ngoài nước, đặc biệt là tuổi trẻ Việt Nam quan tâm đến quê hương tổ quốc.

VOA Express

XS
SM
MD
LG