Đường dẫn truy cập

Tại sao phải trốn chạy hòa bình?


Những người Việt Nam tị nạn đi qua một chiếc tàu Hải quân Mỹ; Operation Frequent Wind là cuộc rút quân cuối cùng ở Sài Gòn ngày 29/4/1975. (Ảnh tư liệu của chính phủ liên bang Mỹ)
Những người Việt Nam tị nạn đi qua một chiếc tàu Hải quân Mỹ; Operation Frequent Wind là cuộc rút quân cuối cùng ở Sài Gòn ngày 29/4/1975. (Ảnh tư liệu của chính phủ liên bang Mỹ)
Ngày 30 Tháng Tư năm 2013 đánh dấu kỷ niệm lần thứ 38 ngày Sài Gòn thất thủ, ngày Miền Nam Việt Nam bị Miền Bắc Cộng Sản tiêu diệt - hay thường được nhiều người gọi là ngày kết thúc cuộc chiến Việt Nam. Nếu không có ngày này, tôi tin rằng đã không có nhiều nhà hàng Việt Nam như hiện nay nơi bạn ở. Và nếu không có ngày này thì chắc chắn tôi cũng đã không có mặt hôm nay tại nơi này để nói cho các bạn rõ về những gì đã xảy ra từ dạo đó.

Vì đã sinh sống qua gần 2 thập niên ở nước ngoài trước khi quyết định trở lại Việt Nam vào năm 2007, tôi thường được những người tôi gặp trong các chuyến đi của tôi trên thế giới hỏi tôi về thời gian tôi sinh sống ở Việt Nam trong thời kỳ hậu chiến sau năm 1975 và về tình hình đất nước hiện nay, 38 năm sau. Điều thường khiến tôi ngạc nhiên nhất là khi tôi hỏi lại họ về những gì họ đã biết về đất nước tôi thì hình như chỉ có 2 phiên bản Việt Nam được nhắc tới.

Phiên bản thứ nhất là một Việt Nam đẩy rẫy những câu chuyện kinh hoàng và những hình ảnh về một đất nước tan nát vì bị cuộc chiến do người Mỹ dẫn đầu tàn phá. Phiên bản thứ hai là một con hổ kinh tế đang trỗi dậy ở Viễn Đông, điểm đến “thời thượng” của những người trẻ trung và danh tiếng.

Brad Pitt và Angelina Jolie đã tiếp tục trở lại Việt Nam. À! trước đây không lâu họ còn nhận một em bé Việt Nam làm con nuôi và đặt tên cho em là Pax – Hòa Bình. Trong khi hàng đoàn du khách ba-lô từ Úc, châu Âu và khắp nước Mỹ đã thành tâm làm theo lời khuyên của sách hướng dẩn du lịch Lonely Planet để ghé thăm mọi nơi từ Hà Nội đến Thành phố Hồ Chí Minh, tên mới của Sài Gòn, để sững sờ trước nền văn hóa và cảnh sắc mỹ tú của đất nước này. Để nếm thữ hương vị một bát “phở” trước khi bắt đầu một ngày rong chơi với một ngân sách tiết kiệm. Họ đã có thể nhìn thấy tận mắt rằng bây giờ mọi thứ đều thanh bình, yên ổn và dân chúng có vẻ hạnh phúc, hài lòng với vận mệnh mới của mình
.
Hay ít ra nó cũng có vẻ như vậy.

Cho đến khi tôi cho họ biết sự thật không hẳn vậy.

Như các bạn thấy, cũng giống như 2 triệu người Việt Nam khác đã rời bỏ đất nước từ cái ngày định mệnh đó 38 năm trước đây, gia đình tôi đã đến nước Úc như những người tỵ nạn, do hậu quả của cuộc chiến Việt Nam. Sự thật chúng tôi là một phần trong cuộc vượt thoát ồ ạt đầu tiên của người Việt Nam rời bỏ quê cha đất tổ.

Mặc dù đã xảy ra nhiều cuộc chiến tranh với nước Trung Hoa láng giềng ở phương bắc, mặc dù đã trải qua một trăm năm đấu tranh giành độc lập chống chủ nghĩa thực dân Pháp, và mặc dù đã là nạn nhân của một nạn đói khủng khiếp do người Nhật gây ra trong Thế chiến thứ II, tiếp theo đó là Chiến tranh Việt Nam kéo dài cho đến năm 1975, người Việt nam đã luôn gắn bó với nơi chôn nhau cắt rốn và chấp nhận chịu đựng tất cả để chọn Việt Nam làm quê cha đất tổ.

Bất chấp mọi cuộc đổ máu. Bất chấp mọi mất mát, thiệt hại.

Nhưng, lần đầu tiên trong lịch sử của đất nước chúng tôi và chẳng bao lâu sau khi chiến tranh chấm dứt, người ta bắt đầu ra đi, thoạt tiên là từng nhóm nhỏ, rồi sau đó là hàng chục ngàn người. Họ đi bằng thuyền và đi bộ. Bất chấp mọi hiểm nguy trên biển cả và những gì đang chờ đợi họ tại bến bờ bên kia. Theo ước tính, từ 10% cho đến 30% tổng số thuyền nhân đã không bao giờ được đặt chân lên đất liền. Từ 1975 đến 1997, khi cuộc vượt thoát ồ ạt chấm dứt, đã có khoảng 1 triệu người Việt Nam đến được các nước lân cận.

