Đường dẫn truy cập

Ảnh hưởng của Trung Quốc đe dọa tự do báo chí ở Hồng Kông


Dân Hồng Kông dự lễ tưởng niệm lần thứ 23 vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn
Dân Hồng Kông dự lễ tưởng niệm lần thứ 23 vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn
Các nhà báo ở Hồng Kông cho biết tự do báo chí ở đặc khu hành chánh này của Trung Quốc đã xuống cấp rất nhiều trong những năm gần đây vì ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh trong các lãnh vực chính trị, kinh tế, bầu cử, pháp luật và truyền thông. Sự kiện này đã được dư luận quốc tế chú ý bàn tán trong lúc Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào chuẩn bị tới Hồng Kông để dự các buổi lễ kỷ niệm 15 năm ngày thành phố này được nước Anh trao trả cho Trung Quốc.



Một cuộc thăm dò của Hiệp hội Ký giả Hồng Kông cho thấy hầu hết những người hành nghề truyền thông ở thành phố này nói rằng họ cảm thấy quyền tự do báo chí đã bị giảm sút.

Theo kết quả cuộc thăm dò được công bố hôm 24-6, một tuần trước dịp kỷ niệm 15 năm Anh Quốc trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc, 86,9% ký giả cho biết họ cảm thấy có sự gia tăng trong việc kiểm soát thông tin của chính phủ.

Tỉ lệ này cao hơn 28,5% so với kết quả của một cuộc khảo sát tương tự hồi tháng giêng năm 2007.

Giáo sư Đàm Chí Cường của Đại học Kỹ thuật Hồng Kông, người từng giữ chức chủ tịch Hiệp hội Ký giả Hồng Kông, cho biết hiệp hội này bắt đầu đưa ra báo cáo hàng năm về tình hình tự do báo chí vào năm 1994. Ông tán đồng nhận định cho rằng tự do báo chí ở đây đã trở nên tệ hại hơn trước. Ông nói:

"Từ năm 94 tới nay là 18 năm. Tự do báo chí ngày càng xuống giốc. Đó là một việc rất hiển nhiên. Ai cũng thấy như vậy."

Ông Đàm Chí Cường, và nhiều nhà quan sát tình hình Hồng Kông, cho biết ảnh hưởng của Bắc Kinh trong các lãnh vực chính trị, kinh tế, bầu cử, pháp luật và truyền thông ở Hồng Kông đã gia tăng đáng kể trong những năm gần đây.

Ông Đàm Chí Cường nói rằng cánh tay của chính phủ trung ương mỗi lúc một dài và họ đã thông qua Văn phòng liên lạc ở Hồng Kông để gây áp lực buộc chính phủ Hồng Kông gây khó khăn cho hoạt động của báo giới.

Ông nêu lên thí dụ, khi Phó Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đến dự lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đại học Hồng Kông hồi năm ngoái, giới hữu trách đã thiết lập vòng đai an ninh 5 kilomét ở đại học này, khiến cho hầu hết các ký giả không thể tới nơi để tường thuật.

Sự sút giảm mạnh của quyền tự do báo chí ở Hồng Kông cũng đã được phản ánh trong báo cáo mới nhất của Hội Nhà báo không biên giới về chỉ số tự do báo chí của các nước trên thế giới.

Theo phúc trình của tổ chức ở Paris này, chỉ số tự do báo chí của Hồng Kông đã tụt từ hạng 34 trong năm 2010 xuống tới hạng 54 trong năm 2011.

Cuộc thăm dò ý kiến của 663 nhà báo và nhân viên quản lý truyền thông ở Hồng Kông cũng cho thấy 79% các ký giả tin rằng nạn tự kiểm duyệt đã gia tăng từ năm 2005 và 39% cho biết bản thân họ hoặc cấp trên của họ có hành vi tự kiểm duyệt.

Về hiện tượng này, ông Lâm Hòa Lập -- một nhà báo nổi tiếng hiện là giáo sư của Đại học Trung văn ở Hồng Kông, cho biết như sau:

Trong hơn 10 năm nay ở Hồng Kông, nạn tự kiểm duyệt của các tổ chức truyền thông đã mỗi ngày một nghiêm trọng hơn -- bất kể là truyền thông Anh ngữ hay Hoa ngữ, bất kể là báo in, báo mạng hay truyền hình.

Mới đây, báo giới Hồng Kông đã xảy ra một vụ tai tiếng liên quan tới việc tường thuật về vụ án Lý Vượng Dương. Nhiều ký giả của tờ báo Anh ngữ lớn ở Hồng Kông là tờ South China Morning Post (Hoa Nam Buổi Sáng) đã công khai phản đối ban biên tập vì cố ý không tường thuật cặn kẽ về cái chết của nhân vật bất đồng chính kiến Trung Quốc này mặc dù có khoảng 25.000 người Hồng Kông đã biểu tình hồi đầu tháng 6 để yêu cầu Bắc Kinh điều tra về cái chết bí ẩn của ông Vương tại một bệnh viện ở tỉnh Hồ Nam.

