Đường dẫn truy cập

Tân trường phái chính trị Trump?


Ông Trump trong một hoạt động tôn giáo tại New York, 23 tháng Tư. (Hình: REUTERS/Brendan McDermid)
Ông Trump trong một hoạt động tôn giáo tại New York, 23 tháng Tư. (Hình: REUTERS/Brendan McDermid)

Khi chúng tôi đặt bút viết bài này, là đúng ba tháng nhậm chức của tân Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump (20-1 đến 20-4-2017). Ba tháng mà người ta thường coi như “Thời kỳ trăng mật” vốn dành cho một tân tổng thống để lập thành tích tiên khởi chứng tỏ khả năng lãnh đạo và hiệu quả thực tế của các chủ trương chính sách từng được đưa ra trong thời kỳ tranh cử. Nhưng với tân Tổng Thống Trump, dường như ba tháng thử thách này không phải là “thời kỳ trăng mật” mà là “Thời kỳ mật đắng” như chúng tôi từng trình bày trên diễn đàn này.

Nhìn lại chặng đường tranh cử cho đến lúc này, mọi người đều có nhận xét chung, rằng ông Trump là tổng thống “vô tiền khoáng hậu”, không giống bất cứ 44 vị tổng thống Hoa Kỳ tiền nhiệm nào. Sự khác biệt và độc đáo thể hiện từ khi là một ứng viên trong giai đoạn tranh cử sơ bộ trong nội bộ đảng cũng như tranh cử chính thức toàn quốc; đến sau ba tháng đầu khởi nghiệp cầm quyền. Sự khác biệt được thể hiện qua nhiều mặt như nhân thân, cá tính, lời ăn tiếng nói, cung cách lãnh đạo, chủ trương chính sách đối nội cũng như đối ngoại đưa ra và thực hiện sau khi nhậm chức.

Trước những khác biệt này, chúng tôi tự hỏi: Phải chăng tân Tổng thống Trump đã và đang thử nghiệp một tân trường phái chính trị, bên cạnh hai trường phái lâu đời “Trường phái Cộng Hòa” và “Trường phái Dân chủ”? - Có thể tạm gọi là “Trường phái chính trị Trump” chăng? Vậy có sự khác biệt nào giữa trường phái chính trị Trump và hai trường phái chính trị Cộng hòa và Dân chủ?

Khác biệt

Donald Trump là ứng viên tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên xuất thân là thương gia chưa từng nắm bất cứ chức vụ dân cử hay công cử nào; ứng viên đầu tiên là một nhà tư bản tỷ phú đã bỏ tiền túi ra tranh cử, không tổ chức gây quỹ tranh cử như các ứng viên khác bao lâu nay thường làm… Không biết có phải vì vậy mà ông Trump có được độc lập tự chủ để thể hiện cá tính ăn ngay nói thẳng, bạo mồm bạo miệng, muốn nói gì thì nói chẳng sợ ai, bất chấp hậu quả, dù bất lợi cho mình?

Do cá tính sôi nổi, cung cách xử sự thiếu tế nhị, hay không cần tế nhị, lời nói bộc trực, đưa ra các chủ trương chính sách táo bạo về các vấn đề gai góc khác với các ứng viên khác trong cũng như ngoài đảng Cộng hòa. mà Ông Donald Trump từ khi là ứng viên tranh cử đến khi làm tổng thống đã bị chống đối từ nhiều phía, trong cũng như ngoài đảng, hầu hết giới báo chí cũng có bài viết chống lại gây bất lợi nhiều mặt cho Trump. Ngay trong những tuần lễ đầu sau khi nhâm chức, nhiều cuộc biểu tình chống Trump nổ ra trên nhiều tiểu bang Hoa Kỳ, có khi lên đến cả triệu người (dân chủ mà).