Điều này bắt buộc phải đặt ra câu hỏi: Tại sao họ lại phải trốn chạy hòa bình?
Câu trả lời rất đơn giản. Đó là ngay cả sau khi chiến tranh kết thúc và hòa bình được lập lại, sự thật và công lý chưa bao giờ thắng thế trên đất nước tôi. Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về quyền tự do hội họp và lập hội, Ông Maina Kiai, mới đây đã gọi tình trạng này là một “cơn hôn mê hòa bình” (peace coma). Rằng nhân danh hòa bình, chúng ta đã cố tình làm ngơ trước những vi phạm trắng trợn nhất về quyền con người bởi các chế độ áp bức nhất trên thế giới hiện nay, trong đó có chế độ Cộng sản Việt Nam.

Ba tháng sau ngày 30 Tháng Tư 1975, cha tôi, cùng với hàng trăm ngàn quân nhân và trí thức của Miền Nam Việt Nam đã bị tống vào các “trại cải tạo” mà không được xét xử. Ba 3 năm sau đó, ông được thả nhưng không được phép trở lại nghề dạy học; thay vào đó, giống như các gia đình khác bị buộc tội “phản cách mạng”, chúng tôi bị đuổi ra khỏi căn nhà của chúng tôi ở Sài Gòn và cưởng bách dời cư đến những nơi gọi là “các khu kinh tế mới” để nhường chỗ cho một nhà nước không tưởng mới.

Thuyền nhân Việt Nam chờ được cứu vớt.
Thuyền nhân Việt Nam chờ được cứu vớt.
Điều đó đã tạo ra làn sóng đầu tiên của thuyền nhân rời khỏi Việt Nam. Cha tôi là một trong những người này.

Kế tiếp, những người Cộng sản chiến thắng mới bắt tay vào việc quốc hữu hóa mọi doanh nghiệp và khởi sự thực hiện một chương trình kinh tế xã hội chủ nghĩa theo đó mọi tư liệu sản xuất và quyền sở hữu đất đai giờ đây đều thuộc về nhà nước thay vì các cá nhân như trước.

Điều này gây nên làn sóng người tỵ nạn thứ nhì rời bỏ Việt Nam, và đợt vượt thoát này chỉ ngừng lại khi Hà Nội nhận ra rằng việc tiếp tục thực hiện chính sách đó sẽ đưa đển chỗ sụp đổ hoàn toàn của nền kinh tế đất nước. Được hỗ trợ bởi tinh thần của chính sách “perestroika” (cải tổ) ở Liên Xô cũ vào cuối thập niên 1980, các nhà lãnh đạo đảng bắt đầu một loạt cải cách kinh tế và trong 2 thập niên qua những cải cách này đã giúp Việt Nam thoát ra khỏi nạn nghèo khổ cùng cực.

Tuy nhiên chế độ xã hội và chính trị của đất nước này vẫn không có gì thay đổi và cho đến tận hôm nay, tất cả đất đai vẫn thuộc quyền sở hữu của nhà nước và hàng trăm người bất đồng chính kiến vẫn còn bị giam cầm chỉ vì họ dám thách thức sự cai trị độc đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự thật là Facebook bị ngăn chặn, không một phương tiện truyền thông độc lập nào được phép hoạt động, các cuộc biểu tình phản đối bị nghiêm cấm, và những người bảo vệ nhân quyền thường xuyên bị sách nhiễu, khủng bố. Để cuối cùng một số nhân vật bất đồng chính kiến phải đào thoát để xin tỵ nạn chính trị ở các nước khác trong khi những người ở lại có thể bị kết án đến 16 năm tù vì những hoạt động ủng hộ nhân quyền của họ.

Như vậy, một sự thật phũ phàng là vẫn còn người tỵ nạn từ Việt Nam và không có hòa bình thật sự hay công lý được thực hiện trên quê hương tôi.

Bởi thế, câu hỏi mà tôi thường đặt ra là:

Tất cả những người có thiện ý từng phản đối cuộc chiến Việt Nam trong những thập niên 60 và 70 ngày nay đang ở đâu?

Phải chăng họ chẳng màng tìm hiểu những gì đã xảy ra sau đó tại Việt Nam?

Quan trọng hơn, giờ đây họ có thể làm gì để góp phần giúp cho Việt Nam trở thành một nơi tốt đẹp hơn, tự do hơn? Như họ đã từng nhiệt tình tuyên bố cách đây 4 thập niên trước.

Đây là bài viết mới nhất của tôi được đăng nguyên bản bằng tiếng Anh trên báo Asia Times tuần này. Trong tuần tới tôi mong là sẽ có những tờ báo khác đăng lại. Riêng hôm nay tôi xin gửi các bạn bài dịch này. Nếu có ý kiến gì xin các bạn cứ email cho tôi biết at: hoitrinh@hotmail.com.

* Blog của Luật sư Trịnh Hội là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
  • 16x9 Image

    Trịnh Hội

    Làm sao để có thể tự giới thiệu về mình một cách tốt nhất và đúng nhất đây hả bạn? Có lẽ bạn chỉ cần biết đại khái như thế này. Tôi sinh ra ở Đa Kao gần cầu Bông, Sài Gòn và sang định cư ở Úc từ năm tôi 14 tuổi. Từ lúc ra trường luật cho đến nay tôi đã sống và làm việc ở Úc, Hồng Kông, Philippines, Mỹ, Anh Quốc và dĩ nhiên là Việt Nam...
XS
SM
MD
LG