Giáo sư Lâm Hòa Lập, cựu phó tổng biên tập tờ South China Morning Post, cho biết những tin tức có tính chất tiêu cực về Trung Quốc được tờ báo này tường thuật đã giảm đi rất nhiều so với những năm trước vì nạn tự kiểm duyệt. Ông nói:

"Theo sự quan sát của chính tôi và qua những cuộc trò chuyện với các đồng nghiệp cũ của tôi ở tờ South China Morning Post, quả thật có một tình huống như vậy. Đối với những tin tức liên quan tới Đại Lục thì quả là có điều được gọi là “tự thẩm tra”."

Giáo sư Lâm giải thích như sau về nạn tự kiểm duyệt của giới truyền thông Hồng Kông.

Điều quan trọng nhất là những người làm chủ các cơ quan truyền thông lớn ở Hồng Kông có những hoạt động kinh doanh hay đầu tư qui mô lớn ở Đại Lục. Cho nên những người này lúc nào họ cũng mong muốn duy trì những mối quan hệ tốt đẹp với giới lãnh đạo ở Bắc Kinh. Vì vậy họ không muốn các phương tiện truyền thông của họ đăng tải những lời lẽ phê phán Đại lục, hay làm cho giới lãnh đạo ở Bắc Kinh cảm thấy bối rối.

Cũng chính vì vậy mà những tin tức liên quan tới các vấn đề Tây Tạng, Tân Cương hay tình hình nhân quyền Trung Quốc tuy có được tường thuật, nhưng chiều rộng và chiều sâu của những hoạt động tường thuật này đã giảm đi nhiều so với lúc trước.

Ngày 1 tháng 7 năm nay cũng là dịp kỷ niệm 15 năm ngày quân đội Trung Quốc bắt đầu trú đóng ở Hồng Kông.

Báo chí Hồng Kông cho biết nhờ vào những hoạt động “quan hệ công cộng” trong những năm qua như tổ chức các buổi trình diễn văn nghệ và mở cửa doanh trại cho công chúng vào thăm, lính Trung Quốc đã thu phục một ít cảm tình của người dân Hồng Kông.

Theo kết quả một cuộc thăm dò mới đây của Đại học Hồng Kông, sự hài lòng của dân chúng ở đây đối với quân đội Trung Quốc trong năm 2011 đã đạt mức 50% so với tỉ lệ 40% của năm 1997.

Mặc dù vậy, một số người cho biết đa số dân chúng ở thành phố này tiếp tục có ác cảm với quân đội Trung Quốc. Bà Thái Vĩnh Mai, tổng biên tập tạp chí Khai Phóng ở Hồng Kông, phát biểu như sau:

"Người dân ở Hồng Kông cho rằng Giải phóng quân là hung thủ của vụ thảm sát Thiên An Môn. Tôi nghĩ rằng nhận định này từ đó tới nay không hề thay đổi, vì những người lính thực thi lệnh giới nghiêm trong vụ đàn áp Thiên An Môn chính là những người thuộc Giải phóng quân. Đối với những người trẻ ở Hồng Kông, Giải phóng quân là quân đội của đảng Cộng Sản chứ không phải của quốc gia. Vì vậy họ tuyệt đối không có chút thiện cảm nào đối với Giải phóng quân. Họ cho rằng đó là công cụ đàn áp của Đảng Cộng Sản Trung Quốc."

Bà Thái Vĩnh Mai nói thêm rằng dân chúng Hồng Kông muốn nhà đương cuộc ở Bắc Kinh để cho cử tri ở đặc khu hành chánh này được quyền trực tiếp bầu ra các đại biểu ở Viện Lập pháp và người đứng đầu guồng máy hành chánh. Bà nói:

"Điều mà Hồng Kông cần có hiện nay là dân chủ hóa, là thực hiện hai cuộc phổ thông đầu phiếu. Tôi tin rằng nếu Trung Quốc không trả quyền chính trị này lại cho người dân Hồng Kông, thì họ sẽ không bao giờ bị mê hoặc bởi những ơn nghĩa vụn vặt của nhà cầm quyền Bắc Kinh. Còn có một điều nữa liên quan tới Hoa Lục là sự hắc ám và thối nát quá độ ở Trung Quốc. Những cử chỉ thiện chí của Giải phóng quân không có tác dụng gì khi mà những sự việc bi thảm, rùng rợn vẫn không ngớt xảy ra ở Hoa Lục."

Theo tin của báo chí Trung Quốc, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào sẽ đến Hồng Kông ngày thứ Sáu và sẽ rời khỏi thành phố này vào ngày chủ nhật sau khi chủ trì lễ tuyên thệ nhậm chức của tân Hành chánh Trưởng quan Hồng Kông Lương Chấn Anh.

Theo dự liệu, trong dịp này dân chúng ở đây sẽ thực hiện những cuộc biểu tình tuần hành qui mô lớn để đòi Trung Quốc thực thi dân chủ và nhân quyền.

Hồi đầu tháng này, khoảng 200.000 người Hồng Kông đã tham gia lễ tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn ngày 4 tháng 6 năm 1989.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG