Bộ Quốc phòng Việt Nam mới đây đã tổ chức một hội nghị trực tuyến, tổng kết 10 năm thực hiện Luật Quốc phòng.
Truyền hình Việt Nam đưa tin, “sau 10 năm thực hiện Luật Quốc phòng, đến nay hệ thống các văn bản về lĩnh vực quốc phòng, cơ bản được hoàn thiện”.
VTV còn dẫn chính sách quốc phòng cho biết rằng Việt Nam theo đuổi “đường lối, chính sách quốc phòng mang tính chất hoà bình, tự vệ, thể hiện rõ chủ trương không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực trong các quan hệ quốc tế, chủ động giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ bằng các biện pháp hoà bình”.
Theo báo Quân đội Nhân dân, phát biểu tại sự kiện này hôm 28/11, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, nói rằng “kết quả quan trọng nhất sau 10 năm thực hiện Luật Quốc phòng là nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và nhân dân cả nước về nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc có chuyển biến rõ rệt”.
Cơ quan báo chí của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng Việt Nam còn dẫn lời ông Lịch “chỉ ra những hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện Luật Quốc phòng”.
Bộ trưởng Quốc phòng dẫn ra các ví dụ như “công tác tuyên truyền, phổ biến Luật và công tác quản lý nhà nước về quốc phòng ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức; các mặt bảo đảm cho động viên quốc phòng và dự trữ vật chất cho hoạt động của khu vực phòng thủ còn nhiều bất cập hay việc quán triệt quan điểm phát triển kinh tế - xã hội kết hợp củng cố quốc phòng, an ninh chưa toàn diện”.
Luật Quốc phòng của Việt Nam được thông qua năm 2005 “quy định chính sách quốc phòng, nguyên tắc, nội dung cơ bản về hoạt động quốc phòng; hoạt động của lực lượng vũ trang nhân dân; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, quyền và nghĩa vụ của công dân về quốc phòng”.
Việc tổng kết luật này diễn ra trong bối cảnh tình hình biển Đông vẫn chưa có dấu hiệu nguội đi, nhất là sau khi một viện nghiên cứu của Trung Quốc tuyên bố rằng nước này “có thể thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không” ở vùng biển tranh chấp.