Hai nhà ngoại giao hàng đầu của Việt Nam và Hàn Quốc mới thảo luận cách thức “cùng nhau khống chế” Bình Nhưỡng, cũng như trao đổi về vụ ám sát anh trai cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un ở Malaysia.
Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se hôm 20/3 hội kiến với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh ở Hà Nội nhân dịp hai nước kỷ niệm 25 năm ngày thiết lập quan hệ.
Trong cuộc gặp, ông Yun đã nêu vấn đề hạt nhân và tên lửa của Bắc Hàn cũng như mối đe dọa của chương trình này đối với hòa bình và ổn định của châu Á và cộng đồng quốc tế, hãng tin Yonhap dẫn các nguồn tin cho biết như vậy.
Nhà hàng Bắc Hàn ở Việt Nam bác bỏ cáo buộc làm gián điệp
Một nhà ngoại giao Bắc Hàn ở Việt Nam ‘xin tị nạn’
Cuộc họp giữa Seoul và Hà Nội diễn ra ít ngày sau khi Ngoại trưởng Hàn Quốc gặp người đồng nhiệm Mỹ Rex Tillerson, trong đó, theo Yonhap, hai bên đồng ý cùng nỗ lực vận động ủng hộ của các nước Đông Nam Á đối với các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn với Bắc Hàn.
Hà Nội chưa có phản ứng về vụ thử động cơ tên lửa mới nhất của Bắc Hàn hôm 19/3, khi ông Tillerson đang thăm Trung Quốc. Nhưng trước đây trong tháng, sau khi Bình Nhưỡng phóng thử 4 quả tên lửa đạn đạo về hướng Nhật Bản, Việt Nam cho biết “hết sức quan ngại” và yêu cầu “hành động mang tính xây dựng, đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực và thế giới”.
Trả lời VOA Việt Ngữ ngày 21/3, ông Phạm Tất Dong, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt – Triều, cho biết rằng quan hệ Việt Nam - Bắc Hàn đang ở trong tình thế “tế nhị”.
Theo tôi biết, bây giờ nó đang phức tạp. Mọi liên hệ sẽ cố gắng hạn chế. Không ở mức cao đâu. Họ không tuân thủ nhiều quy ước quốc tế mà mình quan hệ với họ thì quốc tế nó lại lánh mình.Ông Phạm Tất Dong, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt – Triều, nói.
Ông nói thêm: “Theo tôi biết, bây giờ nó đang phức tạp. Mọi liên hệ sẽ cố gắng hạn chế. Không ở mức cao đâu. Họ không tuân thủ nhiều quy ước quốc tế mà mình quan hệ với họ thì quốc tế nó lại lánh mình. Đấy, nó khó chỗ ấy. Tôi cũng được thông báo rằng là sẽ hạn chế cái quan hệ trong lúc này, và nếu như có quan hệ gì đó thì tôi chỉ cho cấp phó làm thôi. Tôi không có quan hệ gì sâu nữa”.
Trong các tin tức loan tải về chuyến thăm Việt Nam của ông Yun Byung-se, báo chí trong nước không nhắc tới chuyện đôi bên thảo luận về vấn đề Bắc Hàn.
Theo tin của truyền thông từ bán đảo Triều Tiên, trong cuộc gặp giữa hai nhà ngoại giao hàng đầu của Hà Nội và Seoul, phía Hàn Quốc cũng đề cập tới vụ bắt giữ công dân người Việt, cô Đoàn Thị Hương, ở Malaysia vì liên quan tới vụ giết hại người anh trai cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un, cũng như việc sử dụng chất độc thần kinh VX bị cấm.
Cái vụ này, đằng sau nó còn phức tạp nữa. Mình vẫn chưa hiểu hết về bản chất của nó. Chưa đủ dữ liệu để kết luận.Chủ tịch Hội hữu nghị Việt – Triều nói.
Theo Yonhap, ông Yun kêu gọi “sự hợp tác của Việt Nam nhằm gây sức ép quốc tế lên Bắc Hàn” về vụ việc mà tình báo Hàn Quốc và Mỹ nói là Bình Nhưỡng có dính líu, nhưng chính quyền Kim Jong Un bác bỏ.
Khi được hỏi liệu việc người Việt dính tới vụ này có tác động tới quan hệ Bắc Hàn và Hà Nội hay không, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt – Triều nói: “Đó chỉ là cái cớ nào đó thôi. Cái vụ này, đằng sau nó còn phức tạp nữa. Mình vẫn chưa hiểu hết về bản chất của nó. Chưa đủ dữ liệu để kết luận”.
Ngoài chuyện gây áp lực cho Bình Nhưỡng, theo Reuters, phía Việt Nam cũng vận động Hàn Quốc ủng hộ quan điểm của Hà Nội về vấn đề tranh chấp biển đảo.
Trang web của chính phủ Việt Nam dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “đề nghị Hàn Quốc tiếp tục ủng hộ lập trường của Việt Nam và ASEAN về vấn đề Biển Đông và giúp Việt Nam tăng cường năng lực thực thi pháp luật trên biển”.
Việt Nam, Philippines và ‘bài toán’ Trung Quốc
Việt Nam ‘bác gợi ý’ của Bộ Quốc phòng Philippines?
Bắc Hàn từng hỗ trợ vật chất cho “quốc gia anh em cộng sản” trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam. Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, quan hệ giữa hai nước cùng theo chế độ xã hội chủ nghĩa không phải luôn luôn nồng ấm, nhất là sau khi Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc hồi đầu những năm 90.
Hơn một thập kỷ sau, năm 2004, Bình Nhưỡng cũng tỏ ý không hài lòng sau khi có tin rằng Hà Nội cho phép hàng trăm người Bắc Hàn sang Nam Triều Tiên tị nạn sau khi họ đào tẩu qua ngả Việt Nam.