Đường dẫn truy cập

Tổng thống Mỹ tới Lào, trấn an các nước Đông Nam Á


Binh sĩ Lào đứng gác bên ngoài Trung tâm Hội nghị Quốc gia, nơi sẽ diễn ra Hội nghị Cấp cao ASEAN ở Vientiane, Lào, 5/9/2016.
Binh sĩ Lào đứng gác bên ngoài Trung tâm Hội nghị Quốc gia, nơi sẽ diễn ra Hội nghị Cấp cao ASEAN ở Vientiane, Lào, 5/9/2016.

Tổng thống Barack Obama đang cố gắng trấn an các quốc gia ở Đông Nam Á rằng Mỹ quyết tâm theo đuổi chính sách tái cân bằng của mình về khu vực này trong chuyến thăm lịch sử của ông đến thủ đô Vientiane của Lào trong tuần này.

Việc ông Obama đến Lào hôm nay, 5/9, sẽ đánh dấu lần đầu tiên một tổng thống Mỹ đương nhiệm đến thăm đất nước này.

Ông sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và hội nghị thượng đỉnh Đông Á, nơi ông sẽ tìm cách tăng cường hơn nữa các mối quan hệ và gia tăng ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực.

Giới chức Tòa Bạch Ốc cho biết Tổng thống Obama sẽ tìm cách thăng tiến mối quan hệ Hoa Kỳ - Lào trong bối cảnh có sự chú trọng nhiều hơn đối với khu vực Châu Á Thái Bình Dương, và mục tiêu của Mỹ là làm đối trọng trước vai trò và ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Nhà lãnh đạo của Mỹ sẽ gặp Chủ tịch nước của Lào, Bounnhang Vorachit, tại phủ chủ tịch vào ngày thứ Ba, 6/9. Đảng Cộng sản Lào đã bầu nhà lãnh đạo mới vào đầu năm nay.

Lào, nước vẫn bị chỉ trích về thành tích nhân quyền, hiện đang giữ chức chủ tịch khối ASEAN.

Cờ ASEAN ở Patuxai, một đài tưởng niệm chiến tranh ở Vientiane.
Cờ ASEAN ở Patuxai, một đài tưởng niệm chiến tranh ở Vientiane.

Giới chức Tòa Bạch Ốc cho biết cuộc hội kiến song phương tiếp tục chính sách của chính quyền Obama là chủ động tiếp xúc với những nước mà Mỹ có quan hệ kém thuận lợi.

Sau đó, ông Obama sẽ có bài diễn văn về chính sách Châu Á của mình và tác động của nó trong nhiệm kỳ tổng thống của ông.

Ông Ben Rhodes, Phó Cố vấn về An ninh Quốc gia của Tòa Bạch Ốc, cho biết: "Ông ấy sẽ nói về chặng đường mà chúng tôi đã đi qua trong việc định hình một cơ cấu trong khu vực châu Á Thái Bình Dương để Mỹ lãnh đạo và tham gia vào bàn hội đàm tại các diễn đàn như Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN và Đông Á."

Ông Obama sẽ nói rằng chính sách của ông hình thành là nhờ sự gia tăng những mối quan hệ thương mại, kinh tế, an ninh, và sẽ kêu gọi nhiều mối quan hệ đối tác hơn nữa trong khu vực để đối phó với những vấn đề nhạy cảm như an ninh hàng hải.

Trong bài diễn văn, nhà lãnh đạo Mỹ cũng sẽ trình bày những luận điểm cho việc phê chuẩn Quan hệ Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thỏa thuận thương mại to lớn đang hứng chịu chỉ trích kịch liệt tại Mỹ. Những người chỉ trích nói rằng thỏa thuận này sẽ “cướp mất” công ăn việc làm ở Mỹ.

Thỏa thuận này, với sự tham gia của 12 quốc gia ven bờ Thái Bình Dương, là một cấu phần kinh tế trọng yếu trong chính sách Châu Á của ông Obama. Ông đã bày tỏ tin tưởng rằng ông có thể thuyết phục được Quốc hội Mỹ phê chuẩn hiệp ước này trong một phiên họp sau cuộc bầu cử tổng thống trong những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ tổng thống của ông.

Nếu không có TPP, chiến lược của ông Obama bị suy yếu đáng kể, theo nhận định của giới chuyên gia.

Ông Douglas Paal, phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu tại Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie, nói: "Chúng ta có một thỏa thuận an ninh mạnh mẽ, chính thức với những nước đồng minh và không chính thức với những nước đối tác khác trong khu vực, nhưng nó không thể tự đứng vững nếu không có nền tảng kinh tế."

Sự chống đối thỏa thuận thương mại này đang khơi lên mối hoài nghi ở Châu Á về cam kết của Mỹ đối với chính sách tái cân bằng, theo lời những chuyên gia.

Quốc kỳ của các nước thành viên ASEAN và các nước đối tác phản chiếu trên cửa kính tại địa điểm tổ chức ASEAN ở Vientiane, Lào, 4/9/2016.
Quốc kỳ của các nước thành viên ASEAN và các nước đối tác phản chiếu trên cửa kính tại địa điểm tổ chức ASEAN ở Vientiane, Lào, 4/9/2016.

Trên đường phố thủ đô Vientiane, người dân đã bày tỏ hy vọng dè dặt về tương lai, sau khi Tổng thống Obama rời đi và những hội nghị thượng đỉnh bế mạc.

Bà Sompaseuth Kounnavong, chủ một cửa hàng tạp hóa nhỏ gần địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh, cho biết rất nhiều người lấy làm hào hứng về chuyện ông Obama tới đây.

Bà nói trong ngắn hạn thì chuyện này có lợi cho việc buôn bán, nhưng chủ cửa hàng này từ chối đưa ra dự đoán xa hơn, chỉ nói thêm rằng "chúng tôi muốn thấy mọi thứ thay đổi."

Ông Mek Boubong, một người làm việc trong ngành du lịch, tỏ ra lạc quan hơn. "Tôi hy vọng chuyến thăm của ông ấy sẽ giúp đất nước phát triển. Mọi thứ đang thay đổi,” ông nói với nụ cười rạng rỡ.

Trong chuyến thăm, ông Obama sẽ tổ chức một buổi hỏi đáp trực tiếp với những người trẻ tuổi, tham quan những địa điểm văn hóa và tập trung vào những nỗ lực của Mỹ nhằm rà phá bom mìn chưa phát nổ ở Lào. Khoảng một phần ba số 2,2 triệu tấn bom mà lực lượng Mỹ thả xuống Lào trong một hoạt động bí mật kéo dài 9 năm thời Chiến tranh Việt Nam vẫn chưa phát nổ. Vấn đề này đã làm chậm lại sự phát triển của đất nước.

Ngoài việc tham dự những hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Obama cũng sẽ gặp gỡ những nhà lãnh đạo khác của khu vực trước khi rời đi vào ngày thứ Năm, đánh dấu kết thúc chuyến công du thứ mười một và cũng là cuối cùng của ông tới Châu Á trong cương vị tổng thống Hoa Kỳ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG