Pakistan hôm thứ Sáu "hoàn toàn bác bỏ" tuyên bố của Ấn Độ nói rằng họ đã đưa quân qua biên giới tranh chấp ở vùng Kashmir để hạ sát những người bị tình nghi là những kẻ chủ chiến, trong khi Ấn Độ sơ tán những ngôi làng gần biên giới giữa lúc có những lo ngại về một sự leo thang quân sự.
Trong một thông báo công khai hiếm hoi về một vụ đột kích như vậy, Ấn Độ cho biết họ đã thực hiện "những cuộc tấn công nhắm mục tiêu chính xác" hôm thứ Năm, gửi lực lượng đặc nhiệm tới tiêu diệt những người đàn ông toan lẻn vào lãnh thổ Ấn Độ và tấn công những thành phố lớn của nước này.
Giới chức Ấn Độ cho biết quân đội đã giết chết hàng chục kẻ chủ chiến và binh sĩ của họ đã trở về căn cứ an toàn trước bình minh, nhưng từ chối cung cấp thêm bằng chứng về hoạt động này.
Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif khẳng định Ấn Độ đã vô cớ nổ súng từ phía biên giới được quân sự hóa dày đặc của mình trong vùng Kashmir có tranh chấp, điểm nóng cho hai trong ba cuộc chiến tranh giữa hai nước láng giềng đều sở hữu vũ khí hạt nhân. Hai binh sĩ Pakistan thiệt mạng trong cuộc tấn công này.
"Nội các cùng với Thủ tướng bác bỏ hoàn toàn tuyên bố của Ấn Độ thực hiện ‘những cuộc tấn công nhắm mục tiêu chính xác,’" văn phòng của ông Sharif cho biết trong một thông cáo được đưa ra sau một cuộc họp nội các vào ngày thứ Sáu.
Thông cáo nói thêm rằng Pakistan sẵn sàng "đối phó với bất kỳ hành động gây hấn nào của Ấn Độ," nhưng không cho biết thêm chi tiết.
Pakistan đã bắt giữ một binh sĩ Ấn Độ vào hôm thứ Năm ở phía biên giới của mình, nhưng Ấn Độ nói vụ việc này không liên quan đến cuộc đột kích vì binh sĩ này vô tình đi lạc qua biên giới.
Áp lực trong nước đã đè nặng lên Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phải trả đũa sau khi 19 binh sĩ Ấn thiệt mạng trong một cuộc tấn công ngày 18 tháng 9 nhắm vào một căn cứ quân sự của Ấn Độ ở vùng Kashmir. Ấn Độ đã quy cho những kẻ xâm nhập đến từ lãnh thổ Pakistan về cuộc tấn công này.
Ấn Độ cũng đã phát động một chiến dịch ngoại giao nhằm tìm cách cô lập Pakistan. Quyết định của Ấn Độ hôm thứ Ba tẩy chay một hội nghị thượng đỉnh quy tụ các nhà lãnh đạo Nam Á vào tháng 11 tại Islamabad cũng bị Afghanistan, Bangladesh và Bhutan hưởng ứng. Những nước này cho biết họ cũng "không thể" tham dự.
Sri Lanka hôm thứ Sáu nói rằng hòa bình và an ninh là thiết yếu cho hợp tác khu vực, nhưng không nói sẽ rút khỏi hội nghị này.