Thế nhưng Donalp Trump lại đáp ứng đúng thị hiếu và chiếm được niềm tin của đa số cử tri “thầm lặng” của đảng Cộng hòa cũng như Dân chủ. Họ tin Donald Trump là người ngay thẳng, ăn nói bộc trực, không lươn lẹo như miệng lưỡi của các chính trị gia chuyên nghiệp, nên tin rằng “Trump nói là làm” và có thể sẽ làm được những chủ trương chính sách táo bạo để giải quyết những vấn đề gai góc của đất nước, được dân chúng quan tâm hàng đầu về đối nội (Nhập cư, bảo hiểm y tế, ưu tiên lo cho đời sống nhân dân trong nước…) cũng như đối ngoại (chống khủng bố, bảo vệ mậu dịch, xét lại các hiệp ước bất công cho Hoa Kỳ…)

Chính vì thế và nhờ vậy, ứng viên Trump lần lượt đánh bại 16 ứng viên vốn là các chính trị gia chuyên nghiệp thượng thặng của đảng Cộng hòa trong bầu cử sơ bộ và sau đó trong cuộc bầu cử chính thức đã đánh bại luôn ứng viên Hillary Clinton giàu kinh nghiệm, đầy thế lực của đảng Dân chủ, có ưu thế hơn, để trở thành tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, trái với dự đoán của số đông và kết quả các cuộc thăm dò dư luận trước đó. Ngoài ra, sự thành công này, người ta bảo còn là vì Donald Trump đã vận dụng khá thành công kỹ thuật hay nghệ thuật quảng cáo của thương trường vào chính trường. Nghĩa là Trump coi cử tri như khách hàng, các vấn đề gai góc của đất nước thu hút sự quan tâm hàng đầu của cử tri được đưa ra như những món hàng đáp ứng đúng thị hiếu của khách hàng là cử tri nên đã bầu cho Trump.

Trường phái Trump

Bao lâu nay người ta vẫn cho rằng chỉ có hai trường phái chính trị Cộng hòa và Dân chủ thay nhau nắm quyền ở Hoa Kỳ. Nhưng rõ ràng là sự nắm quyền của tân Tổng thống Donald Trump đã không giống như hai trường phái này, dù ông đứng trong hàng ngũ Cộng Hòa.

Đây là những khác biệt tạo ra tân trường phái chính trị Trump:

Bao lâu nay người ta cho rằng đảng Cộng Hòa và Dân chủ thường thống nhất trong chính sách đối ngoại căn cứ trên nền tảng lợi ích của giai cấp tư bản nhân danh quyền lợi quốc gia. Hai đảng chỉ khác nhau về cách thức thực hiện các chủ trương,chính sách đối ngoại về kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng… Nhưng vẫn nhất quán về lợi nhuận đem lại trước hết cho các tập đoàn tư bản có thế lực có khả năng khuynh đảo chính quyền. Trong khi về đối nội, đảng Cộng Hòa thiên về bảo vệ quyền lợi ưu tiên cho tầng lớp thượng lưu tư bản, có khuynh hướng bảo thủ; còn đảng Dân Chủ thiên về bảo vệ quyền lợi giai cấp trung lưu và hạ lưu trong xã hội, có khuynh hướng cấp tiến.

Thế nhưng, đối với Tổng thống Trump cả chính sách đối nội và đối ngoại trên nguyên tắc đều coi quyền lợi của Hoa Kỳ đặt trên nền tảng quyền lợi của nhân dân Hoa Kỳ (dân túy), bao gồm mọi giai cấp giàu cũng như nghèo trong xã hội. Nhưng trên thực tế khi đi vào thực hiện chủ trương chính sách đối nội cũng như đối ngoại thì tìm cách dung hòa quyền lợi giữa các giai cấp; bề ngoài tỏ ra nghiêng hẳn về các gai cấp trung lưu và hạ lưu chiếm số đông nhân dân Hoa Kỳ, nhưng bên trong vẫn quan tâm hàng đầu đến quyền lợi của giai cấp tư bản, trong đó có ông và hầu hết các nhà tư bản trong nội các. Sự có mặt của nhiều nhà tư bản tỷ phú hay triệu phú, trong nội các Trump, không biết có phải là Tổng thống tỷ phú Trump muốn làm an lòng giới tư bản để họ tin rằng tất cả những chủ trương chính sách đối nội cũng như đội ngoại của chính quyền Trump có vẻ bất lợi cho các nhà tư bản “coi vậy chứ không phải vậy đâu”? Vì vậy, có thể nói khuynh hướng chính trị của trường phái Trump là cấp tiến triệt để hay cực đoan trên nguyên tắc, nhưng trung dung khi thực hiện chủ trương chính sách trên thực tế.

Khi thực hiện chủ trương chính sách đối nội cũng như đối ngoại, nhất là liên quan đến các vấn đề gai góc trên mọi lãnh vực chính trị, kinh tế, y tế, xã hội, các trường phái chính trị Cộng Hòa cũng như dân chủ đều tỏ ra thận trọng, dè dặt về tính khả thi. Trong khi Tổng thống Trump thì táo bạo, bất kể tính khả thi, chỉ cần đáp ứng đúng nguyện vọng của nhân dân, không cần có làm được hay không. Nghĩa là kết quả không quan trọng bằng làm thỏa mãn tức thời ước muốn của đa số nhân dân (mị dân). Vì thế Trump nói là làm thật, làm ngay, nên dân tin và ủng hộ. Nếu làm không được, dân cũng không trách, vì ông đã làm hết sức mình như ông nói, không làm được không phải do ông mà do những ngăn cản khách quan ngoài ý muốn. Vả lại, ông chỉ hứa sẽ làm nếu đắc cử tổng thống, chứ đâu có bảo đảm kết quả bao giờ?

Thực tế, sau khi đắc cử Tổng thống Donald Trump đã lập tức thực hiện tất cả những gì ông đã hứa khi tranh cử một cách mạnh bạo, bất chấp mọi đụng chạm quyền lợi đưa đến các cuộc biểu tình chống đối của người dân bất đồng, chấp nhận mọi búa rừu của báo chí, công luận. Nhưng ba tháng trôi qua những điều ông hứa đã làm đều không đem lại kết quả gì cụ thể, đáng kể nào.

Về đối nội, chẳng hạn về di trú nhập cư, các sắc lệnh ban ra các biện pháp kiểm soát, trục xuất di dân ngăn chặn khủng bố vì sự an toàn cho nhân dân và an ninh cho đất nước, thì bị tư pháp chặn lại không cho thi hành; xây bức tường ngăn chặn nhập cư biên giới giáp với Mexico thì bị ngăn cản, chống tối từ nhiều phía, tiền chi phí phải thông qua Quốc Hội, đánh thuế cao thì không dễ dàng, nên phải khựng lại; Dự luật thay thế Obamacare thì bị chết yểu trước khi đưa ra biểu quyết tại Quốc Hội, vì sự chống đối của dân biểu Dân chủ và của cả thiểu số dân biểu bảo thủ trong đảng Cộng Hòa.

Về đối ngoại, nếu tân Tổng thống Trump từng bạo miệng nói lên chủ trương chính sách cứng rắn như đe dọa xét lại việc tham gia tổ chức NATO, cho rằng tổ chức này đã lỗi thời, xét lại các Hiệp ước đa phương cũng như song phương về quân sự, kinh tế cho rằng bất công, bất lợi cho Hoa Kỳ… đã gây bất bình làm mất lòng, lo ngại cho nhiều lãnh đạo các nước Âu, Á… Nay thì dường như Tổng thống Trump đã điều chỉnh chính sách phù hợp với thực tế hơn. Chẳng hạn mới đây sau khi hội kiến với Tổng Thư Ký NATO Jens Stoltenberg hôm 12-4, Tổng thống Trump đã hết lời ca ngợi lợi ích mà tổ chức này đã đóng góp trong quá khứ cho nền hòa bình thế giới và an ninh khu vực. Ông Trump nói “Liên minh NATO trong thời gian qua là một thành trì của hòa bình và an ninh quốc tế”. Đồng thời tái khẳng định cam kết của Mỹ với NATO, liên minh lâu đời mà có lúc ông chỉ trích là “lỗi thời.”

