Đường dẫn truy cập

Tổng thống Trump tiếp tục tập trung vào chính sách trừng phạt Bắc Hàn


Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Rex Tillerson đứng cạnh Đại tướng Mỹ Vincent K. Brooks (thứ ba từ bên phải) Tư lệnh Lực lượng hỗn hợp Mỹ và Nam Triều Tiên và Đại tướng Leem Ho-young (thứ ba từ bên trái), Phó Tư lệnh Lực lượng hỗn hợp, ngày 17/3/2017.
Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Rex Tillerson đứng cạnh Đại tướng Mỹ Vincent K. Brooks (thứ ba từ bên phải) Tư lệnh Lực lượng hỗn hợp Mỹ và Nam Triều Tiên và Đại tướng Leem Ho-young (thứ ba từ bên trái), Phó Tư lệnh Lực lượng hỗn hợp, ngày 17/3/2017.

Bất chấp những phát biểu hùng hổ của Tổng thống Donald Trump về việc khống chế mối đe dọa hạt nhân của Bắc Triều Tiên, chính sách của Mỹ hiện nay về Bình Nhưỡng hình như cũng giống như chính sách kiên nhẫn chiến lược của cựu Tổng thống Barack Obama.

Theo chính sách kiên nhẫn chiến lược của cựu Tổng thống Obama, Mỹ không đối thoại với chế độ Kim Jong Un cho đến khi nào Bắc Triều Tiên cam kết chấp dứt chương trình hạt nhân, trong khi tiếp tục đáp lại những hành động khiêu khích của Bắc Hàn bằng cách tăng các biện pháp răn đe quân sự, trừng phạt kinh tế và cô lập ngoại giao.

Giáo sư Daniel Pinkston của Đại học Troy ở Seoul nhận định:

"Theo tôi có ba chọn lựa cơ bản. Một là chịu thua và nhượng bộ, để cho Bắc Hàn muốn làm gì thì làm. Hai là chiến tranh phòng ngừa, tức là dùng vũ lực để giải trừ vũ khí của Bắc Hàn. Và chọn lực thứ ba chính là phương án đang áp dụng, theo tôi là tốt nhất trong ba chọn lựa, đó là răn đe và ngăn chặn."

Kiên nhẫn chiến lược

Chính quyền Kim hành động bất chấp chấp các biện pháp trừng phạt của quốc tế do Mỹ dẫn đầu, trong đó có các lệnh chế tài nghiêm khắc của Liên hiệp quốc. Bình Nhưỡng công khai tuyên bố là Bắc Triều Tiên là nước có vũ khí hạt nhân và họ tăng mạnh các hoạt động thử nghiệm hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Trong chuyến thăm Seoul hồi tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Rex Tillerson lên tiếng bác bỏ chính sách kiên nhẫn chiến lược của Tổng thống Obama, nhưng ông cũng lập lại một số điều cơ bản với phát biểu “mạnh mẽ” ủng hộ hai đồng minh quân sự là Nam Triều Tiên và Nhật Bản, và từ chối đề nghị của Trung Quốc là ngưng hoạt động diễn tập quân sự chung với Nam Triều Tiên để đổi lại việc ngưng khả năng hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Nhà phân tích chính trị Bong Young-shik của Viện nghiên cứu về Bắc Triều Tiên thuộc Đại học Yonsei nhận định:

"Tiền đề của chính sách kiên nhẫn chiến lược – trừ phi giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên chứng tỏ ý định thực sự muốn phi hạt nhân theo đề nghị tạm đóng băng chương trình hạt nhân – là Hoa Kỳ dứt khoát không đàm phán với Bắc Triều Tiên. Tiền đề đó vẫn là nền móng chính của chính sách mới."

