Đường dẫn truy cập

Các nhà điều tra nhân quyền LHQ yêu cầu được gặp TT Syria


Chủ tịch Ủy Ban Điều Tra về Syria của Liên Hiệp Quốc Paulo Pinheiro (trái) và Cao ủy trưởng Cao ủy Nhân quyền Liên hiệp quốc Navi Pillay
Chủ tịch Ủy Ban Điều Tra về Syria của Liên Hiệp Quốc Paulo Pinheiro (trái) và Cao ủy trưởng Cao ủy Nhân quyền Liên hiệp quốc Navi Pillay
Các nhà điều tra về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc đã gởi một bức thư cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad, yêu cầu tổ chức một cuộc gặp gỡ để bàn về tình hình nhân quyền đang xấu đi tại Syria. Các thành viên của Ủy Ban Điều Tra về Syria của Liên Hiệp Quốc đã nhóm họp lần đầu để lập kế hoạch cho một sứ mạng tìm hiểu tình hình trong vùng.

Đây là lần đầu tiên Ủy Ban Điều Tra về Syria của Liên Hiệp Quốc yêu cầu một cuộc gặp trực tiếp với Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Chính phủ Syria đã từ chối không cho ủy ban gặp mặt trong các chuyến đi tìm hiểu tình hình trước đây.

Hiện chưa có hồi đáp trực tiếp nào từ chính quyền Syria.

Trong các cuộc điều tra trước, các điều tra viên Liên Hiệp Quốc đã thâu thập thông tin từ những người tận mắt chứng kiến, các tổ chức bênh vực nhân quyền, các cơ quan Liên Hiệp Quốc và các tổ chức khác ở các nước láng giềng.

Xét tình hình chiến sự căng thẳng và tình trạng nhân quyền xấu đi tại Syria, Chủ tịch Ủy ban Paulo Pinheiro nói ông hy vọng rằng ông và các đồng nghiệp có thể gặp ông Assad. Ông Pinheiro nói:

“Tôi không có khả năng thấy trước mọi việc, và không biết liệu ông Assad có chịu gặp phái bộ hay không, nhưng bổn phận của ủy ban là phải tìm cách tiếp xúc. Tôi đã có mặt ở Syria hồi tháng Sáu để cố gắng vận động để ủy ban được gặp tổng thống Syria. Tôi nghĩ điều quan trọng là ủy ban có thể nói chuyện với một người có thẩm quyền. Nhưng chúng tôi dự định tới Syria một cách vô điều kiện, và chỉ xin gặp Tổng thống Assad để thảo luận việc cho phép ủy ban được lui tới Syria.”

Một phúc trình của các nhà điều tra được đệ trình lên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hồi tháng Tám, tố cáo cả chính phủ Syria lẫn các lực lượng đối lập là đã phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại.

Phúc trình này quy trách nhiệm cho những cấp cao nhất trong chính phủ, cũng như các lực lượng an ninh và quân đội Syria là đã thực hiện những hành vi tàn bạo, kể cả giết người, tra tấn, tấn công thường dân, và các hành vi bạo động tình dục.

Trong khi các nhà điều tra nói rằng các lực lượng đối lập cũng phạm một số tội ác chiến tranh, họ nói các vụ vi phạm và lạm quyền đó không nghiêm trọng và xảy ra thường xuyên trên quy mô lớn như so với những vi phạm do phía chính quyền Syria và các đồng minh của họ thực hiện.

Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nới rộng nhiệm quyền của ủy ban hồi cuối tháng Chín, và tăng số các điều tra viên lên 4 người, đồng thời cung cấp thêm tiền và nhân sự để yểm trợ công việc của ủy ban.

Một trong những thành viên mới được bổ nhiệm là cựu công tố viên Tòa án Hình sự Quốc tế Carla del Ponte. Bà Ponte đã chủ trì các vụ án xét xử những người bị cáo buộc đã phạm tội ác chiến tranh ở Serbia.

Bà Del Ponte nói bà nhận thấy có những điểm tương đồng giữa các cuộc điều tra tại vùng Balkan và những gì xảy ra tại Syria. Bà nói:

“Dĩ nhiên sự tương đồng nằm ở chỗ tòa án hình sự quốc tế xử lý những tội ác giống nhau như tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại, và chắc chắn cũng tương tự trong cách tiến hành điều tra . Tương lai sẽ như thế nào sau khi ủy ban công bố phúc trình, tôi không biết … nhưng dĩ nhiên, trong tư cách một cựu công tố viên, tôi có thể nói rằng “vâng”, những kẻ chịu trách nhiệm về các tội ác đó phải được đưa ra trước công lý.”

Trong khuôn khổ cuộc điều tra, ủy ban cho biết sẽ xác định quan chức chính trị cao cấp nào và các nhân vật nào trong quân đội Syria phải chịu trách nhiệm về những tội ác tại Syria.

Các điều tra viên nói mọi sự tùy thuộc ở Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc quyết định có nên công bố danh sách những nhân vật bị đưa ra trước công lý hay không, và khi nào nên làm việc đó.

Một toán hỗ trợ sẽ đến Trung Đông trong những tuần lễ sắp tới để đặt nền móng cho công tác tìm hiểu sự thật của ủy ban. Nhóm này dự trù sẽ hoàn tất một phúc trình, nêu lên những phát hiện của họ vào tháng Giêng, và đệ trình lên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào tháng Ba sang năm.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG