Đường dẫn truy cập

TQ xem trục xoay của Hoa Kỳ tại châu Á là một mối đe dọa


Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương
Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương
Tại hội nghị thượng đỉnh không chính thức giữa Tổng thống Obama và người tương nhiệm Tập Cận Bình tại California, cả hai bên đều cố tránh những tranh chấp có thể làm tổn thương mối quan hệ giữa hai cường quốc đang tồn tại và mới trỗi dậy. Theo tường trình của Thông tín viên Đài VOA Natalie Liu, mối quan tâm chính của Trung Quốc là sự chú trọng mới trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ về vùng châu Á-Thái Bình Dương—thường được gọi là “trục xoay”—nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Ông Tập Cận Bình trở thành chủ tịch Trung Quốc vào tháng Ba năm nay. Đây là chuyến thăm nước Mỹ đầu tiên của ông trong tư cách nguyên thủ quốc gia.

Dù Washington có một danh sách riêng các vấn đề thảo luận với ông Tập Cận Bình, nhưng đứng đầu nghị trình của Bắc Kinh là trục xoay của Hoa Kỳ tại châu Á, được Bắc Kinh xem như là một nỗ lực nhằm ngăn không cho Trung Quốc trở thành một siêu cường.

Các giới chức cao cấp Hoa Kỳ đã nỗ lực trấn an Trung Quốc là trục này không nhằm bao vây Trung Quốc như Bắc Kinh lo ngại. Ông Michael Pillsbury thuộc viện Hudson cũng đồng thời là cố vấn cho Ngũ Giác Đài nói:

“Trong 8 bài diễn văn quan trọng hiện nay, mọi người đều nói trục xoay này không nhằm vào Trung Quốc. Vấn đề duy nhất là, theo như thuật quản lý nhà nước cổ của Trung Quốc, thì người Trung Quốc xem đây như là một cường quốc hàng đầu đang nỗ lực trấn an một cường quốc đang trỗi dậy, nhưng ‘chúng tôi, người Trung Quốc, không đến nỗi ngu ngốc tin như vậy’ - nhưng tôi nghĩ là họ nên tin điều này.”

Những nhà phân tích khác không đồng ý với khuynh hướng này, cho rằng việc thường xuyên phủ nhận không phải là phương cách tốt nhất đối phó với Trung Quốc. Bà Kelley Currie, một thành viên của Dự án 2049, một viện nghiên cứu tại Washington chú trọng đến an ninh Đông Á nói:

“Khi chúng ta phủ nhận tất cả không liên hệ đến Trung Quốc thì càng làm cho nước này thêm nghi ngờ. Do đó tôi nghĩ chúng ta nên thành thật… vâng, một phần của trục xoay này là về bao vây và không ổn định mà những đồng minh trong vùng của chúng ta và những bạn bè của chúng ta cảm thấy đối với thái độ của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.”

Ông Ngụy Kinh Sinh là một nhà bất đồng chính kiến hàng đầu sống lưu vong. Ông nói chừng nào Trung Quốc vẫn còn dưới sự cai trị độc đảng, thì Hoa Kỳ không nên kỳ vọng một mối quan hệ hợp tác chân thật với Trung Quốc:

“Hệ thống chính trị và xã hội Hoa Kỳ rất hấp dẫn đối với người dân thường Trung Quốc, và điều này chính phủ Trung Quốc cảm thấy là một mối đe dọa căn bản cho sự sống còn của chính phủ.”

Hoa Kỳ cáo buộc Trung Quốc đã tiến hành do thám trên mạng chống lại Hoa Kỳ và nhiều nỗ lực này được giám sát trực tiếp từ một khu phức hợp tại Thượng Hải do một đơn vị đặc biệt của quân đội Trung Quốc thực hiện.

Những hoạt động như vậy làm cho hình ảnh của Trung Quốc tại Quốc hội Hoa Kỳ bị tổn thương. Dân biểu Cộng hòa Frank Wolf nói:

“Tôi nghĩ có nhiều điều tiêu cực đối với Trung Quốc, đặc biệt vì không gian ảo. Trung Quốc đã đánh cắp sở hữu trí tuệ của chúng ta.”

Washington cũng đã yêu cầu Trung Quốc dùng ảnh hưởng của mình để làm thay đổi thái độ khiêu khích mới đây của Bắc Triều Tiên. Ngay trước hội nghị thượng đỉnh, miền Bắc nói muốn thảo luận với Nam Triều Tiên. Các nhà phân tích tại Bắc Kinh gọi đây là một “món quà” cho Tổng thống Obama và nói thêm là đáp ứng của Washington có thể cho thấy Hoa Kỳ xem mối quan hệ với cường quốc mới như thế nào mà ông Tập Cận Bình muốn được trông thấy.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG