Tổng thống Juan Manuel Santos của Colombia hôm 7/10 được trao giải Nobel Hòa bình vì những nỗ lực của ông trong việc đưa cuộc xung đột kéo dài năm thập kỷ với phiến quân theo chủ nghĩa Marx tới hồi kết.
"Tôi rất vinh dự và rất cảm kích ... đây là sự kiện rất quan trọng đối với đất nước tôi, đối với những nạn nhân của cuộc chiến tranh này và đây là một cam kết để tiếp tục cố gắng mang lại hòa bình cho đất nước tôi. Tôi rất cảm kích, xin cảm ơn rất, rất nhiều." Ông Santos nói với giám đốc Viện Nobel Na Uy tại Oslo khi ông này gọi điện thoại cho ông để báo tin.
Ông Santos và thủ lĩnh của Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC) Timoleón Jiménez, biệt danh Timochenko, đã ký hiệp định hòa bình lịch sử vào tháng Chín, chấm dứt cuộc xung đột lâu năm nhất ở Châu Mỹ Latinh, mặc dù hiệp định này sau đó đã bị đa số cử tri bác bỏ trong một cuộc trưng cầu dân ý.
Dù hiệp định bị bác bỏ, ông Santos đã hứa sẽ hồi sinh kế hoạch hòa bình mà nhiều người Colombia xem là quá khoan dung đối với phiến quân FARC.
"Việc đa số cử tri nói không với hiệp định hòa bình không nhất thiết có nghĩa là tiến trình hòa bình đã chết. Cuộc trưng cầu dân ý không phải là một cuộc bỏ phiếu ủng hộ hay chống lại hòa bình," ủy ban đề cử Nobel cho biết trong một thông cáo.
Ủy ban nói cuộc bỏ phiếu bác bỏ không phải là một cuộc bỏ phiếu chống lại hòa bình, mà là chống lại một thỏa thuận hòa bình cụ thể, và khuyến khích tất cả các bên tiếp tục cuộc đối thoại quốc gia nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình.
Thông cáo nói tiếp: "Đạt được sự cân bằng giữa nhu cầu hòa giải dân tộc và bảo đảm công lý cho những nạn nhân sẽ là một thách thức đặc biệt khó khăn. Không có câu trả lời đơn giản cho việc làm thế nào để đạt được điều này."
Cử tri bỏ phiếu bác bỏ thỏa thuận với tỉ lệ vô cùng sít sao 50,2%, hay với cách biệt chỉ 54.000 phiếu. Những cuộc khảo sát trước cuộc bỏ phiếu hôm 2/10 dự báo cuộc trưng cầu dân ý sẽ thông qua với tỉ lệ 2-1.
Ông Santos đầu tuần này nói rằng ông sẽ triển hạn một thỏa thuận ngừng bắn đạt được với phiến quân tới ngày 31 tháng 10 trong một nỗ lực nhằm tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán, nhưng đề nghị của ông đã vấp phải thái độ hoài nghi của ông Timonchenko.
"Và sau đó chiến tranh tiếp tục?" thủ lĩnh này đáp lại trên Twitter.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon hôm 3/10 cho biết Liên Hiệp Quốc vẫn theo đuổi tiến trình hòa bình và sẽ tiếp tục giúp đỡ chính phủ Colombia đạt được thỏa thuận với phiến quân.
Ông Ban cũng cho biết ông đã cấp tốc cử đại diện đặc biệt Jean Arnault đến thủ đô của Cuba, nơi những đại diện của phiến quân và quan chức Colombia khi đó đang hội họp tìm cách cứu vãn thỏa thuận hòa bình, để tham vấn.
Việc tái thương thuyết thỏa thuận hòa bình dường như xoay quanh việc phiến quân có chấp nhận những điều khoản nghiêm khắc hơn hay không.
Nhiều cử tri bỏ phiếu “không” cảm thấy bị xúc phạm vì gần như tất cả phiến quân FARC sẽ tránh ngồi tù về những tội ác mà họ bị cáo buộc phạm phải trong cuộc nổi dậy, và việc họ nhận được nhiều hỗ trợ tài chính từ chính phủ.
Cử tri cũng bất bình vì FARC sẽ được bảo đảm một số ghế trong Quốc hội Colombia mà không thông qua bầu cử để đổi lấy việc biến FARC thành một đảng phái chính trị.
Ông Timochenko đã công khai xin được tha thứ về bất cứ tổn hại nào mà phiến quân đã gây ra trong cuộc nổi dậy lâu năm.