Hoa Kỳ cho biết sẽ giám sát những vùng biển có tranh chấp ở Biển Đông để xem căng thẳng có giảm đi hay không, sau khi Trung Quốc bác bỏ một đề nghị mà Washington trình bày tại Diễn đàn Khu vực ASEAN ở Myanmar nhằm ngưng chỉ các hành động gây hấn. Từ trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ, thông tín viên Scott Stearns của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.
Các giới chức Hoa Kỳ cho biết họ sẽ giám sát “các đảo đá, các đảo san hô, và các bãi cạn” ở Biển Đông để tìm kiếm những dấu hiệu của sự giảm thiểu căng thẳng ở những vùng biển mà lực lượng tuần duyên Trung Quốc trong thời gian qua đã đối đầu với tàu bè của Việt Nam và Philippines. Brunei, Malaysia và Đài Loan cũng có những yêu sách chủ quyền chồng chéo nhau, khiến vùng này trở thành một điểm nóng có thể gây ra những vụ xung đột với những hậu quả tai hại cho công cuộc giao thương toàn cầu.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry từng hy vọng hội nghị ngoại trưởng ASEAN ở Myanmar sẽ tán đồng đề nghị ngưng chỉ mọi hành vi gây hấn ở Biển Đông. Nhưng Trung Quốc đã tạo áp lực, dưa tới chỗ ASEAN chấp nhận một thỏa thuận có tính chất hòa hoãn hơn và không có tính chất cưỡng hành.
Khi được hỏi về thỏa thuận đó, Ngoại trưởng Kerry nói rằng “ngôn từ trong đó quả thật đã đủ mạnh” để đạt được một số tiến bộ.
"Chúng tôi không tìm cách thông qua một điều gì đó cho có lệ. Chúng tôi tìm cách đưa ra bàn hộïi nghị những điều mà các nước có thể ủng hộ. Một số nước đã quyết định rằng đó là những điều mà họ sẽ làm. Đây là một tiến trình tự nguyện."
Nhưng thông cáo của ASEAN không hề trực tiếp nói rằng Bắc Kinh vi phạm luật pháp quốc tế, theo nhận xét của nhà phân tích Michael Auslin của Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ.
"Nếu chúng ta tiếp tục nói “Chúng tôi không muốn thấy những hành vi cưỡng ép”, Trung Quốc sẽ nói “Vâng, chúng tôi không hề cưỡng ép, họ mới chính là những kẻ cưỡng ép.” Do đó, chúng ta phải dùng những cách khác."
Ông Auslin cho rằng nếu không như vậy, Trung Quốc sẽ tiếp tục định nghĩa lại quyền kiểm soát hành chánh đối với những lãnh thổ có tranh chấp.
"Điều mà Trung Quốc muốn làm là tuyên bố rằng “Không. Không hề có tranh chấp. Không có tranh chấp đối với quần đảo Senkaku. Không có tranh chấp đối với quần đảo Trường Sa. Không có tranh chấp gì ở phần lớn khu vực Biển Đông. Không có tranh chấp gì đối với không phận ở Biển Đông Trung Hoa liên quan tới Khu vực Nhận dạng Phòng không, bởi vì đây là nơi mà Trung Quốc chúng tôi đang thật sự thực thi quyền quản lý hành chánh."
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đề nghị tiến hành điều mà ông gọi là “hiệp thương hữu nghị” với ASEAN, nhưng mạnh mẽ khẳng định là Trung Quốc có quyền bảo vệ chủ quyền và quyền lợi của mình trước điều mà ông gọi là “những sự khiêu khích vô lý.”
Sau khi hãng tin Tân Hoa của nhà nước Trung Quốc nêu lên nghi vấn về điều mà họ gọi là “ý đồ thật sự” của Mỹ ở Biển Đông, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Marie Harf nói rằng Washington không hề gây bất ổn ở Biển Đông.
"Chính những hành vi hung hãn của Trung Quốc đã gây ra bất ổn. Tất cả những gì mà chúng tôi làm đều nhắm tới mục tiêu giảm thiểu căng thẳng, giúp cho các nước giải quyết những bất đồng của họ bằng đường lối ngoại giao, chứ không bằng những biện pháp cưỡng ép hay khiêu khích như chúng ta đã thấy Trung Quốc thực hiện mỗi ngày một nhiều trong những tháng vừa qua."
Ngoại trưởng Myanmar Wunna Muang Lwin, người đã chủ tọa cuộc họp ngoại trưởng của ASEAN, nói rằng “Không phải là một bên tìm cách ảnh hưởng những bên khác” để chống lại một nước”, mà “Toàn thể ASEAN, không phải ASEAN đối kháng với Trung Quốc,” sẽ giải quyết những vụ tranh chấp này một cách hòa bình.