Đường dẫn truy cập

Anh rời khỏi EU có tác động lan sang các nước khác trong EU?


Cờ Anh và cờ EU được xếp đặt trước chuyến thăm của Thủ tướng Anh David Cameron tới Ủy ban châu Âu ở Brussels ngày 29/1/2016. Nhiều người lo ngại việc Anh rời bỏ EU có thể sẽ có tác động vượt ra ngoài biên giới nước Anh.
Cờ Anh và cờ EU được xếp đặt trước chuyến thăm của Thủ tướng Anh David Cameron tới Ủy ban châu Âu ở Brussels ngày 29/1/2016. Nhiều người lo ngại việc Anh rời bỏ EU có thể sẽ có tác động vượt ra ngoài biên giới nước Anh.

Tỉ lệ ủng hộ dành cho Liên minh châu Âu đã giảm mạnh trên khắp châu lục này, làm gia tăng nỗi lo sợ ở Brussels về một hiệu ứng lây lan từ cuộc trưng cầu dân ý sắp tới về tư cách thành viên Anh trong khối. Theo tường trình của thông tín viên Henry Ridgwell từ London, việc Anh rời bỏ EU có thể sẽ có tác động vượt ra ngoài biên giới nước Anh.

Trung tâm Nghiên cứu Pew ở Washington đã phỏng vấn 10.000 người khắp châu Âu. Câu trả lời của họ cho thấy sự hoài nghi về EU không chỉ giới hạn ở Anh.

Pháp có cái nhìn thậm chí còn tiêu cực hơn nước láng giềng của họ bên kia eo biển Manche với chỉ 38% số người có cái nhìn tích cực về EU, so với 69% vào năm 2004. Tại Tây Ban Nha, tỉ lệ ủng hộ EU đã giảm từ 80% xuống 47%.

Một cuộc bỏ phiếu để Anh rời khỏi EU có thể dẫn tới những đòi hỏi trưng cầu dân ý tương tự trên khắp châu lục. Ông Tim Oliver của Trường Kinh tế London, nói:

"Tuy nhiên, những đòi hỏi đó có thành công hay không phụ thuộc vào thứ nhất là chuyện gì sẽ xảy ra cho Anh. Nếu Anh chật vật thì việc đó sẽ gửi đi một thông điệp khá mạnh mẽ tới phần còn lại của Liên minh châu Âu. Và thứ hai, nó phụ thuộc vào chuyện gì sẽ xảy ra trong khu vực đồng euro, nó phụ thuộc vào chuyện gì sẽ xảy ra trong khối Schengen, nó phụ thuộc vào chuyện gì xảy ra với Nga. Liên minh châu Âu hiện đang đối mặt với một số cuộc khủng hoảng, và Anh là một trong số đó".

Việc Anh rời bỏ EU có thể sẽ kéo dài và cay đắng, theo lời ông Oliver.

"Phần còn lại của EU đang nhắm tới chuyện trừng phạt Vương quốc Anh vì việc rút ra khỏi khối, vì thế phải có sự thiệt hại về kinh tế. Anh không thể rút ra mà không cảm nhận bất kỳ sự trừng phạt nào, bất kỳ thiệt hại nào, và có được một mối quan hệ mới với EU, nếu không thì việc này có thể khuyến khích những nước thành viên khác cũng làm như vậy".

Ông Nigel Farage, một chính trị gia lãnh đạo đảng UKIP cầm biểu ngữ trong chiến dịch vận động cho việc ủng hộ Anh rời khỏi EU, ngày 20/5/2016.
Ông Nigel Farage, một chính trị gia lãnh đạo đảng UKIP cầm biểu ngữ trong chiến dịch vận động cho việc ủng hộ Anh rời khỏi EU, ngày 20/5/2016.

Các nhà nghiên cứu của Pew cho rằng phần lớn sự bất mãn với EU liên quan đến việc khối này xử lý cuộc khủng hoảng người tị nạn. Hơn một triệu di dân đến Hy Lạp vào năm 2015. Sự bất mãn với chính sách nhập cư của Brussels ở đó lên tới 94%.

Một cuộc khủng hoảng Anh rời EU diễn ra cùng lúc có thể đẩy châu Âu đến bờ vực. Ông Oliver nói:

"Họ chưa giải quyết được từng cuộc khủng hoảng. Họ chỉ mới đối phó rồi đi tiếp và hy vọng sau này họ sẽ tìm thấy một giải pháp. Nếu nhiều cuộc khủng hoảng diễn ra cùng một lúc, lúc đó EU sẽ rơi vào tình thế chưa từng kinh qua, và tình thế đó khá nguy hiểm".

Cựu Ngoại trưởng Anh William Hague hôm thứ Tư cảnh báo rằng việc Anh rời khỏi EU có thể gây chia rẽ rộng hơn.

"Nếu chúng ta đưa mắt khỏi những mối quan tâm cục bộ của mình mà nhìn tới những thách thức chúng ta sắp đối mặt trong châu lục địa này và ngoài nó nữa, thì sẽ thấy những rủi ro của việc rời đi là quá lớn. Trên hết thảy, nguy cơ về một phương Tây rạn nứt, chia rẽ và suy yếu là điều mà chúng ta phải làm hết sức để tránh".

Với sự bất mãn với EU lớn dần trên khắp châu lục, những nhà phân tích nói rằng việc Anh rời khỏi EU có thể có những hậu quả rộng lớn hơn nhiều đối với châu Âu và xa hơn nữa.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG