Đường dẫn truy cập

Trump: Phán quyết chặn lệnh cấm du hành làm Mỹ “suy yếu”


Bên ngoài Tòa án Liên bang ở Hawaii nơi vừa bãi bỏ lệnh cấm du hành ngay trong ngày sắc lệnh mới của tổng thống dự định có hiệu lực.
Bên ngoài Tòa án Liên bang ở Hawaii nơi vừa bãi bỏ lệnh cấm du hành ngay trong ngày sắc lệnh mới của tổng thống dự định có hiệu lực.

Hai tòa án liên bang Mỹ đã ban hành lệnh cấm tạm thời chống nỗ lực lần thứ 2 của Tổng thống Donald Trump, sử dụng sắc lệnh hành pháp nhằm hạn chế số lượng người được phép vào nước Mỹ.

Một thẩm phán bang Hawaii đã chặn cả lệnh tạm ngưng nhận người tị nạn và lệnh cấm cấp thị thực mới cho người dân đến từ 6 nước có đa số dân theo Hồi giáo. Một thẩm phán liên bang ở Maryland cũng đơn cử phát biểu của ông Trump khi ban hành một lệnh cấm riêng rẽ hôm thứ 5, tuy nhiên phán quyết đó chỉ áp dụng cho phần cấm thị thực của sắc lệnh hành pháp, chứ không áp dụng cho chương trình tị nạn.

Các luật sư tham gia biểu tình cùng những người ủng hộ người nhập cư tị nạn tại sân bay quốc tế Dulles để phản đối lệnh cấm du hành đầu tiên của tổng thống Trump ban hành ngày 29/1.
Các luật sư tham gia biểu tình cùng những người ủng hộ người nhập cư tị nạn tại sân bay quốc tế Dulles để phản đối lệnh cấm du hành đầu tiên của tổng thống Trump ban hành ngày 29/1.


Thẩm phán Derrick Watson kết luận rằng thách thức pháp lý của bang Hawaii có cơ may thành công với lập luận cho rằng sắc lệnh hành pháp vi phạm điều khoản thành lập Hiến pháp, đòi hỏi các hành động của chính phủ chủ yếu phải nhắm mục đích phi tôn giáo.

Ông chỉ ra những phát biểu của ông Trump và các cộng sự của ông này trước và sau khi ông được bầu làm Tổng thống vào tháng 11. Chiến dịch tranh cử của ông Trump có lúc kêu gọi nên cấm tất cả những người Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ, chính sách đó sau này được sửa đổi để kêu gọi phải "kiểm tra kỹ lưỡng" những người đến từ các quốc gia có liên quan đến khủng bố.

"Mối nguy đã rõ, luật pháp cũng rõ ràng, sự cần thiết của sắc lệnh hành pháp của tôi đã rõ. Tôi được bầu lên để thay đổi hệ thống bị hỏng và nguy hiểm của chúng ta, và cách suy nghĩ trong hệ thống chính phủ đã làm cho đất nước chúng ta suy yếu và lâm nguy, đẩy người dân Mỹ vào thế không được bảo vệ."
Donald Trump, tổng thống Mỹ

Chính quyền của ông Trump nói lệnh cấm du hành là cần thiết để bảo vệ đất nước chống nguy cơ khủng bố. Đề xuất bao gồm một lệnh ngưng nhận bất kỳ người tị nạn nào trong 4 tháng, và đóng băng việc cấp thị thực cho những người đến từ Iran, Syria, Yemen, Libya, Somalia và Sudan trong 3 tháng. Dự kiến lệnh có hiệu lực vào thứ 5 trước khi tòa ra phán quyết đình chỉ việc thực thi lệnh.

Trong sắc lệnh di trú đầu tiên, Iraq có tên trên danh sách các nước bị nhắm mục tiêu, sắc lệnh này còn có một điều khoản miễn trừ các nhóm tôn giáo thiểu số khỏi lệnh cấm.

Tất cả các nước trong danh sách cấm có đa số dân là người Hồi giáo. Thẩm phán Watson bác bỏ lập luận của chính phủ rằng lệnh này không phải là lệnh cấm đối với người Hồi giáo bởi vì các nước trên danh sách cấm không bao gồm toàn bộ tín đồ Hồi giáo trên thế giới.

Bộ Tư pháp, đại diện cho chính phủ trong vụ kiện, nói rằng họ không đồng ý với phán quyết của tòa hôm thứ 4, và cho rằng phán quyết này "thiếu sót trong cả lý luận và phạm vi".

Một thông báo của Bộ Tư pháp nói: "Sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump hoàn toàn nằm trong thẩm quyền hợp pháp của ông là bảo vệ an ninh quốc gia và bộ sẽ tiếp tục bảo vệ sắc lệnh hành pháp tại tòa.”

Halima Mohamed đón con gái tại New York hôm 8/3 sau một thời gian bị hoãn giấy tờ nhập cảnh vào Mỹ từ Somali do lệnh cấm du hành ban đầu của tổng thống Trump.
Halima Mohamed đón con gái tại New York hôm 8/3 sau một thời gian bị hoãn giấy tờ nhập cảnh vào Mỹ từ Somali do lệnh cấm du hành ban đầu của tổng thống Trump.

Tổng thống Trump nói phán quyết của toà án đã khiến Hoa Kỳ bị coi là suy yếu, và tuyên bố ông sẽ tiếp tục cuộc chiến pháp lý.

Nói chuyện với những người ủng hộ tại một cuộc mít tinh ở bang Tennessee, ông Trump nói:

"Mối nguy đã rõ, luật pháp cũng rõ ràng, sự cần thiết của sắc lệnh hành pháp của tôi đã rõ. Tôi được bầu lên để thay đổi hệ thống bị hỏng và nguy hiểm của chúng ta, và cách suy nghĩ trong hệ thống chính phủ đã làm cho đất nước chúng ta suy yếu và lâm nguy, đẩy người dân Mỹ vào thế không được bảo vệ."

Luật sư về di trú Leon Fresco, từng là phó trợ lý Bộ trưởng Tư pháp dưới thời Tổng thống Barack Obama, nói câu hỏi then chốt trong vụ kiện là quyền của tổng thống cấm nhập cảnh một thành phần nào đó, sẽ bất lợi cho nước Mỹ.

Vào tháng trước, Tòa Phúc thẩm Khu vực Tư pháp số 9 của Hoa Kỳ duy trì một phán quyết tương tự của tòa án cấp thấp để ngăn chặn chính phủ thực thi sắc lệnh hành pháp đầu tiên.

Hawaii nằm trong khu vực tư pháp này, cho nên nếu Bộ Tư pháp kháng cáo, vụ kiện sẽ lại được đưa ra trước Tòa Phúc thẩm Khu vực Tư pháp số 9.

Các nhóm ủng hộ quyền dân sự, từng phản đối sắc lệnh ban đầu của ông Trump mà họ cho là vi hiến, đang đứng về phía một số tiểu bang, cùng với Hawaii, để thách thức sắc lệnh hành pháp mới của Tổng thống Trump./.

VOA Express

XS
SM
MD
LG