Eduardo Saverin, đồng sáng lập viên Facebook, ra đời tại Brazil năm 1982 trong một gia đình giàu có. Thân phụ là một doanh nhân hoạt động trong các ngành xuất khẩu, may mặc, vận chuyển hàng hóa và địa ốc.
Năm 1993 cha ông phát hiện ra tên con ông bị bọn băng đảng đưa lên danh sách bắt cóc đòi tiền chuộc nên cả gia đình đã dọn ra khỏi Brazil, đến Miami, bang Florida, Hoa Kỳ sinh sống cho an toàn.
Lớn lên Eduardo Saverin vào học tại Harvard và tốt nghiệp cử nhân kinh tế với hạng tối ưu năm 2006. Kể từ năm 2009 Eduardo Saverin cư trú tại Singapore.
Quay trở lại với câu chuyện của Eduardo Saverin với Facebook, nhận thấy thiếu một trang mạng xã hội cho sinh viên Harvard, năm 2004 Eduardo Saverin cùng với Mark Zuckerberg thiết lập Facebook. Eduardo Saverin nắm giữ chức vụ giám đốc quản trị tài chính và điều hành doanh nghiệp. Trong lúc mạng Facebook nhanh chóng lan rộng tới mọi trường đại học Mỹ lại có những mâu thuẫn nội bộ và những khác biệt ý kiến về đường hướng của Facebook giữa Saverin và Zuckerberg khiến vai trò và ảnh hưởng của Saverin trong Facebook ngày càng bị thu nhỏ.
Sau một vụ kiện tụng được dàn xếp, Saverin giữ được chức danh đồng sáng lập Facebook và khoảng 4% cổ phần.
Theo tin của Bloomberg, từ lâu Facebook đã lên kế họach niêm yết trên thị trường chứng khoán để gây vốn thêm, và ngày giờ chắc chắn là thứ Sáu, 18 tháng Năm.
Với việc niêm yết trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu của công ty Facebook tăng vọt, nâng trị giá của công ty lên đến khoảng 100 tỉ đô la.
Với 4% cổ phần trong công ty, Eduardo Saverin sẽ sở hữu chừng 2,89 tỉ đôla, và dĩ nhiên là ông phải đóng thuế do lợi tức thu về từ tiền lời do đầu tư.
Tin báo chí mới đây cho biết Eduardo Saverin đã từ bỏ quốc tịch Mỹ tháng 9 năm 2011, nửa năm trước khi Facebook niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Bằng cách từ bỏ quốc tịch Mỹ, Saverin có thể tiết kiệm được 69 triệu đô la tiền thuế liên bang đánh trên số lời do giá cổ phiếu của công ty tăng đem về cho ông. Nhưng tránh loại thuế này, ông vẫn phải trả thuế từ bỏ quốc tịch. Phải trả bao nhiêu, điều đó còn tùy cuộc tranh cãi, theo giáo sư chuyên về thuế khóa Michael Graetz tại đại học Columbia ở New York.
"Vấn đề là khi chuyện từ bỏ quốc tịch của ông có hiệu lực, và giá trị của cổ phiếu vào lúc ông từ bỏ. Ông bỏ quốc tịch Mỹ tháng 9 năm ngoái, vì thế ông sẽ nói là giá cổ phiếu của công ty lúc đó thấp hơn nhiều so với lúc niêm yết trên thị trường, và ông sở hữu một số rất lớn cổ phiếu nên không thể bán trong vòng riêng tư được."
Có phần chắc là Saverin sẽ tranh tụng với sở thuế vụ Hoa Kỳ. Đây quả là một trận chiến đáng đồng tiền bát gạo cho ông chống trả. Theo phát ngôn viên của Saverin, nhà tỉ phú này thấy rằng trở thành cư dân tại Singapore là điều “thực tế“, vì nước này không đánh thuế trên tiền lời do đầu tư đem về.
Saverin cũng không phải trả thuế tại quê nhà Brazil. Hoa Kỳ là nền kinh tế lớn duy nhất đánh thuế công dân, bất kể họ ở nơi nào trên thế giới.
Việc Saverin từ bỏ quốc tịch Mỹ đã làm dấy lên những phẫn nộ nơi những người chỉ trích, nói rằng ông ta đã “ lợi dụng hệ thống”.
Nhưng theo ông Reuven Avi-Yonah, giám đốc Chương trình thuế Vụ quốc Tế của đại học Michigan, hành động của Saverin không phạm pháp. Ông nói:
"Ông tránh thuế chứ không trốn thuế."
Ông Yonah cho biết tiếp :
"Rõ ràng hành động của ông hợp pháp. Năm 2008, Quốc hội đã thông qua luật qui định rằng nếu là một công dân Mỹ sống ở nước ngoài, người này được phép từ bỏ quốc tịch và trả một khoản thuế cho việc từ bỏ."
Ông Yonah cho biết trước khi đạo luật được thông qua, người ta có mặc cảm thiếu lòng yêu nước khi từ bỏ quốc tịch. Nhưng bây giờ thì:
"Quốc hội đã đưa ra một cái giá cho hành động đó, và nếu cái giá hợp lý thì người ta phải trả thôi."
Phát ngôn viên của Saverin mới đây nói việc ông từ bỏ quốc tịch Mỹ không dính dáng gì tới thuế má, mà chỉ vì ông thích làm việc, mở công ty tại Singapore và nhiều nước châu Á nên muốn cư trú ở đó cho thuận tiện, và rằng ông sẽ đầu tư khắp nơi, kể cả nước Mỹ.
Tỉ phú Saverin nằm trong số 1.780 người từ bỏ quốc tịch Mỹ trong năm 2011, một mức tăng rất lớn so với 235 người từ bỏ năm 2008, theo thống kê của chính phủ Hoa Kỳ.
Nhung theo ông Avi Yonah, cho dù con số người từ bỏ quốc tịch Mỹ có tăng, nó không chỉ thuần là vấn đề tiền bạc. Sống ở nước Mỹ vẫn là niềm mơ ước của nhiều người. Ngay cả những người quốc tịch Mỹ hay thường trú Mỹ muốn sống ở ngoài nước vẫn quí trọng hộ chiếu Hoa Kỳ và giữ nó chứ không từ bỏ. Hộ chiếu Mỹ là chiếc cầu nối với một quốc gia không dễ gì mà có.
”Chỉ có chết mới khỏi đóng thuế”, đó là câu nói diễn tả một chuyện mà đại đa số công dân Mỹ đều phải làm. Trừ con số người có thu nhập dưới ngưỡng nghèo khó, những công tư chức tại Hoa Kỳ đi làm ăn lương là giới đóng góp tiền thuế nhiều nhất cho ngân sách quốc gia. Còn giới giàu thì họ có muôn ngàn phương kế để tránh thuế. Câu chuyện Nước Mỹ tuần này sẽ gửi đến quí vị trường hợp một đồng sáng lập viên của Facebook, Eduardo Saverin, hiện đang bị dư luận chỉ trích vì hành động có liên quan đến việc tránh thuế.
Liên quan
Đường dẫn liên quan
Đọc nhiều nhất
1