Hoa Kỳ đang tăng gấp đôi các nỗ lực ngoại giao và trông đợi các cuộc họp khu vực sắp tới sẽ xoa dịu tình hình sau khi một tòa án quốc tế bác bỏ cơ sở pháp lý của những khẳng định chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Thông tín viên VOA Nike Ching tại Bộ Ngoại giao tường trình rằng lập luận gay gắt đang tăng thêm trong khu vực sau phán quyết của tòa án La Haye chủ yếu bác bỏ phần lớn các khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh.
Nhưng một thao tác ngoại giao đã được xúc tiến để đẩy đẩy mạnh các nguyên tắc hành xử có thể chấp nhận được trong vùng biển có tranh chấp. Đó sẽ là một trọng điểm khi các bộ trưởng ngoại giao tề tựu trong các cuộc họp của ASEAN trong tuần tới tại Lào.
Phụ tá Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Colin Willett nói:
“Biển Đông từng là một trong các vấn đề chính trị và an ninh hàng đầu trong khu vực, và như thế, vấn đề này sẽ được thảo luận ráo riết bất cứ khi nào chúng ta có các cuộc họp đa phương này".
Các thành viên ASEAN đã thảo luận từ hơn chục năm nay về một bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc về Biển Đông, trong khi Trung Quốc tiếp tục bành trướng sự hiện diện ở đó.
Các nhà phân tích nói đó có thể là một nhiệm vụ khó khăn ngay cả sau khi tòa đưa ra phán quyết.
Ông Gregory Poling, Giám đốc Dự án Minh bạch Hàng hải châu Á của CSIS nói:
“Khái niệm Bắc Kinh sẵn sàng chấp nhận bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc có tác dụng hạn chế các hành động của Bắc Kinh, nghe có vẻ như một cái bánh vẽ - ngay lúc này.”
Ông Poling và các chuyên gia phân tích khác cảnh báo rằng những lập luận của Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tranh đua với nhau. Washington nhấn mạnh về một đường lối pháp trị, và quân đội Hoa Kỳ đang thực hiện các cuộc tuần tra tự do hàng hải ở vùng biển có tranh chấp, trong khi Bắc Kinh kiên quyết chống lại mọi hành động khiêu khích trong vùng biển mà họ nhận thuộc quyền riêng của họ.