Một phúc trình mới cho biết những người bị buộc phải tản cư trên toàn thế giới trong năm ngoái đã phá kỷ lục từ trước đến nay. Trùng hợp với Ngày Người tị nạn Thế giới, phúc trình về Khuynh hướng Toàn cầu của cơ quan tị nạn Liên hiệp quốc cho thấy xung đột và đàn áp đã tạo ra sự leo thang đáng kể những người tị nạn và những người phải tản cư trong nước vào năm 2015. Thông tín viên Lisa Schlein của Đài VOA tường thuật từ Geneva.
Năm ngoái, có 65,3 triệu người bị buộc phải tản cư, tăng gần 5 triệu người so với năm trước. Ông Filippo Grandi, người đứng đầu Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc, nói hiện nay đang có thêm những người đi tản cư vì chiến tranh và đàn áp. Việc này xảy ra vào thời điểm mà con số những nước đóng cửa biên giới đối với người tị nạn đang gia tăng.Ông Grandi nói:
“Mỗi phút có 24 người phải tản cư..Hai phần ba những người bị buộc phải rời bỏ nhà cửa là những người tản cư đến những nơi khác trong nước…95% những người tản cư thuộc quốc gia nghèo hay có lợi tức thấp chứ không phải thuộc thế giới giàu có.”
Phúc trình cho thấy 3 nước - Syria, Afghanistan và Somalia - chiếm một nửa trong số 21 triệu người tị nạn trên thế giới.
Phúc trình cho biết thêm 50% những người tị nạn là trẻ em, nhiều em thất lạc gia đình trong khi trốn chạy. Các con số thống kê cho thấy 98.000 trường hợp xin tị nạn là các trẻ em không có cha mẹ đi kèm, con số cao nhất từ trước tới nay.
Ông Grandi, Cao ủy trưởng Cao uỷ Tị nạn Liên hiệp quốc cho Đài VOA biết rằng Syria vẫn là quốc gia có nhiều người tản cư nhất trên thế giới, nhưng cũng đang xuất hiện những nước mới có nhiều người tị nạn. Tuy Burundi đã trải qua nhiều cuộc xung đột trong nhiều thập niên nay, nhưng theo ông Grandi, đã có sự gia tăng con số những người tản cư trong nước và những người tị nạn tại nước này.
“Có những cuộc khủng hoảng - như tại Nam Sudan, diễn ra với nhiều giai đoạn khác nhau. Điều không may là chúng ta đang ở trong giai đọan gia tăng nhanh chóng… Hiện đang có một làn sóng tị nạn mới của những người Afghanistan bỏ nước ra đi. Ngay cả những người Afghanistan tị nạn lâu năm ở Iran cũng đang tìm cách đi sang các nước khác.”
Phúc trình cho biết Trung Đông và Bắc Phi, với 23,6 triệu người tị nạn và người tản cư, là vùng có số người phải rời bỏ nhà cửa cao nhất trên thế giới.
Tiểu vùng Sa mạc Sahara theo sát sau đó với 18,4 triệu người tị nạn và người tản cư trong nước được ghi nhận vào cuối năm. Tuy châu Âu là nơi thu hút sự chú ý của truyền thông thế giới, phúc trình cho biết đây là vùng có con số người tị nạn thấp nhất.