Bộ trưởng dầu khí Ấn Độ tuyên bố các lô dầu Việt Nam vừa ký hợp đồng hợp tác với New Delhi hoàn toàn thuộc khu vực chủ quyền của Việt Nam, không phải các vùng biển có tranh chấp với Trung Quốc.
Ông Dharmendra Pradhan, người tháp tùng Tổng thống Pranab Mukherjee trong chuyến thăm Việt Nam (từ 14 đến 17/9), cho biết tất cả 7 lô dầu Việt Nam giao đều nằm trong biên giới chủ quyền của Việt Nam, không rơi vào phạm vi bản đồ lưỡi bò 9 đoạn của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Vẫn theo lời ông, phía Ấn Độ đánh giá 3 hay 4 lô trong số này có thể khai thác được và công ty dầu khí ONGC Videsh trong 10 ngày qua đã nỗ lực phân tích các dữ kiện địa chất ban đầu.
Nhân chuyến công du Việt Nam của phái đoàn Tổng thống Ấn Độ, đôi bên đã ký thỏa thuận giữa tập đoàn PetroVietnam với công ty ONGC, cho phép Ấn Độ thăm dò thêm 2 lô dầu khí nữa ở Biển Đông.
Công ty Ấn Độ cũng mời PetroVietnam đầu tư khai thác ngoài khơi bờ biển Ấn Độ.
Ngay sau khi tin tức về thỏa thuận dầu khí Việt-Ấn được loan đi, Trung Quốc đã lên tiếng phản đối bất kỳ sự hợp tác dầu khí nào giữa Việt Nam với các nước tại những khu vực mà Bắc Kinh nói nằm dưới sự quản lý của họ ở Biển Đông.
Khi được hỏi ý kiến về phản ứng của Bắc Kinh, trong một thông điệp mạnh mẽ gửi tới Trung Quốc ngay ngày Chủ tịch Tập Cận Bình đặt chân tới Ấn Độ, Tổng thống Ấn Độ Mukherjee nói New Delhi không bình luận về các vấn đề chủ quyền liên quan đến Biển Đông nhưng hợp tác dầu khí Việt-Ấn từ năm 1988 tới nay là các hoạt động thương mại thuần túy, không có khía cạnh chính trị.
Tổng thống Ấn Độ nhấn mạnh nước ông luôn ủng hộ giải pháp hòa bình, đối thoại, theo luật quốc tế, chứ không dùng võ lực hay đe dọa trong các tranh chấp Biển Đông.
Ông Mukherjee khẳng định chính sách ngoại giao của Ấn Độ không bao giờ nhìn vào nước nào qua lăng kính của một nước thứ ba, ngụ ý rằng chuyến công du Việt Nam của ông diễn ra trước khi Chủ tịch Trung Quốc sang thăm Ấn Độ hoàn toàn không phải là một tính toán có dụng ý.
Nhà lãnh đạo Ấn Độ nói New Delhi luôn đứng cạnh người dân Việt Nam và đồng thời bày tỏ tin tưởng mối quan hệ đối tác chiến lược Việt-Ấn sẽ ngày càng mở rộng thêm, góp phần vào sự phát triển của khu vực và thế giới.
Từ năm 2011, Bắc Kinh đã cảnh cáo các dự án hợp tác dầu khí Việt-Ấn là phi pháp và xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc.
Giữa năm 2013, Trung Quốc ra thông báo mời các công ty nước ngoài đấu thầu 9 lô dầu khí ở Biển Đông trong đó có một phần trong một lô mà Việt Nam đã giao cho công ty dầu khí ONGC Videsh của Ấn Độ.
Tháng 5 năm nay, Bắc Kinh đưa giàn khoan 981 vào thăm dò dầu khí 2 tháng ở vùng biển Hà Nội nói thuộc chủ quyền Việt Nam, bất chấp sự phản đối của Hà Nội.
Nguồn: India Express, Economic Times