Đối với Trung Quốc, điều nhiều người nghĩ đến là Tổng thống Trump sẽ thực hiện chính sách cứng rắn triệt để với Trung Quốc về mậu dịch, Biển Đông và an ninh khu vực, để giữ vững uy thế và bảo vệ quyền lợi tối đa cho quyền lợi mậu dịch Hoa Kỳ, đã không xảy ra. Trái lại, sau cuộc gặp thượng đỉnh với người đứng đầu đảng cộng sản và nhà nước Trung Quốc Tập Cận Bình vào các ngày 6 và 7 tháng Tư vừa qua tại nhà nghĩ dưỡng Mar-a-Lago của ông ở Florida, lại như mở ra một thời kỳ mà Tổng thống Trump mô tả đầy triển vọng tuyệt vời trong quan hệ giữ hai nước; và có lẽ trong cuộc gặp này TT Trump cũng tái khẳng định tôn trọng nguyên tắc một nước Trung Hoa mà đảo quốc Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc, điều trước đây ông từng mập mờ phủ nhận.

Điều này trái với hành động và lời nói cứng rắn trước đây của Ông Trump về chủ trương, chính sách đối với Trung Quốc. Sự trái ngược này phải chăng cũng vì quyền lợi của nước Mỹ, mà trước hết là quyền lợi của các nhà tư bản Hoa Kỳ đang gắn bó các cuộc đầu tư ở nước này, một cường quốc hàng đầu đất rộng, người đông đến hơn 1.3 tỷ người, cũng là thị trường béo bở cho các nhà tư bản đầu tư? Nó cũng thể hiện tính thực dụng của người Hoa Kỳ, nếu có lợi, Tổng thống Trump sẵn sàng thay đổi mọi quyết định. Viết đến đây chúng tôi liên tưởng đến mẫu người quân tử xưa theo người Trung Quốc, “quân tử nhất ngôn”, nhưng có lẽ thời nay phải sửa lại theo quan niệm thực dụng Hoa Kỳ, “quân tử nhất ngôn là quân tử dại, quân tử nói đi nói lại là quân tử khôn”. Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump đúng là quân tử khôn, chứ không phải dại như những người chống đối miệt thị gọi là “Trump khùng, Trump điên, Trump nổ”.

Thực ra, theo nhận định khách quan của chúng tôi và có lẽ cũng của nhiều người, Tổng thống Donald Trump là người bình thường, cá tính sôi nổi, thông minh, bản lãnh, quyết đoán. Dường như Tổng thống Donal Trump đang “giả mù sa mưa” để thử nghiệm một tân trường phái chính trị của mình. Nếu thành công, có thể giữ được chiếc ghế Tổng thống thêm nhiệm kỳ 4 năm nữa và trên chính trường Hoa Kỳ sẽ có mặt thêm trường phái chính trị Trump bên cạnh hai trường phái Cộng Hòa và Dân Chủ. Nếu thất bại Tổng thống Trump có thể phải ra đi trong hay sau nhiệm kỳ 4 năm đầu. Thực tế thế nào chúng ta hãy chờ xem phải không ạ?

  • 16x9 Image

    Thiện Ý

    Thiện Ý nguyên luật sư tại Sài Gòn trước 1975, hiện là Chủ tịch Câu Lạc bộ Luật khoa Việt Nam ở Houston. Các bài viết của Thiện Ý là bài viết cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

XS
SM
MD
LG