Mặc dù Ngoại trưởng Tillerson không loại bỏ khả năng hành động quân sự đế chống lại mối đe dọa tấn công sắp tới của Bắc Hàn hoặc mối đe dọa bằng vũ khí tiên tiến có thật, ông nhấn mạnh rằng ưu tiên của chính quyền Trump rất giống với chính sách của Tổng thống Obama, đó là áp lực buộc chính phủ Kim thay đổi hành động bằng các tăng cường răn đe quân sự và trừng phạt kinh tế.

Mối đe dọa phi đạn đạn đạo

Những công nghệ tiên tiến mới đây cho thấy Bình Nhưỡng tiến gần hơn đến khả năng chế tạo được phi đạn đạn đạo liên lục địa mang theo đầu đạn hạt nhân (ICBM), có thể bắn đến đại lục Mỹ. Điều đó làm tăng lo ngại rằng thời gian không còn đứng về cùng phía với Washington nữa.

Trong lúc ông Tillerson công du châu Á, Bắc Triều Tiên đã phóng thử một tên lửa có động cơ mạnh hơn mà người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Nam Triều Tiên nói đã chứng tỏ một sự tiến bộ đáng lưu ý. Nhưng cơ quan này không nói rõ liệu động cơ được thử nghiệp đó có thể được sử dụng cho phi đạn đạn đạo liên lục địa hay không. Tuy nhiên, hãng thông tấn KCNA của Bắc Triều Tiên hôm Chủ nhật nói rằng động cơ đó có thể giúp Bắc Hàn đạt đến đẳng cấp quốc tế về khả năng phóng vệ tinh.

Cuối tuần qua, Tổng thống Trump nói với các phóng viên rằng ông có các cuộc thảo luận về Bắc Hàn tại khu nghỉ mát của ông ở bang Florida. Mặc dù không đề cập cụ thể đến vụ thử nghiệm động cơ tên lửa của Bắc Hàn, ông Trump nói ông Kim Jong Un “hành động rất xấu.”

Trung Quốc

Tổng thống Trump lên án Trung Quốc không áp dụng những biện pháp mạnh hơn để kiềm chế đồng minh của họ ở Bình Nhưỡng. Trung Quốc hồi gần đây đã ngưng mua than đá của Bắc Hàn, nhưng Bắc Kinh cũng ra dấu hiệu cho thấy họ không muốn thực hiện những biện pháp hà khắc hơn vì sợ rằng sẽ gây ra tình trạng bất ổn lan rộng và chế độ Kim có thể sụp đổ.

Nhưng cuộc gặp gỡ của ngoại trưởng Mỹ với chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc hôm thứ Bảy trong có vẻ hòa hoãn hơn. Ông Tập sau đó nói rằng ông trân trọng phát biểu của ông Tillerson rằng “quan hệ với Trung Quốc chỉ có thể xác định trên cơ sở hợp tác và tình hữu nghị.”

Hai siêu cường thế giới sẵn lòng hợp tác với nhau để giải quyết mối đe dọa hạt nhân của Bắc Triều Tiên đến mức nào vẫn còn là một vấn đề tranh cãi.

Nhiều nhà phân tích như ông Bong Young-shik nói rằng trong cuộc hội đàm kín, ông Tillerson có lẽ đã gợi ý một số thỏa thuận quan trọng, đưa ra những nhượng bộ lớn đối với những vấn đề tranh chấp lâu nay để đổi lại việc chấm dứt mối đe dọa hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

Ông Bong nói: "Trong số những điều kiện gợi ý với Bắc Kinh có thể có lợi ích cốt lõi của Trung Quốc tại Biển Nam Trung Hoa và việc Mỹ không can thiệp vào những vấn đề nội bộ của Trung Quốc nữa."

Các nhà phân tích nói rằng Trung Quốc có lẽ sẽ không áp dụng những biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Bắc Hàn theo cách có thể giúp Mỹ và Nam Hàn tăng cường vị thế của họ trong khu vực, và cũng không rõ liệu Trung Quốc có cảm thấy đủ thuyết phục để buộc Bắc Hàn từ bỏ vũ khí hạt nhân hay không.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG