“Người nông dân nổi dậy” ở Hải Phòng, từng đứng lên chống lực lượng thu hồi đất, cho biết rằng ông “sẵn sàng đứng ra làm trung gian” giữa người dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, với chính quyền nhằm giúp làm hạ nhiệt căng thẳng hiện nay.
Ông Đoàn Văn Vươn nói với VOA Việt Ngữ hôm 19/4, trong bối cảnh gần hai chục cảnh sát cơ động vẫn còn bị người dân giữ, bốn ngày sau khi xảy ra cuộc “đối đầu” với lực lượng thi hành công lực.
Về sự kiện mà người nông dân này cho là xảy ra giống với mình 5 năm trước, ông Vươn nói rằng người dân xã Đồng Tâm “không còn niềm tin” và “đã bị đẩy tới bước đường cùng”.
Ông nói thêm rằng nếu tình hình không có lối thoát thì “rất là nguy hiểm” và “gây tác động xấu cho xã hội”.
Người nông dân, từng được hàng xóm láng giềng và người thân ở Hải Phòng đón chào như người hùng, sau khi được đặc xá trở về, nhận định tiếp:
“Theo ý kiến cá nhân tôi, chính phủ phải vào cuộc, phải thành lập đoàn thanh tra để làm rõ. Chính phủ phải có kết luận rõ ràng, công bố công khai và xử lý tất cả các quan chức từ xã, huyện, thậm chí cả thành phố Hà Nội. Nếu có dấu hiệu sai phạm phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Sau đó, phải thả khẩn cấp những người mà chính quyền bắt. Cái sai về chính quyền phải xử lý trước”.
Chính phủ phải vào cuộc, phải thành lập đoàn thanh tra để làm rõ. Chính phủ phải có kết luận rõ ràng, công bố công khai và xử lý tất cả các quan chức từ xã, huyện, thậm chí cả thành phố Hà Nội.
Liên quan tới các diễn biến mới nhất ở Đồng Tâm, một người dân không muốn nêu danh tính nói với VOA Việt Ngữ rằng tình hình hiện nay “chẳng ra làm sao cả”, và mọi người đang chờ quan chức thành phố về xử lý vụ việc.
Người dân này nói thêm về các cảnh sát cơ động vẫn còn bị giữ: “Còn khoảng 20 người. Anh em cũng được dân cho ăn uống, và sinh hoạt các thứ bình thường. Ăn uống đầy đủ rồi chăn đệm ngủ nghỉ bình thường. Bà con chỉ muốn lãnh đạo thành phố về để giải quyết cho nhân dân yên lòng, mọi cái trở về bình thường”.
Hai anh em ông Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý bị bắt hồi đầu năm 2012 và ra tòa vào đầu năm 2013 rồi sau đó bị kết án 5 năm tù giam vì tội “giết người” khi cho nổ súng và bình ga tự chế nhắm vào lực lượng công vụ khi chính quyền tới cưỡng chế đất và đầm nuôi hải sản của nhà.
Hồi tháng Tám năm 2015, ông được đặc xá nhân dịp Quốc khánh Việt Nam, trở về nhà “gây dựng lại từ đầu” mảnh đất mà ông đứng lên bảo vệ.
Khi được hỏi về một số thông tin trên mạng, cho rằng ông có thể là một cầu nối giữa người dân xã Đồng Tâm và chính quyền, ông Vươn nói: “Nếu như chính quyền thiện chí để tôi đứng ra trung gian việc này thì tôi sẵn sàng. Tôi cũng chỉ mong làm sao mọi việc nó ổn định, quyền lợi người dân được đảm bảo và về phía chính quyền, quản lý đất nước trật tự. Đấy là cái mong muốn của tôi và chắc cũng là mong muốn của rất nhiều người dân”.
Sau nhiều giờ im lặng, báo chí Việt Nam hôm 17/4 đã đồng loạt đăng thông tin về cuộc xô xát giữa dân Đồng Tâm và lực lượng thi thành công lực.
Truyền thông trong nước gọi việc người dân ném gạch đá vào công an rồi bắt giữ nhiều cảnh sát cơ động là “trái pháp luật”.
Các báo cũng đưa tin việc bốn công dân Đồng Tâm bắt giữ và Công an Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án gây rối trật tự công cộng.
Lúc đấy bức xúc quá nên là không kiềm chế được. Chỉ có làm như thế thì mới giải quyết được vấn đề. Nếu mà không thì khi mà các cụ bị bắt, thì cũng chả biết bắt đi đâu. Dân cuống lên, không biết làm thế nào, thì phải làm thế thôi.Một người dân không muốn nêu tên nói.
Khi được hỏi nghĩ sao về cáo buộc của chính quyền, người dân không muốn nêu danh tính nói với VOA Việt Ngữ: “Lúc đấy bức xúc quá nên là không kiềm chế được. Chỉ có làm như thế thì mới giải quyết được vấn đề. Nếu mà không thì khi mà các cụ bị bắt, thì cũng chả biết bắt đi đâu. Dân cuống lên, không biết làm thế nào, thì phải làm thế thôi”.
Hôm 19/4, báo điện tử VnExpress đăng bài viết của một nữ phóng viên báo này, thuật lại chuyến đi đưa tin đúng ngày xảy ra sự kiện.
Bài viết nhận được nhiều phản hồi có đoạn: “…Tôi đã bắt đầu hành trình trong thôn Hoành [xã Đồng Tâm] bằng sự sợ hãi đến cứng người, nhưng ra về với tâm trạng bình yên. Đưa tôi ra khỏi thôn, những người đàn ông, phụ nữ bỏ gậy xuống, rời đi những ánh mắt giận dữ, họ lại trở về với sự đôn hậu của những người dân quê. Sau những đống sỏi đá ngổn ngang đổ xuống làm chướng ngại vật là những biểu ngữ, 'Không chống chính quyền'… Nhiều người trong số họ chỉ có nhu cầu được lắng nghe. Một cuộc đối thoại thực sự công khai đang được chờ đợi”.