Đường dẫn truy cập

Al-Qaida chịu trách nhiệm hầu hết các vụ tấn công tự sát ở Iraq


Các chiến binh của nhóm Nhà nước Hồi Giáo và Levant. Tổ chức Nhà nước Hồi Giáo và Levant đã gia tăng đáng kể những cuộc tấn công tại Iraq kể từ những tháng đầu năm ngoái.
Các chiến binh của nhóm Nhà nước Hồi Giáo và Levant. Tổ chức Nhà nước Hồi Giáo và Levant đã gia tăng đáng kể những cuộc tấn công tại Iraq kể từ những tháng đầu năm ngoái.
Một giới chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhấn mạnh đến mối đe dọa của al-Qaida tại Iraq đối với nước này và những quốc gia láng giềng giữa lúc bạo động tại Iraq ngày càng leo thang.

Ông Brett McGurk, phụ tá trợ lý bộ trưởng ngoại giao về Iraq và Iran, nói với Ủy ban Ngoại vụ Hạ viện là tổ chức Nhà nước Hồi Giáo và Levant đã gia tăng đáng kể những cuộc tấn công tại Iraq kể từ những tháng đầu năm ngoái.

Ông McGurk nói những vụ tấn công tự sát theo sự đánh giá của Hoa Kỳ thì hầu như do Nhà nước Hồi Giáo và Levant thực hiện và hầu hết tất cả những tay đánh bom tự sát là người nước ngoài vào Iraq qua ngả Syria.

Một con số thống kê cho thấy vào tháng 11 năm 2012, có 3 cuộc tấn công tự sát trên toàn quốc. Tháng 11 năm 2013, có tất cả 50 cuộc tấn công.

Ngày hôm qua, nhiều quả bom phát nổ tại thủ đô Iraq làm 32 người thiệt mạng, trong khi những vụ nổ bom xe ngày hôm nay làm ít nhất 5 người thiệt mạng. Bạo động trên toàn quốc Iraq làm 1.000 người thiệt mạng trong tháng qua, mức cao nhất kể từ năm 2008.

Ông McGurk nói al-Qaida tại Iraq tấn công những khu vực có nhiều người Shia và người Kurd sinh sống để gây nên căng thẳng giáo phái, trong khi tấn công người Sunni để diệt trù các đối thủ và chiếm đất. Ông nêu ra là lãnh tụ của tổ chức này, được cho là đặt căn cứ tại Syria, đang tìm cách kiểm soát lãnh thổ từ Baghdad đến Libăng.

Ông McGurk nói Hoa Kỳ đang hối thúc các nhà lãnh đạo Iraq phát triển một sách lược an ninh, chính trị và kinh tế để cô lập những phần tử cực đoan, và đang yểm trợ cho quân đội Iraq với những trang bị và huấn luyện để chống al-Qaida.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã loại trừ khả năng quân đội Hoa Kỳ trở lại Iraq.

Các lực lượng cuối cùng của Mỹ rút đi vào năm 2011, nhưng Đại diện Hoa Kỳ Eliot Engel hôm qua cho hay Hoa Kỳ vẫn quan tâm về vấn đề an ninh ở Iraq.

Ông Engel nói:” Việc sử dụng trực tiếp lực lượng quan sử của Hoa Kỳ ở Iraq là điều gần như không thể nghĩ tới vào lúc này. Chúng ta đã rút ra khỏi Iraq và sẽ không trở lại. Tuy nhiên, mặc dầu không có binh sĩ tại hiện trường, Hoa Kỳ vẫn góp phần vào tình hình an ninh ở Iraq, và tôi tin rằng chúng ta nên tiếp tục cung cấp sự hỗ trợ thích đáng cho quân đội Iraq trong cuộc chiến chống lại ISIS.”

Ông Engel đã thảo luận tình hình tại tỉnh Anbar miền tây Iraq, nơi tháng trước phe chủ chiến đã nắm quyền kiểm soát Ramadi và Fallujah. Ông nói một mình quân đội không thể giải quyết tình hình, và chính phủ phải huy động người Sunni ôn hòa để giúp chống lại al-Qaida.

Quân đội Iraq vẫn ở bên ngoài các thành phố, và Thủ tướng Nouri al-Maliki đã kêu gọi các bộ tộc địa phương đích thân tống xuất các phần tử chủ chiến.

Ông McGurk của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm qua nói rằng Ramadi đang ngày càng an toàn hơn, nhưng tình hình ở Fallujah phức tạp hơn, với một số dân địa phương ủng hộ al-Qaida và các phần tử chủ chiến tìm cách lôi kéo quân đội vào cuộc giao tranh.

Ông McGurk nói: “Quân đội Iraq sẽ có số lượng và thiết bị để vào Fallujah ngày mai và dọn sạch đường phố. Chúng tôi tin rằng nếu họ mở một cuộc tấn công như thế, thì vấn đề sẽ trở nên trầm trọng hơn.”

Ông cũng mô tả chu kỳ căng thẳng phe phái hiện nay ở Iraq. Người Sunni thiểu số đang đòi chính phủ do người Shia chế ngự thực hiện những cải cách, nhưng ông McGurk nói bạo động đã gây khó khăn cho ngưòi Shia và người Kurd trong việc hỗ trợ lập pháp. Theo ông, kết quả là al-Qaida đang lợi dụng sự chia rẽ bằng cách gây thêm bạo động và làm cho những cải cách mà người Sunni đang mưu tìm “ngày càng ra khỏi tầm với.”

Chủ tịch Uỷ ban Ngoại vụ Ed Royce nói giao tranh ở Syria làm al-Qaida mạnh thêm, trong tình hình các phần tử chủ chiến đi lại tự do giữa hai nước.

Ông McGurk gọi Tổng thống Bashar al Assad của Syria là “nam châm cho các chiến binh nước ngoài.” Ông nói chừng nào ông Assad còn nắm quyền, sẽ vẫn còn các tác động tai hại đối với các nước trong vùng, nhất là Iraq, Libăng, và Jordan.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG