Cổ phiếu sụt giá mạnh ở Trung Quốc và khắp châu Á hôm 21/8, sau khi các số liệu mới công bố về lĩnh vực sản xuất mang tính sống còn của Bắc Kinh thấp hơn so với dự kiến.
Chỉ số Tổng hợp Thượng Hải giảm 4,2% lúc đóng cửa, kéo dài tình trạng sụt giá trong tuần này tới mức 11%. Trong khi đó, chỉ số chính Thâm Quyến sụt giá 5,4%.
Tại Tokyo, chỉ số Nikkei giảm 3% lúc đóng cửa. Giá cổ phiếu cũng sụt giảm ở Hồng Kông, Seoul, Sydney, Singapore, Đài Loan, Bangkok và Jakarta.
Tại Hoa Kỳ, các chỉ số chứng khoán hôm qua cũng đồng loạt giảm giá. Chỉ số công nghiệp Dow Jones và Standard & Poor’s 500 đều giảm 2,1%. Đây là mức sụt giảm tồi tệ nhất ở Phố Wall trong vòng 18 tháng.
Trong khi đó, hôm 21/8, tình trạng bán tháo ở châu Á vẫn gia tăng sau khi chỉ số quản lý sức mua Tài Tân, thường được theo dõi sát, cho thấy hoạt động sản xuất sụt giảm ở Trung Quốc trong tháng Tám.
Các nhà đầu tư cũng vẫn lo ngại về việc Trung Quốc tiếp tục phá giá đồng nhân dân tệ cũng như việc liệu Bắc Kinh có tiếp tục tìm cách chống đỡ thị trường chứng khoán bất ổn hay không.
Nền kinh tế Trung Quốc hiện tăng trưởng chậm và có nhiều quan ngại rằng nước này có thể sẽ không đạt được mục tiêu GDP trong năm 2015 là khoảng “7%”. Mức tăng trưởng đó bị coi là thấp nhất của Trung Quốc trong vòng 11 năm, nhưng lại cao hơn so với mức của nhiều nền kinh tế phát triển trên thế giới.
Việc Trung Quốc bất ngờ phá giá đồng nhân dân tệ trong tháng được coi là một giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vì hàng hóa xuất khẩu của nước này ở các thị trường nước ngoài sẽ rẻ hơn nhiều.
Nhưng việc tiếp tục phá giá đồng nhân dân tệ sẽ gây ra một cuộc chiến tiền tệ trong khu vực, vì nhiều nước khác có thể giảm giá đồng tiền của họ để bảo vệ các thị trường xuất khẩu.