Đường dẫn truy cập

Bà Aung San Suu Kyi thăm Trung Quốc lần đầu tiên


Lãnh tụ đối lập Myanmar Aung San Suu Kyi đến sân bay Bắc Kinh, ngày 10/6/2015.
Lãnh tụ đối lập Myanmar Aung San Suu Kyi đến sân bay Bắc Kinh, ngày 10/6/2015.

Lãnh tụ đối lập Myanmar bắt đầu chuyến đi thăm Trung Quốc hôm nay, thứ Tư, nhằm thúc đẩy cho các mối quan hệ ngoại giao đã được trắc nghiệm như là kết quả của những cải cách dân chủ của Myanmar.

Ðảng Cộng sản Trung Quốc, một đồng minh chính của chính quyền quân nhân Miến Ðiện trước đây, tiếp đón biểu tượng dân chủ Miến Ðiện cùng với đoàn đại biểu của Liên minh Toàn quốc Đấu tranh cho Dân chủ, gọi tắt là NLD.

Các giới chức NLD dự liệu bà Suu kyi sẽ gặp gỡ với các nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Trung Quốc, trong đó có chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường, trong chuyến đi thăm Bắc Kinh 5 ngày mang tính dấu mốc của bà.

Người phát ngôn Hồng Lỗi của Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong tuần này xác nhận rằng khôi nguyên giải Nobel Hòa bình sẽ gặp gỡ "các nhà lãnh đạo đảng và nhà nước."

Ông Hồng nói: "Trung Quốc luôn duy trì quan hệ lâu bền với các chính đảng liên quan ở Myanmar. Chúng tôi tin rằng chuyến thăm này có thể thúc đẩy cho sự thông hiểu và tin tưởng giữa hai đảng, đồng thời tăng cường tình hữu nghị và quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc và Myanmar."

Quan hệ giữa Myanmar và Trung Quốc đã gặp phải thách thức kể từ khi quân đội của quốc gia Ðông Nam Á này giao quyền hành lại cho một chính phủ dân sự trên danh nghĩa hồi năm 2010 để bắt đầu cải cách.

Kể từ đó Myanmar bắt đầu phát triển các mối quan hệ làm ăn thân cận hơn với phương Tây sau khi Hoa Kỳ và các nước Châu Âu nới lỏng các lệnh cấm vận đã được áp dụng suốt mấy thập niên trước đó.

Quan hệ của Myanmar với Trung Quốc cũng được trắc nghiệm bởi những thể hiện công khai tinh thần bài-Trung Quốc. Trong một số trường hợp, điều này đã tác động đến những dự án kinh tế béo bỡ được Bắc Kinh hậu thuẫn.

Một trong những dự án lớn nhất được Trung Quốc hậu thuẫn đã bị trì hoãn là Đập nước Myitsone. Công trình xây dựng dự án này đã bị ngưng lại hồi năm 2011 sau những lo ngại về môi trường.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc được cho là sẽ tìm cách tranh thủ sự bảo đảm của bà Aung San Suu Kyi rằng dự án đập nước này và những dự án tương tự sẽ được tiếp tục thực hiện.

Một bài xã luận trên tờ Hoàn cầu Thời báo của Ðảng Cộng sản Trung Quốc tuần này ca ngợi "quan điểm thực tế" của bà Aung San Suu Kyi, và nói bà là một "người bạn tốt" của Trung Quốc, nhưng cũng nói rằng những cải cách của Myanmar làm cho vấn đề "phức tạp."

Bài xã luận cảnh báo rằng "Chính phủ đang nhanh chóng mất đi sự kiểm soát xã hội."

Liên minh Dân chủ Toàn quốc theo trông đợi sẽ giành được thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử vào cuối năm nay. Nhưng chưa rõ bà Aung San Suu Kyi có thể tiến lên được đến đâu, bởi vì hiến pháp Myanmar hiện nay không cho phép bà trở thành tổng thống.

Tuy nhiên, chuyến thăm Bắc Kinh của bà được xem như là một nỗ lực đánh bóng cho khả năng ngoại giao của bà và để phát triển cho những mối quan hệ chắt chẽ hơn với nước láng giềng quan trọng nhất của Myanmar.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG