Đường dẫn truy cập

TQ trầm tĩnh vào lúc thách thức gia tăng ở Hong Kong, Đài Loan


Ông Benny Tai, Chan Kin-man, Chu Yiu-minh và đức Hồng y đã hồi hưu Joseph Zen đi vào trụ sở cảnh sát ở Hong Kong, 2/12/14
Ông Benny Tai, Chan Kin-man, Chu Yiu-minh và đức Hồng y đã hồi hưu Joseph Zen đi vào trụ sở cảnh sát ở Hong Kong, 2/12/14

Vào lúc tổng thống thân Bắc Kinh ở Đài Loan từ chức chủ tịch đảng của ông, và người biểu tình ở Hong Kong bàn về một cuộc tranh đấu dài hạn hơn để đòi dân chủ, Bắc Kinh đã tỏ ra trầm tĩnh, hạ giảm tầm quan trọng của những căng thẳng mới đây và tác động dài hạn có thể có.

Hôm thứ tư, phong trào Chiếm Trung ở Hong Kong cho hay 65 người biểu tình, kể cả những người sáng lập nhóm này, đã ra trình diện nhà chức trách. Nhưng sau khi điền các đơn từ thì họ đã được thả mà không bị truy tố.

Chia rẽ hay Đoàn kết?

Những người biểu tình như cô Priscilla Chiu quyết định ra trình diện công an để nhà chức trách biết là họ đã xử lý tình hình tệ hại ra sao và để ngăn chặn xảy ra thêm các vụ xung đột bạo động.

Cô Chiu nói, “Tôi nghĩ cũng như nhiều, rất nhiều công dân ở Hong Kong, tôi thất vọng não nề bởi vì đã không có thay đổi nào trong chủ trương của chính quyền đối với vấn đề này.”

Và trong khi không phải mọi người đều đồng ý, điều rõ ràng là một vài người cảm thấy rằng cuộc tranh đấu sẽ sớm chấm dứt.

Một số lãnh tụ sinh viên từ chối không rời đi đã phát động một cuộc tuyệt thực trong cố gắng khởi động lại các cuộc đàm phán với chính quyền về thể thức nhà lãnh đạo sắp tới của thành phố sẽ được bầu ra.

Trung Quốc nói chỉ có 2 hay 3 ứng cử viên có thể ra tranh cử trong cuộc bầu cử năm 2017 và họ phải qua cuộc kiểm tra trước của một uỷ ban thân Bắc Kinh. Người biểu tình muốn có các cuộc bầu cử trực tiếp và quyền được chọn các ứng cử viên mà không có sự can thiệp của Bắc Kinh.

Về lâu về dài

Người biểu tình nói chuyện với đài VOA cho biết bất kể điều gì sẽ xảy ra tới đây, phong trào mới chỉ bắt đầu.

Anh Sam Hui đã theo người biểu tình ngay từ ban đầu và nói anh biết rằng cần phải có thời gian mới có được dân chủ.

Anh Hui nói, “Cũng như những người biểu tình khác, tôi, chúng tôi sẽ cố hết sức mình. Nếu chúng ta không thể tranh đấu trong vài năm, thì có lẽ trong vài chục năm.” Anh nói thêm rằng anh sẽ tiếp tục tranh đấu để nhìn thấy sự thực cho dù điều đó có nghĩa là truyền lại công việc cho con cháu mình trong tương lai.

Cô Helen, một sinh viên biểu tình đang học để trở thành giáo viên, nói sự tham gia của cô vào các cuộc biểu tình đã giúp cô chín chắn hơn. Cô nói giờ đây cô quan tâm đến xã hội nhiều hơn.

Cô nói, “Trước đây, tôi có thể chỉ nghĩ rằng tôi sẽ chỉ đi dạy học trong trường. Nhưng bây giờ tôi nghĩ điều rất quan trọng là nói cho học sinh biết những gì đang xảy ra trong xã hội chúng ta và giá trị đích thực mà họ phải có để đối phó với tình hình này là gì.”

Sự Chia rẽ Sâu xa hơn

Và không phải chỉ ở Hong Kong sự chia rẽ mới gia tăng giữa những công dân trẻ tuổi và một nước Trung Quốc quyết liệt. Hồi cuối tuần qua, đảng của Tổng thống Mã Anh Cửu thân Trung Quốc ở Đài Loan, đã bị thất bại nặng nề trong các cuộc bầu cử địa phương. Các nhà phân tích quy trách sự thất bại một phần là do việc tổng thống ngày càng giao tiếp nhiều hơn về kinh tế với Trung Quốc và số cử tri trẻ hơn đi bỏ phiếu.

Ông Mã từ chức lãnh đạo đảng hôm thứ tư, hơn 1 năm trước khi Đài Loan tổ chức bầu cử tổng thống kỳ tới.

Quyết định từ nhiệm của Tổng thống Mã, cũng như sự kiện những người lãnh đạo Chiếm Trung tự ý ra trình diện với công an, đã được tường thuật đầy đủ trên các cơ quan truyền thông nhà nước. Tuy nhiên, không mấy điều được đề cập đến việc các chính sách của Trung Quốc đối với cả hai nước có thể đóng một vai trò.

Trung Quốc nói thất bại bầu cử không có liên quan gì nhiều đến bang giao xuyên eo biển, và kêu gọi Đài Loan cứu xét những “lợi ích cụ thể” mà mối bang giao đã mang lại.

Bắc Kinh hy vọng thông điệp đó sẽ thắng vào ngày cử tri sẽ đi bỏ phiếu trong năm 2016. Nhưng phần lớn còn phụ thuộc vào những gì xảy ra tại Hong Kong trong cùng thời gian đó.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG