Megael Jonson, một thiếu niên 16 tuổi học lớp 12 tại trường trung học Richmond, bang California, thuật lại việc cậu chăm sóc cho bà hằng ngày. Cậu được bà nuôi dạy từ tấm bé vì một lý do gì đó cha mẹ cậu không sống với cậu. Nhưng kể từ khi 9- 10 tuổi, cậu phải đảm nhận trách nhiệm chăm sóc cho bà vì bà yếu đuối về cả thể chất lẫn tinhh thần. Cậu cho biết mới đây bà cậu bị chẩn đoán ung thư vú và đang được trị liệu.
Đối với một thiếu niên năng động còn trong tuổi ham ăn ham chơi, việc từ bỏ mọi hoạt động thể thao và không tham gia vào những cuộc vui chơi với bạn bè là điều hết sức khó khăn. Có lần đã hẹn với đám bạn đi xem xi nê và đi ăn nhưng hôm đó bà vừa phải đi hóa trị về quá mệt, cậu đành quyết định ở nhà trông nom bà chứ không bỏ đi chơi.
16 tuổi, ngoài việc học, cậu lo lắng mọi việc trong nhà, từ dọn nhà, rửa chén, hút bụi mỗi ngày, những việc mà hầu hết các thiếu niên Mỹ nào ở nhà với cha mẹ cũng phải làm, nhưng ngoài ra còn phải chăm lo cho bà uống thuốc mỗi buổi sáng và buổi chiều, dọn ăn cho bà. Tuy phải bận rộn chăm sóc bà nhưng cậu cho là vẫn không đến nỗi bận như phải chăm trẻ, vì bà cậu vẫn còn đi lại và tự lo những chuyện vệ sinh cá nhân.
Còn vấn đề chợ búa, vài tuần cậu lại ra tiệm mua thức ăn và những thứ cần thiết, vì bà mệt không thể đi lâu trong các cửa hàng. Phải cầm tiền chợ, kinh nghiệm mua bán dạy cho cậu biết giá trị của đồng tiền, không tiêu xài bừa bãi như các bạn đồng trang lứa của cậu, họ thường tiêu tiền cho những thứ không cần thiết. Trong hoàn cảnh như vậy cậu cảm thấy mình trưởng thành hẳn lên so với đám bạn, biết chăm sóc người khác và biết lo toan mọi việc. Hơn nữa, được bà nuôi từ tấm bé, cậu thấy bây giờ là lúc đền đáp công ơn của bà và muốn chắc chắn là bà cậu sẽ bình phục và trở lại nếp sống bình thường.
Cậu cho biết bà cậu dạy cậu những bài học như vậy nhưng chính bà không biết là bà đang chỉ dạy, và tự đáy lòng, cậu rất cảm ơn bà về những bài học đó.
Một câu chuyện cảm động khác của nhà văn Andrew Lâm viết về bà nội cậu. Cụ đã sống trong viện dưỡng lão một thời gian dài ở San Jose trước khi mất:
"Đó là điều rất đớn đau cho bà, khi còn khỏe, sáu mấy, bảy mươi bà còn thích đi học. Đi học city college, đi bộ, sau bị stroke, liệt nửa người, phải nằm một chỗ. Người nào về già gặp trường hợp đó cũng rất đau đớn. Bà nội tôi còn một nỗi buồn nữa là bạn bè bớt dần, chỉ còn người thân thôi, nên bà rất bị cô lập. Nhiều khi thấy bị Alzheimer(quên lẫn) lại là một cái hay vì nỗi đau của mình nó bớt đi không còn nhớ nhiều nữa."
Những năm cuối đời, cụ bị chứng quên lãng, mất trí nhớ. Andrew Lâm thường đến thăm bà nhưng cụ chẳng còn nhớ gì. Anh nhắc đến những ngày bà còn tỉnh táo lúc nào cũng nhớ nhà, nhớ quê với ruộng đất thẳng cánh cò bay, và những câu hò tiếng hát ở miền sông nước Bạc Liêu, nhớ những ngày tết hạnh phúc với gia đình và xóm giềng. Cụ mua một chiếc đồng hồ bằng gỗ hình chữ S treo ở đầu giường nghiền ngẫm nỗi nhớ quê.
Mỗi lần cha mẹ, cô chú Andrew vào thăm họ rất buồn vì không thể chăm sóc cụ ở nhà. Nhưng Andrew Lâm cho biết anh cảm thấy sự quên lãng của bà là một ân phúc:
"Thường thì họ quên quá khứ gần và nhớ quá khứ xa. Đối với bà nội tôi thời sống ở Bạc Liêu, thời kỳ trước chiến tranh miền nam rất phì nhiêu, đó là những gì bà nhớ. Tôi thấy nó là điều hay vì bà còn nhớ được những gì tốt đẹp."
Nỗi đau khổ của người lớn tuổi xa quê hương đã hoàn toàn toàn tan biến khi một năm trước ngày bà mất, bà đã quên hết hiện tại, quên luôn nỗi buồn xa xứ, quên cả quê hương ngày cũ. Có lần khi bà đã 95, Andrew hỏi bà có nhớ tên 4 người con hay không, bà đáp lời: ”Này ông, tôi mới có 17 tuổi, làm gì có con? “ Khi Andrew cầm tay bà và nói bà đẹp, bà đỏ mặt vì ngỡ Andrew là cậu trai ở làng bên đang ngấp nghé, và thúc giục đi mau không để lỡ buổi lễ ở chùa.
Trong con mắt của Andrew, bà nội của cậu đã trở về với tâm hồn của thời con gái trẻ trung. Andrew Lâm cho biết đây là một bài học giúp cho anh từ đó không còn sợ già, không sợ lú lẫn nữa. Đến lúc đó những đau buồn, những mất mát sẽ tan thành mấy khói, có chăng sẽ còn sót laị những gì thật xa xưa. Nếu đến giai đoạn như thế, Andrew sẽ chỉ thấy anh là một cậu bé 7 tuổi, đeo chiếc đồng hồ Mickey Mouse quà sinh nhật năm 7 tuổi, chạy nhảy chơi đùa cùng bạn bè trên những rừng thông của núi đồi Đà Lạt nên thơ. Trong tâm thức của nhà văn này, anh cho rằng có một điều gì đó mà người trưởng thành quên mất, chỉ có những trẻ thơ và những người thật già có thể biết: Đó là thời gian và không gian chỉ là ảo ảnh, một sự lừa phỉnh của trí tuệ.
Andrew Lâm còn nhớ đến bà nội với tính cần kiệm, mà ngay cả khi bà đã quên hết mọi chuyện, bản tính đó vẫn còn theo bà:
"Dù ngày xưa ở miền nam gia đình rất giàu có, nhưng bà không xài tiền phung phí, hay dành dụm. Tôi nhớ khi về già, ở trong viện dưỡng lão, sau bữa ăn, bà không bao giờ vứt đồ ăn đi, người ta cho trái cam hay thức ăn, nếu không ăn bà cứ để đó, có khi ai vào thăm bà lại đem cho chứ không vứt. Ngay cả đã quên lẫn rồi bà vẫn không phí phạm."
Andrew Lâm có cả bà ngoại, cũng phải vào viện dưỡng lão. Anh nhắc đến bài học mà anh học được từ bà ngoại:
"Tôi có cả bà ngoại nữa. Hai người văn hóa khác nhau, một người đạo công giáo, một người đạo Phật. Tôi qua đây từ ngày 11 tuổi nhưng vẫn nói được tiếng Việt, nhờ nghe các bà kể chuyện ngày xưa, văn hóa của người Việt ra sao. Nhờ thế mà có thể hiểu được lịch sử của người Việt Nam. Bà ngoại tôi ngày xưa chuyện Kiều là nhớ hết. Lúc tuổi tác đã già, cụ quên nhiều, ngoài 90 mới mất, thế nhưng nói một câu trong chuyện Kiều là bà nhớ ngay câu sau, cho dù cháu của mình không còn nhớ tên nó nữa. Vì vậy nhiều người lớn tuổi đem theo văn hóa qua đây, nhưng giới trẻ phải có kiên nhẫn để mà nghe rồi tìm hiểu về quá khứ của mình."
Trong nhiều gia đình, liên hệ giữa ông bà và các cháu rất sâu đậm, cho dù là người Tây phương hay Á Đông. Một số tài liệu mới đây của newamericamedia.org thuật lại câu chuyện về cậu thiếu niên người Mỹ chăm sóc cho bà bị bệnh ung thư và cảm nghĩ của một nhà văn Mỹ gốc Việt, Andrew Lâm, thường đến thăm bà nội và bà ngoại tại một viện dưỡng lão trước khi các cụ qua đời. Lan Phương, trong Câu Chuyện Nước Mỹ tuần này sẽ trình bày về những cảm nghĩ cuả họ đối với thế hệ người thân lớn tuổi và những bài học mà họ học được từ bà nội, bà ngoại, cho dù họ là người Mỹ hay người Mỹ gốc Việt đi chăng nữa.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1